Thứ tư, ngày 03/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Để các trụ sở luôn khang trang, sạch đẹp


(04/04/2017 09:39:01)

Tại Hội nghị công chức, viên chức TTXVN năm 2016, đại diện một số đơn vị trong ngành đã có ý kiến, tham luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công. Nội san Thông tấn xin lược trích phát biểu của đồng chí Đào Đức Huệ, Chánh Văn phòng TTXVN, về công tác quản lý trụ sở cơ quan.

Triển lãm ảnh được tổ chức tại sảnh tầng 1 trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội


Quản lý trụ sở tại Tổng xã
Hiện nay, Văn phòng đang quản lý 10 cơ sở nhà đất tại Hà Nội, 29 cơ sở nhà đất của các CQTT khu vực phía Bắc. Với các cơ sở nhà đất tại Tổng xã, chúng tôi xác định cần lập quyền sở hữu và sử dụng cho tất cả các biển số nhà, địa điểm được nhà nước giao, từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng cũng như đầu tư phát triển chiến lược của ngành. Các kế hoạch duy tu, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ được xây dựng trên cơ sở các nguồn vốn được phổ biến cũng như tạo thêm sao cho hiệu quả nhất.

Trong khi không ít công trình chỉ sau một thời gian ngắn khánh thành, các hạng mục bắt đầu biến dạng, sập sệ, thì với các công trình của chúng ta, đơn cử như nhà số 5 Lý Thường Kiệt đưa vào sử dụng đã 5 năm, vẫn khang trang. Có được kết quả này, trước hết là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng từ ban đầu đã đảm bảo chất lượng; việc bố trí sử dụng về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị; công tác bảo dưỡng tuân thủ những quy định về chủng loại vật tư, hóa chất không gây hại sức khỏe con người, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của thiết bị.  

Tuy nguồn vốn ngân sách cấp cho TTXVN để duy tu, bảo dưỡng hạn hẹp, nhưng với tinh thần không ỷ lại, Văn phòng đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan, thực hiện có hiệu quả Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ, tạo nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp cơ sở nhà đất của TTXVN, không chỉ bền đẹp mà còn tạo ra các nguồn thu khác cho ngành.

Quản lý trụ sở CQTT trong nước
Bên cạnh các CQTT quản lý khá tốt cơ sở nhà đất của ngành, vẫn còn nhiều CQTT chưa thực sự quan tâm đến công tác này, đâu đó còn có tư duy nhiệm kỳ, cho rằng không phải việc của phóng viên… nên để trụ sở nhếch nhác, xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công tác của cán bộ, phóng viên và hình ảnh của cơ quan Thông tấn quốc gia tại địa phương.

Một số CQTT tổ chức khai thác dịch vụ, cho thuê một phần diện tích (thậm chí là phần diện tích chính của ngôi nhà), có nghĩa là đã có nguồn thu nhưng các công việc sửa chữa nhỏ lại không quan tâm và chờ kinh phí từ cơ quan cấp, mới thực hiện.

Chúng tôi hiểu và chia sẻ những khó khăn, tâm tư anh em công tác tại CQTT; sẵn sàng lắng nghe và có thể tư vấn, báo cáo lãnh đạo cơ quan hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan trong công tác quản lý cơ sở nhà đất, quản lý hành chính của các CQTT. Nhưng ngược lại anh chị em cũng cần chia sẻ với ngành về những khó khăn chung, đặc biệt là nguồn kinh phí ngày càng hạn hẹp.

Ban lãnh đạo cơ quan đã có sự quan tâm đặc biệt tới các CQTT, thể hiện bằng Nghị Quyết 01-NQ/ĐU của Đảng ủy TTXVN khóa XXIV về tăng cường vị thế và vai trò của CQTT. Trong thời gian gần đây, kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và sửa chữa, xây mới các trụ sở CQTT là khá lớn so với tỷ trọng nguồn vốn được cấp của ngành. Cụ thể, năm 2016, đã đầu tư sửa chữa lớn bốn CQTT: Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La và Lai Châu. Hy vọng rằng, anh em phóng viên thường trú có hành động thiết thực giữ gìn tài sản của ngành, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình đối với cơ quan.

Trụ sở CQTT Thái Nguyên vừa được đầu tư sửa chữa năm 2016

Quản lý trụ sở CQTT ngoài nước
Thực hiện Quyết định 602 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay TTXVN đã đầu tư thành công 17 cơ sở nhà đất các CQTT ở nước ngoài. Việc đầu tư bất động sản ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, không chỉ đơn thuần lợi ích về kinh tế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, phóng viên tác nghiệp.

Cơ sở nhà đất đầu tiên mua ở nước ngoài cách đây cũng vài chục năm, mới nhất cũng vài ba năm. Các cơ sở này hầu hết đều do người nước ngoài thiết kế và xây dựng, đảm bảo khá chuẩn mực các tiêu chí cho số lượng cụ thể nhân khẩu ăn ở, sinh hoạt. Tuy nhiên, khi chúng ta biến nhà ở thành cơ quan đại diện với cơ cấu của ba gia đình phóng viên thường trú, số lượng nhân khẩu tăng gấp đôi, gấp ba, các trụ sở CQTT thường xuyên thay đổi người sử dụng, dẫn đến thiếu sự chăm sóc, giữ gìn.

Theo quy định của Tổng giám đốc, Văn phòng cơ quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Kế hoạch Tài chính tham mưu xây dựng kế hoạch dài và ngắn hạn, các dự án về đầu tư xây dựng cơ bản của ngành, bảo dưỡng, sửa chữa trụ sở CQTT ở nước ngoài. Nhưng đến nay, Văn phòng chưa nhận được báo cáo, đề xuất về tình hình nhà cửa của các đơn vị này. 

Khi thực hiện Quyết định 602 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Kế hoạch Tài chính và Văn phòng hằng năm có đi khảo sát, kiểm tra tình trạng các trụ sở CQTT nước ngoài, trên cơ sở đó tư vấn, hỗ trợ và xây dựng kế hoạch nâng cấp, bảo dưỡng. Tuy nhiên, những năm gần đây do kinh phí eo hẹp nên việc đi khảo sát không được thường xuyên. Để làm tốt công tác này, đề nghị Ban lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện để Văn phòng và các đơn vị liên quan khởi động lại các hoạt động này. Bởi lẽ, các cơ sở nhà đất của CQTT ở nước ngoài đã đồng loạt “già hóa”, cần có kế hoạch sửa chữa luân phiên hằng năm. 

Quản lý giấy tờ nhà đất
Theo quy định, Văn phòng quản lý lưu giữ hồ sơ gốc về nhà đất, các CQTT chỉ giữ bản công chứng hoặc photocopy để sử dụng khi cần. Hằng năm, chúng tôi đều đề nghị các CQTT trong và ngoài nước quan tâm đến quy định bảo quản và lưu giữ hồ sơ nhà đất, nhưng nhiều CQTT không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định này. 

Hiện nay, mới có 31/63 CQTT trong nước nộp hồ sơ nhà đất về Văn phòng, trong đó có 22 “sổ đỏ” và 9 quyết định giao đất (nhưng chỉ có 9 bản gốc, 17 bản công chứng và 5 bản photocopy). Vì thế, chúng tôi chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu “sổ đỏ”, bao nhiêu quyết định giao đất, bao nhiêu CQTT đang triển khai thực hiện. Trong khi đó, đã có 16/17 CQTT ngoài nước mua nhà và nộp hồ sơ nhà đất (9 bản chính, 3 bản sao công chứng, 4 bản photocopy) về cơ quan.

Các CQTT trong và ngoài nước cần định kỳ 6 tháng báo cáo về tình hình cơ sở nhà đất cho Văn phòng. Các CQTT đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần gửi bản gốc về Văn phòng để lưu trữ theo quy định. Các CQTT chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện các công việc cần thiết để được cấp “sổ đỏ”. Nếu gặp khó khăn trong thủ tục, giấy tờ, đề nghị liên hệ với Văn phòng để được tư vấn, giúp đỡ.

Công tác quản lý trụ sở không chỉ là trách nhiệm của riêng Văn phòng mà là trách nhiệm của toàn ngành, mỗi CBVC, mỗi “công dân-chủ nhân của tòa nhà” để đảm bảo các trụ sở cơ quan của TTXVN luôn khang trang, sạch đẹp. Khi đó chúng ta có thể tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần tạo dựng và phát triển bền vững các cơ sở nhà đất của ngành.
 

Theo Nội san thông tấn số 3/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vinh danh lòng quả cảm và sự dấn thân (02/03/2017 10:26:32)

Làm fanpage "chính luận" (02/03/2017 08:57:40)

Để thông tin đối ngoại của TTXVN luôn đi đầu trong truyền thông (01/03/2017 17:29:19)

Hiệu quả từ công tác chỉ đạo, tổ chức thông tin (23/01/2017 11:24:55)

Đưa Nghị quyết vào thực tiễn  (23/01/2017 10:35:42)

Chùm bài “Hệ lụy do lũ không về tại ĐBSCL”: Sự phối hợp đầy trách nhiệm  (05/12/2016 11:01:28)

Nhìn lại vai trò của truyền thông trong cuộc xâm lược Iraq (05/12/2016 10:57:07)

Tăng sức hút của Truyền hình thông tấn (01/12/2016 16:00:25)

Báo in chật vật để tồn tại (08/11/2016 15:07:45)

Chuyên nghiệp hóa "đội" làm fanpage  (08/11/2016 14:50:06)