Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Lan tỏa thông tin thông tấn trên mạng xã hội

Phát huy tiềm năng thanh niên


(12/04/2017 10:45:15)

Đưa thông tin thông tấn lên mạng xã hội được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng với phóng viên, biên tập viên trẻ trong ngành. Với gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, đây sẽ là nguồn lực hứa hẹn tạo nên bước chuyển mới trong việc lan tỏa thông tin của ngành trên mạng xã hội thời gian tới.

Quang cảnh cuộc tọa đàm “Chuyển tải thông tin của TTXVN lên mạng xã hội” do Liên chi hội Nhà báo phối hợp với Đoàn thanh niên cơ quan tổ chức, tháng 8/2016

Từ báo bạn
Trong bối cảnh đọc báo qua mạng xã hội đang ngày càng phổ biến thì việc đưa thông tin lên mạng xã hội là một xu thế tất yếu của truyền thông hiện đại. 

Tại Việt Nam, Facebook là mạng xã hội có lượng thành viên “khủng” nhất. Do đó, cách phổ biến mà các cơ quan báo chí trong nước đang áp dụng để đưa thông tin lên mạng xã hội là lập Fanpage để giới thiệu các sản phẩm thông tin của mình. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đã có Fanpage. Đơn cử, Fanpage của báo Tuổi trẻ có 1,8 triệu thành viên, mỗi thông tin “up” lên thường có hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt share; thông tin của hàng loạt báo khác như Vnexpress.net, Thanh niên, Tiền phong, Công an nhân dân và mới đây nhất là “Thời sự VTV” với hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt view.

Một kênh khác để phóng viên các tòa soạn đưa thông tin của báo mình đến với cộng đồng mạng là lập Fanpage theo từng chủ đề, mời bạn bè, đồng nghiệp làm thành viên, sau đó, đều đặn “up” thông tin của báo nhằm thu hút sự theo dõi của độc giả (kiểu như “Tin hot trên báo”). Hoặc, cá nhân phóng viên tham gia vào các Fanpage có đông thành viên như: Oto Fun, Webtretho, phuot.com… và đưa thông tin của báo mình đến với độc giả là thành viên của các trang này. Sau một thời gian ngắn hoạt động, Fanpage nhanh chóng trở thành kênh theo dõi thường xuyên của các thành viên, chẳng những duy trì mà còn tăng lượng độc giả tiếp cận với báo điện tử thông qua các lượt “share” của chính các thành viên.

Tại một số tòa soạn, ban lãnh đạo yêu cầu từng phóng viên phải làm song song hai việc: viết bài và thu hút độc giả cho chính bài báo của mình. Cách làm của báo Phụ nữ Việt Nam là một ví dụ. Tuy thành lập trang điện tử khá muộn nhưng tòa soạn đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng làm báo thời facebook. Lượng người đọc truy cập và bấm “like” bài viết trở thành tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả thông tin. Sau khi tác phẩm được xuất bản thì phóng viên đưa link bài viết lên trang facebook cá nhân, rồi “tag” bạn bè và nhân vật được phỏng vấn trong bài nhằm tăng lượng truy cập.

Đến báo nhà
Sớm nhận thấy sự cấp thiết của việc đưa thông tin lên mạng xã hội, một số đơn vị trong ngành đã cấp tốc triển khai phương thức này. Các trang Fanpage “Báo Tin tức”, “Bạn bè Tin tức”; VietnamPlus, “Ảnh Thông tấn xã Việt Nam”, Thể thao&Văn hóa, Truyền hình Thông tấn… đều đang thu hút khá đông thành viên. Có thể nói, các đơn vị trong ngành đã và đang huy động “tổng lực” để thực hiện chiến dịch đưa thông tin lên các trang mạng xã hội.

Chi đoàn thanh niên báo Tin tức, VietnamPlus, Thể thao&Văn hóa, Ban biên tập Ảnh,… được giao là lực lượng chủ đạo thực hiện việc xây dựng và phát triển thông tin trên mạng xã hội. Triển khai theo hướng này rất thuận lợi vì chủ trương đã có sự thống nhất từ chính quyền đến đoàn thể. Ban lãnh đạo đơn vị yêu cầu tất cả các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn phải “share” một lượng tin, bài nhất định hằng ngày. Khi đoàn thanh niên phát động phong trào và chọn người làm tổ trưởng của “tổ facebook”, các đoàn viên hưởng ứng đồng loạt và chia sẻ thông tin có trách nhiệm. 

Riêng khối các CQTT phía Bắc, Chi đoàn đã phát động toàn thể đoàn viên phong trào “chia sẻ thông tin của ngành lên mạng xã hội” qua facebook cá nhân. Thực tế cho thấy, không đợi đến khi Chi đoàn phát động, trước đó một số phóng viên đã sử dụng trang facebook cá nhân để quảng bá khá hiệu quả các sản phẩm thông tin của cá nhân, của CQTT, thu hút lượng lớn đồng nghiệp tại địa phương, bạn bè quan tâm, truy cập. Việc làm này sẽ được triển khai rộng và đồng đều, trở thành hoạt động thường xuyên được anh em phóng viên thường trú duy trì và xem như một phần không thể thiếu trong quá trình tác nghiệp.

Hiện toàn ngành có gần 1.000 đoàn viên, thanh niên. Nếu phong trào “share” các thông tin thông tấn được phát động đều khắp các đơn vị, được thanh niên trong ngành hưởng ứng sôi nổi thì đây sẽ là đội quân chủ lực giúp thông tin của các đơn vị trong ngành lan tỏa mạnh mẽ.

Và trách nhiệm cá nhân
Tuy nhiên, để việc đưa thông tin thông tấn lên mạng xã hội có hiệu quả về lâu dài, mỗi đoàn viên thanh niên trong cơ quan phải là một “đại sứ”. Chúng ta ý thức được, mỗi hành động chia sẻ thông tin trên mạng xã hội là một lần đưa các bài báo của bản thân, của đồng nghiệp đến với công chúng, từ đó, quảng bá thương hiệu cho ngành. 

Muốn thành công, không chỉ cần sự nhiệt tình, mà từng phóng viên, biên tập viên trẻ của thông tấn cần nắm được các kỹ năng cần thiết khi làm việc với mạng xã hội cũng như ý thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị của bản thân đối với sự phát triển của ngành. 

Khi chia sẻ các thông tin, cần có định hướng, bên cạnh việc chọn những chủ đề “nóng” mà dư luận đang quan tâm thì có thể chọn và tạo sự lan tỏa thông tin về người tốt việc tốt… Và khi tác phẩm đã được công chúng đón nhận, mỗi đoàn viên lại là “đại sứ” đại diện cho tác giả, cho tờ báo tương tác với công chúng. Bản thân mỗi bí thư chi đoàn phải là người tiên phong, trách nhiệm, tự giác, kêu gọi anh em trong chi đoàn cùng chung tay thực hiện công việc này.

Từng đơn vị cần có cơ chế để khích lệ sự vào cuộc đồng đều của cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Ngoài việc đưa ra quy định mang tính bắt buộc, hoàn toàn có thể động viên và khen thưởng tương xứng với những cá nhân tích cực và có cách làm sáng tạo, hiệu quả.

 

Theo Nội san thông tấn số 3/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Làm fanpage "chính luận" (02/03/2017 08:57:40)

Tăng sức hút của Truyền hình thông tấn (01/12/2016 16:00:25)

Chuyên nghiệp hóa "đội" làm fanpage  (08/11/2016 14:50:06)