Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để có những tác phẩm báo chí chất lượng


(30/05/2017 15:13:32)

Là một trong năm cơ quan thường trú trọng điểm của TTXVN, cùng với công tác thông tin, trong 5 năm qua, CQTT Hà Nội đã đoạt gần 20 giải báo chí, trong đó có hai giải C Giải báo chí Quốc gia; bốn giải C Giải báo chí TTXVN; một giải Nhất, một giải Nhì cuộc thi viết về “Hợp tác xã kiểu mới” do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức. Chi hội Nhà báo CQTT Hà Nội được trao giải Đơn vị có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự Giải báo chí TTXVN năm 2016.

Phó Tổng giám đốc Đinh Đăng Quang trao giải C Giải báo chí TTXVN năm 2016 cho Trưởng CQTT An Giang Vương Thoại Trung (thứ 2, từ trái sang) ; phóng viên Phương Anh, Mạnh Khánh (CQTT Hà Nội)


Đề tài bình dị, ngôn từ sâu sắc
Có người cho rằng, để có thành tích cao trong các giải báo chí, tác phẩm phải phản ánh những vấn đề to tát, phải điều tra “đánh đấm” những vụ việc đình đám. Nếu nghĩ vậy, sự nhụt chí sẽ xuất hiện ngay từ khi bắt đầu cầm bút, cầm máy.
 
Đối với chúng tôi, thành quả bước đầu đạt được chính là luôn bám sát nguyên tắc: Kiên trì lắng nghe, không vội vàng đặt niềm tin hay ác cảm về nhân vật thông qua dư luận hoặc những lời đàm tiếu. Bởi có nhân vật, sự việc, khi phóng viên tìm hiểu sâu mới thấy bản chất có lúc trái ngược.
 
Phần lớn, những tác phẩm chúng tôi đoạt giải đề cập tới những vấn đề bình dị, thậm chí chỉ một nhân vật, nhưng nhờ sự chuẩn bị công phu, tìm ra những chi tiết, dấu ấn thực sự xúc động, chuyển thành những câu chuyện lay động lòng người. Bên cạnh đó, ngôn từ thể hiện cần ấn tượng, sâu sắc mới cuốn hút người đọc và thuyết phục được những giám khảo khó tính nhất.
 
Nhớ lại năm 2004, khi phản ánh sự việc diễn ra ở một thôn nhỏ ven biển thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, tôi đã mất cả tháng trời ăn ở, nói chuyện cùng người dân địa phương để thu thập đầy đủ chứng cứ cho bài viết. Mặc dù viết về câu chuyện chỉ ở một thôn, nhưng chùm phóng sự 5 kỳ của tôi đã đoạt giải A Giải báo chí TTXVN và giải C Giải báo chí toàn quốc thể loại phản ánh, phóng sự, điều tra (không có giải A). Vụ việc đã khiến một số cán bộ mất chức và thu về nhiều tỷ đồng cho nhân dân.
 

Phóng viên Nguyễn Thắng phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại nhà riêng của ông ở Hà Nội

Viết có chủ đích
Tại các buổi giao ban cơ quan, chúng tôi nắm được tình hình thời sự, những sự kiện lớn, cũng như chỉ đạo và định hướng thông tin từ Ban lãnh đạo cơ quan, các ban biên tập và tòa soạn, từ đó xác định được liều lượng và mức độ các vấn đề cần phản ánh.
 
Khi triển khai các đề tài lớn, chúng tôi đều xây dựng kịch bản rất tỉ mỉ, chi tiết, từ việc đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, chọn nhân vật, đến việc đặt ra các tình huống để có phương án thay thế. Quá trình triển khai cũng được bàn thảo kỹ, tuy nhiên cũng có lúc lên kịch bản một đường, thực tế lại diễn ra một nẻo. Hoặc khi gặp nhân vật, khi tìm hiểu sâu vấn đề, lại phát hiện ra chi tiết hay hơn dự định.
 
Việc gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật thường khơi gợi cảm xúc và hướng đi mới mẻ cho đề tài. Khi thực hiện loạt bài “Âm vang bản hùng ca ‘Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - giải C Giải báo chí quốc gia, tác giả Dương Anh Tùng đã trò chuyện với Đại tá Đỗ Văn Chung (nguyên trực ban trưởng sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân), tại nhà riêng của ông ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Sau câu chuyện, khi được ông đưa ra hiên nhà ngắm cây hoàng lan xanh ngắt những chồi lộc mới, tỏa hương thơm ngát, phóng viên mới biết thêm chi tiết, cây hoàng lan mọc trên chính hố bom B52 hồi 40 năm trước, đêm 18/12/1972. Vào thời điểm đó, nhà ông Chung trúng bom, tạo thành một hố rộng 8m, sâu 6m ngay gần hầm trú ẩn của gia đình, rất may không ai làm sao. Nhưng đau xót là nhà hàng xóm có 10 người thì 9 người tử vong. Đây chính là chi tiết “đắt” để phóng viên khai thác viết bài.
 
Khi bắt tay vào thực hiện mỗi đề tài, chúng tôi thường dành thời gian thu thập tư liệu, thông tin, sau đó lập đề cương và dựng cấu trúc cho bài viết. Hai cuộc thi viết về “Hợp tác xã kiểu mới” do Liên minh HTX Việt Nam phát động trên toàn quốc, chúng tôi đoạt một giải Nhất với tác phẩm “Hợp tác xã kiểu mới - Từ tư duy đến hành động” (tác giả: Phương Anh, Mạnh Khánh) và một giải Nhì cho tác phẩm “Tìm động lực cho hợp tác xã kiểu mới” (tác giả: Văn Cảnh, Anh Tùng). Để có hai loạt bài này, chúng tôi đã mất nhiều ngày, đến hàng chục hợp tác xã trên các địa bàn Hà Nội, trò chuyện với nhiều lãnh đạo, xã viên và nhân dân địa phương.
 
Trưởng CQTT Hà Nội Nguyễn Văn Cảnh (áo kẻ) tìm hiểu việc thu hồi đất, tại quận Long Biên, Hà Nội

Kết nối với tòa soạn
Bên cạnh đó, việc kết nối với các tòa soạn trong ngành cũng rất quan trọng. Sau khi phát trên bản tin nguồn của cơ quan, chúng tôi phối hợp với các tòa soạn cung cấp thêm ảnh và tư liệu để minh họa cho bài viết thêm sinh động. Nhờ đó mà tác phẩm được đăng tải rộng rãi, đến được với người dân, các cơ quan chức năng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp chính quyền có biện pháp kịp thời để giải quyết những vướng mắc.

Theo Nội san thông tấn số 5/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cần nuôi dưỡng và nhân rộng những tài năng  (11/08/2009 08:31:49)

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc (01/06/2009 09:27:11)

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay (01/06/2009 09:27:03)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

Bao máu mắt để làm ra tác phẩm! (19/01/2009 09:52:15)

Tác phẩm hay là tác phẩm Dễ Nhớ và Khó Quên (19/01/2009 09:47:20)

Tin đối ngoại chưa trúng cũng chưa hay (30/12/2008 15:19:30)

Đất rộng mà hóa hẹp (03/12/2008 12:38:19)

Cần có chiếu riêng cho Thông tấn! (03/12/2008 12:35:55)