Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

Viết bài bình luận - kinh nghiệm từ chuyên gia nước ngoài


(30/05/2017 15:49:38)

​​​​​​​Nhiều phóng viên khi viết bình luận thường có xu hướng nhầm lẫn thực tế, sự việc với ý kiến chủ quan của cá nhân hoặc số đông. Đây là một lỗi thường gặp và cần đặc biệt chú ý, nhất là đối với các cây bút trẻ.

Quang cảnh lớp học “Phân tích chính sách và viết bình luận”


Nhiều phóng viên khi viết bình luận thường có xu hướng nhầm lẫn thực tế, sự việc với ý kiến chủ quan của cá nhân hoặc số đông. Đây là một lỗi thường gặp và cần đặc biệt chú ý, nhất là đối với các cây bút trẻ.
 
Nhận xét trên được nhà báo Terry Hartney, cựu giảng viên khoa Truyền thông, Đại học RMIT Việt Nam, đưa ra tại khóa tập huấn “Phân tích chính sách và viết bình luận” do báo Việt Nam News, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn và Tổ chức Hỗ trợ phát triển KAS (CHLB Đức) tại Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 25 - 27/4, tại Hà Nội. Khóa học dành cho PV, BTV các đơn vị thông tin đối ngoại trong ngành.
 
Theo ông Terry, xu thế toàn cầu hóa hiện nay đặt ra những đòi hỏi, thách thức vô cùng lớn đối với truyền thông, đặc biệt trong việc thu hút thêm độc giả. Sự nhiễu loạn thông tin xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như những thay đổi lớn của truyền thông kỹ thuật số, hay quan điểm cho rằng phương thức truyền tải có vai trò quan trọng hơn so với thông điệp được đưa ra. Lượng thông tin lớn và quá tải khiến cho nhiều người cảm thấy không thể theo kịp, cũng như những chiêu trò “câu view” đã tạo cơ hội cho những thông tin sai lệch phát tán. Đây là những vấn đề chung của báo chí toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam.
 
Chính vì thế, khi viết bài bình luận, phóng viên không nên chỉ dựa trên những luồng quan điểm chủ quan. Các sự việc, sự kiện luôn phải đảm bảo tính chính xác, bởi ý kiến cá nhân có thể sai lệch hoặc phiến diện. Để viết tốt một bài bình luận, các phóng viên cần hoạt động theo nhóm để thống nhất quan điểm chung trước khi triển khai bài viết, sau đó thảo luận lại với nhóm để có thêm những gợi mở cũng như kiểm tra lại thông tin.
 
Các phóng viên cũng cần theo dõi mạch của sự kiện, vấn đề thời sự; xem xét và đặt các vấn đề trong bức tranh toàn cảnh để giúp độc giả có cái nhìn bao quát hơn. Báo chí có sức nặng vô cùng to lớn bởi có thể phát triển các tầng nghĩa mới của một vấn đề. Lấy ví dụ về nhóm tác giả của tờ The News & Observer (Mỹ) vào năm 1996, ông Terry cho biết, nhóm đã đoạt giải Pulitzer với loạt bài phóng sự về các mối nguy hại của hệ thống xả thải trong ngành công nghiệp thịt lợn ở Bắc Carolina tới môi trường và sức khỏe con người, thay vì chỉ dừng lại ở một vài bài viết phân tích sau khi câu chuyện đã khép lại.
 
Thông qua bài giảng, cùng với những bài thực hành trực tiếp trên lớp, học viên đã đúc rút được bốn bước cơ bản để thực hiện một bài bình luận, bao gồm: Nêu vấn đề và quan điểm của người viết ngay ở phần giới thiệu; thảo luận và đưa ra các quan điểm trái chiều nhau; dùng các luận chứng, luận cứ để chứng minh quan điểm của mình và đưa ra kết luận.
 
Trước đó, trong ngày học đầu tiên, liên quan đến việc phân tích chính sách từ góc độ xây dựng luật ở Quốc hội, các học viên đã được nghe Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, giới thiệu về quy trình xây dựng luật ở Việt Nam cùng thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện của Quốc hội và những nguyên nhân, hạn chế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát. Ông cũng dành nhiều thời gian trao đổi về những bất cập trong Bộ Luật Lao động và những điểm mới sửa đổi, bổ sung bộ luật này để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam...
 

Theo Nội san thông tấn số 5/2017