Thứ ba, ngày 23/04/2024

Tin tức trong ngành

Ghi từ Rome


(31/03/2020 11:01:10)

Tháng Ba, tiết xuân ở thủ đô Rome thật dễ chịu. Nắng vàng rực rỡ, ấm áp. Trời dường như muốn chiều lòng người, nhưng vẫn không thể xua đi bầu không khí nặng trĩu khi đêm 9/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ra sắc lệnh hạn chế đi lại trên cả nước, biến Italy thành “chiếc ủng đỏ không họa tiết”.

Phóng viên CQTT TTXVN tại Rome (Italy) Ngự Bình tác nghiệp tại Đấu trường La Mã, Rome

1. “Thành phố vĩnh hằng” đã bị phong tỏa. Không quá bất ngờ nhưng có lẽ sớm hơn dự đoán. Ngay sau bài phát biểu đêm 9/3 trên truyền hình của Thủ tướng Conte, vốn được chị em phu nhân trong Cơ quan thường trú (CQTT) ngưỡng mộ bởi vẻ lịch thiệp, đầy chất Ý, ngoài đường tiếng xe đi lại ồn ào, vội vã. Hóa ra người dân đổ xô đến các siêu thị 24h để mua nhu yếu phẩm. CQTT tại Italy đã chuẩn bị lương thực dự phòng từ trước nên có phần chủ động và không mấy hoang mang.

Sáng hôm sau, “chị em Thông tấn” (theo cách gọi của anh chị em Đại sứ quán) dậy sớm, rủ nhau ra siêu thị gần nhà. Vợ tôi đắn đo mãi mới quyết định đeo chiếc khẩu trang mà con gái hì hụi cắt may tặng mẹ nhân dịp 8/3. Ở Rome, đến thời điểm này có rất ít người đeo khẩu trang. Họ thậm chí còn có ánh nhìn không mấy thiện cảm đối với người đeo khẩu trang, nhất là người gốc Á. Cũng xin nói thêm là nhà chức trách không khuyến cáo tích trữ khẩu trang y tế, mà phải để dành cho các y, bác sỹ và người bệnh.

Tôi từng hỏi một anh bạn Italy về việc đeo khẩu trang. Anh ấy nói đại ý là “cậu thích làm gì thì làm thôi”, nhưng quan trọng là đứng cách xa nhau và luôn có khăn giấy trong túi để sử dụng khi ho hoặc hắt hơi. Người Italy không có thói quen đeo khẩu trang vì trông giống người bệnh. Tôi cũng hiểu phần nào anh ấy muốn nói gì.

Trước cửa siêu thị, chị em hòa vào dòng người đứng xếp hàng. Mỗi người cách nhau 1m, mỗi đợt khoảng 20 người được vào siêu thị. Lác đác một vài người đeo khẩu trang. Cũng có người tỏ vẻ khó chịu với các chị em phu nhân mà họ tưởng là “cinesi” (Trung Quốc). Nhân viên siêu thị nhắc nhở nội quy giữ khoảng cách an toàn, đeo găng tay khi lấy hàng, không mua quá nhiều. Việc quay phim, chụp ảnh cũng bị cấm. Có lẽ đây là một phần của nỗ lực nhằm hạn chế truyền bá những hình ảnh không phản ánh đúng thực chất cuộc sống ở Italy thời COVID-19.

Trước đó vào cuối tháng Hai, Thủ tướng Conte đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo Đài truyền hình nhà nước RAI đề nghị thông tin đúng mực về dịch bệnh nhằm tránh gây hoang mang thái quá. Tương tự, đầu tháng Ba, kênh truyền hình Canal+ của Pháp đã phải gửi “lời xin lỗi chân thành nhất” đến Rome sau phản ứng dữ dội của Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio. Nguyên do là kênh này đã đùa không đúng lúc khi cho phát sóng một video hài chế giễu món bánh pizza nổi tiếng của Italy bị nhiễm virus Corona. Theo ông Di Maio, trong bối cảnh hiện nay, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi truyền thông phải có trách nhiệm truyền tải thông tin đúng và rõ về tình hình thực sự của dịch bệnh tại Italy.

Tuy nhiên, đúng như câu ngạn ngữ Italy “đêm dài sẽ cho ta lời khuyên”, người dân Rome sau một đêm thao thức đã bình tâm lại và trở nên sáng suốt. Mọi người mua bán vừa phải, có chừng mực. Hàng hóa đầy ắp kệ. Chị em Thông tấn có lẽ là những người mua nhiều hơn cả dù đã ý thức chỉ nên mua đủ dùng. Nhưng dẫu sao mình cũng là người nước ngoài, sẽ khó khăn hơn người bản xứ, lại đông con nhỏ nên phải “tranh thủ”, phát huy tinh thần chủ động, bảo đảm đủ nhu yếu phẩm trong bối cảnh anh em bận rộn công việc, tác nghiệp liên tục. Chị em vẫn còn băn khoăn do chưa rút được chút tiền mặt cũng như chưa kịp mua một ít thuốc hạ sốt và kháng sinh dự phòng.
 
2. Những ngày sau đó, Italy tiếp tục tăng cường một số biện pháp mạnh tay hơn nữa. Các cửa hàng, quán bar, cafe, nhà hàng đều bị đóng cửa, ngoại trừ những dịch vụ công cộng thiết yếu như giao thông vận tải, ngân hàng, bưu điện, tài chính, bảo hiểm, trạm xăng. Sản xuất công nghiệp vẫn được tiếp tục với điều kiện phải áp dụng các giao thức đảm bảo an toàn nhằm tránh lây nhiễm.

Trên đường, cảnh sát thường xuyên chặn xe để kiểm tra lý do di chuyển có thực sự cần thiết hay không. Công viên phía sau CQTT vẫn có nhiều người chạy bộ, tập thể dục. Đây là hoạt động thể thao duy nhất được phép. Anh em phóng viên trước đây thỉnh thoảng ra quán cafe ngã tư làm cốc cappuccino và đọc báo giấy miễn phí, nhưng giờ phải thay đổi thói quen này. Các chị em cũng được quán triệt khẩu hiệu “Tôi vẫn đang ở nhà”, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Tiếng chuông Viber, Zalo liên tục reo. Ông bà, bố mẹ, bạn bè ở Việt Nam và các nơi trên thế giới lo lắng hỏi thăm. Đối với họ, chúng tôi đang ở Vũ Hán thứ hai, chắc cuộc sống đang vô cùng khó khăn, hoang mang và thiếu thốn mọi bề. Đúng là nỗi lo luôn thường trực khi không may có ai đó nhiễm bệnh. Nguy cơ lây nhiễm ở CQTT rất cao vì các gia đình sống chung với nhau. Và không phải gia đình nào cũng mua được bảo hiểm y tế nước sở tại. Tuy nhiên, xung quanh chúng tôi, người dân Rome vẫn khá bình tĩnh, lạc quan. Chính quyền vẫn kiểm soát tình hình. Siêu thị không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các phương tiện công cộng vẫn hoạt động. Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng đã lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh. Câu đầu tiên của chúng tôi khi trả lời điện thoại cho gia đình ở Việt Nam là: “Chúng con đang ổn và sẽ ổn”.

Trường học các cấp tạm đóng cửa từ ngày 5/3 đến 3/4. Các gia đình trong CQTT có 5 cháu nhỏ. Bọn trẻ dường như không hiểu lắm nỗi lo của người lớn. Đối với chúng, được nghỉ học là sướng rồi. Ngay cạnh CQTT là trường liên cấp mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2. Hằng ngày, khoảng 8 giờ sáng và 4 giờ chiều là rộn ràng tiếng cười nói của bọn trẻ, tiếng các ông bố, bà mẹ “buôn dưa lê”, tiếng còi xe bực bội mỗi khi có xe ai đó đỗ chắn đường để tranh thủ đưa con vào lớp. Những âm thanh quen thuộc giờ không còn nữa. Thầy giáo dạy đàn, dạy tiếng Anh tại nhà của các cháu cũng gọi điện xin nghỉ bởi họ “lo ngại virus Corona” khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Bọn trẻ tuy hoàn toàn ở nhà nhưng vẫn cặm cụi làm bài “online” vì nhà trường không muốn chương trình bị gián đoạn. Qua nhóm WhatsApp của phụ huynh, các giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông điệp rằng đây không phải là một kỳ nghỉ mà là một tình trạng khẩn cấp. Do đó, học sinh phải tiếp tục học ở nhà qua mạng.

Qua trao đổi với một số bạn Ý cũng như với bạn bè người Việt ở Pháp, Đức và Anh, tôi có cảm nhận dịch bệnh lan rộng một phần là do người châu Âu hơi chủ quan. Đa số cho rằng phải “sống chung với lũ”, rằng có thể “chung sống hòa bình” với COVID-19 như với cúm mùa. Dường như châu Âu “đang trả giá” vì điều này. Nếu ví Milan, Rome, Venice như “những thành phố ma” cũng không sai vì giờ đây đường phố vắng vẻ lạ thường.
 
Các phóng viên Mỹ Hà, Xuân Sang, Chi nhánh Trung tâm Truyền hình Thông tấn tại Đà Nẵng, ghi hình khu vực cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, ngày 28/2

Mới đây, CQTT tổ chức bữa cơm ấm cúng kỷ niệm 10 năm ngày cưới của vợ chồng một phóng viên. Chúng tôi đã và đang như một đại gia đình, trong đó mỗi thành viên đều có ý thức sống trách nhiệm vì mình và vì mọi người. Chính vì vậy, giờ là lúc sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết để cùng khắc phục khó khăn, biến thử thách thành cơ hội. Thôi thì trong lệnh phong tỏa, như suy nghĩ của nhiều người dân Rome, giờ là lúc “sống chậm” lại một chút vì sau cơn mưa trời lại sáng. Kể cả trong cơn mưa, cuộc sống vẫn tiếp diễn với bao điều tốt đẹp.
 

Ngự Bình - Trưởng CQTT tại Rome (Italy)
Nội san Thông tấn số 3/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Làm việc từ xa và những câu hỏi mở (31/03/2020 10:59:39)

Những thông điệp tích cực từ Nhật ký COVID-19 (31/03/2020 10:58:15)

Các ông chủ quan quá đấy! (31/03/2020 10:53:51)

Tiến tới Đại hội Liên chi hội nhà báo TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Phát huy sức sáng tạo của phóng viên, biên tập viên trẻ (31/03/2020 10:47:16)

Tokyo "mùa" COVID-19 (31/03/2020 10:46:45)

Ứng dụng AI để thông tin nhanh (31/03/2020 10:45:31)

Chuyến tác nghiệp nhớ đời (31/03/2020 10:44:11)

Đại hội Chi hội nhà báo Cơ quan khu vực miền Trung-Tây Nguyên (31/03/2020 10:35:55)

Gắn hoạt động Đoàn với chuyên môn, nghiệp vụ (31/03/2020 10:33:49)

Phát động phong trào thi đua năm 2020 (31/03/2020 09:26:45)