Thứ tư, ngày 03/07/2024

Tin trong ngành

Gia tăng “sức nặng” của thông tin liên vùng


(10/08/2022 09:52:38)

Triển khai Nghị quyết của Chi bộ Cụm Cơ quan thường trú (CQTT) tại Tây Nguyên, trong năm 2021, cả 5 CQTT trong khu vực đã tham gia thực hiện tuyến thông tin liên vùng có chiều sâu, được Ban lãnh đạo ngành đánh giá cao và dư luận xã hội quan tâm. Đó là chùm bài “Phát triển điện mặt trời tại Tây Nguyên” - giải B, Giải báo chí TTXVN năm 2021 và giải A, Giải báo chí tỉnh Đắk Lắk lần thứ II. Để có được sản phẩm thông tin chất lượng cao, đội ngũ phóng viên các CQTT khu vực Tây Nguyên đã nỗ lực, đoàn kết và phát huy được thế mạnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Đại điện nhóm tác giả các CQTT khu vực Tây Nguyên nhận giải B, Giải báo chí TTXVN năm 2021, tháng 4/2022

Trúng vấn đề, đúng thời điểm

Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Với cơ chế này, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã triển khai nhiều công trình, dự án phát triển điện năng lượng mặt trời, trong đó, Tây Nguyên là khu vực có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư, phát triển loại năng lượng “sạch” này. Chỉ trong một thời gian ngắn, các dự án, hệ thống điện năng lượng mặt trời đã ồ ạt “đổ bộ” vào khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý, quy hoạch, thậm chí xuất hiện tình trạng “thừa điện”, gây lãng phí và tạo sức ép lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Bước sang năm 2021, những bất cập dần bộc lộ khiến dư luận xã hội quan tâm, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến phát triển điện năng lượng mặt trời. Ngay thời điểm đó, các CQTT khu vực Tây Nguyên đều nhận định, những tiêu cực, hạn chế trong phát triển điện năng lượng mặt trời là hiện tượng phổ biến chứ không xảy ra đơn lẻ ở một số dự án. Đặc biệt, vấn đề trở nên thời sự khi các bộ, ngành, chuyên gia và nhân dân bắt đầu “mổ xẻ” quá trình phát triển và những bất cập của nó. Xác định vấn đề đang “nóng” lên từng ngày, Chi bộ cụm CQTT Tây Nguyên đã bàn bạc, quyết tâm triển khai thực hiện tuyến thông tin liên vùng chất lượng và hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Để đảm bảo tính thống nhất, khoa học trong triển khai thực hiện đề tài, CQTT trọng điểm tại Đắk Lắk đã xây dựng đề cương sơ bộ báo cáo Ban giám đốc Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên và gửi đến các CQTT khu vực Tây Nguyên để tham gia góp ý, hoàn thiện đề cương. Trên cơ sở đó, các CQTT đã phân công phóng viên bám sát đề cương, liên hệ cơ sở để khai thác những thông tin có chiều sâu và đúng với định hướng đề tài. Với sự tham gia của 6 thành viên bao gồm cả các trưởng CQTT và phóng viên, việc khai thác thông tin nhanh chóng được hoàn thành và chuyển về CQTT Đắk Lắk để tổng hợp, hình thành tuyến bài phản ánh và đăng, phát trên các sản phẩm thông tin của TTXVN vào giữa tháng 7/2021.
 
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho trường tiểu học vùng sâu. Ảnh: CQTT tại Đắk Nông

Có thể nói, toàn bộ quá trình thực hiện tuyến thông tin được các CQTT và phóng viên vận hành như một “cỗ máy” khoa học và chuyên nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm thông tin khi đăng phát đảm bảo tính thời sự, nêu bật vấn đề và phản ánh chân thực bản chất của sự việc, tạo nên tiếng vang trong bối cảnh điện mặt trời đang trở thành mối quan tâm lớn của Trung ương lẫn các địa phương.

Phối hợp hiệu quả

Đặc thù hầu hết các tỉnh Tây Nguyên là địa bàn rộng, đòi hỏi phóng viên phải nỗ lực để khai thác được nhiều thông tin chuyên sâu từ cơ sở phục vụ bài viết. Phát huy lợi thế của mỗi CQTT, nhất là trong việc nắm rõ địa bàn, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm phóng viên đã hoàn thành những “mảnh ghép” của mỗi tỉnh để tạo thành bức tranh tổng thể, toàn diện về phát triển điện năng lượng mặt trời ở Tây Nguyên. Đây cũng chính là lợi thế chỉ có ở TTXVN, nếu phát huy tốt sẽ tạo hiệu quả tuyệt đối trong công tác thông tin, nhất là khi triển khai các tuyến thông tin liên vùng.

Trong quá trình thực hiện đề tài, không chỉ dừng ở việc phản ánh đơn thuần những bất cập đang tồn tại trong phát triển điện năng lượng mặt trời ở Tây Nguyên, nhóm tác giả đã phối hợp với Ban biên tập tin Kinh tế phỏng vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành liên quan, làm tăng sức nặng thông tin, kịp thời đưa ra những dự báo về “khủng hoảng thừa” nguồn điện từ năng lượng mặt trời và đề xuất biện pháp nhằm “vá lỗ hổng” cho những tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển.

Có thể thấy, chính sự phối hợp “ăn ý” của các CQTT với các đơn vị tin nguồn đã làm tăng hàm lượng thông tin của đề tài, cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan, tổng thể nhằm hướng đến sự phát triển bền vững năng lượng mặt trời trong tương lai ở khu vực Tây Nguyên. Sự kết nối này hứa hẹn sẽ tạo ra những sản phẩm thông tin chất lượng cao, có chiều sâu và sức ảnh hưởng, là thế mạnh cần phát huy nhiều hơn nữa trong quá trình triển khai thông tin liên vùng.
 
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Cụm CQTT TTXVN tại Tây Nguyên

Những năm gần đây, việc triển khai các tuyến thông tin liên vùng đã không còn xa lạ với đội ngũ phóng viên khu vực Tây Nguyên. Nhiều sản phẩm thông tin được Ban lãnh đạo ngành đánh giá cao và giành các giải báo chí của ngành cũng như địa phương. Từ thực tiễn triển khai cho thấy, có ba yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của các tuyến thông tin liên vùng: thứ nhất là sự thống nhất trong công tác chỉ đạo của Ban lãnh đạo ngành, các ban tin nguồn, cơ quan khu vực, chi bộ đến các CQTT trong khu vực; thứ hai là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các CQTT, các ban biên tập tin nguồn trong quá trình triển khai; thứ ba là vai trò của CQTT trọng điểm, thể hiện rõ nét từ khâu đề xuất, xây dựng đề cương đến kết nối các CQTT, tổng hợp, phối hợp với các ban tin nguồn... Có được ba yếu tố đó, việc thực hiện các đề tài thông tin liên vùng, dù là những vấn đề “chìm”, đã tồn tại từ lâu hay những vấn đề mang tính thời sự đều sẽ được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, về hình thức, nhiều đề tài vẫn chưa thể hiện hết khả năng, lợi thế của các CQTT cũng như phóng viên tham gia, đặc biệt đối với thông tin truyền hình. Thực tế thực hiện các tuyến thông tin liên vùng cho thấy, có thể thực hiện đồng thời nhiều loại hình, cả bài viết, ảnh và truyền hình để tạo sự đa dạng và nâng cao hiệu quả trong phản ánh thông tin, tạo nên những sản phẩm đặc biệt, đậm chất thông tin của cơ quan thông tấn quốc gia./.

nhóm phóng viên CQTT tại Đắk Lắk
Nội san Thông tấn số 7/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

60 năm quan hệ Việt Nam - Lào: Mối quan hệ hợp tác chí nghĩa, chí tình giữa hai hãng thông tấn (08/08/2022 08:58:44)

Đại hội Đoàn thanh niên TTXVN nhiệm kỳ 2022-2027: Tuổi trẻ Thông tấn “Xung kích - Bản lĩnh - Sáng tạo - Đoàn kết - Nhân văn” (05/08/2022 10:05:53)

Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ (05/08/2022 09:43:32)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi! (02/08/2022 16:13:51)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Điện báo viên kiên trung (02/08/2022 16:06:30)

Đảng ủy Thông tấn xã việt Nam: Triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm (02/08/2022 16:02:42)

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và cuộc phỏng vấn dành riêng cho TTXVN (02/08/2022 15:59:32)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2022 15:37:01)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chiến khu Tây Ninh (26/07/2022 16:49:22)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Truy điệu và an táng hài cốt nhà báo liệt sĩ TTXVN Đỗ Văn Đạt (25/07/2022 17:14:49)