Thứ ba, ngày 16/07/2024

Giải báo chí

Giải báo chí quốc gia 2023: Khi sức mạnh tập thể được phát huy


(09/07/2024 14:40:46)

Chùm bài "Khẳng định vị thế mới của gạo Việt Nam" của nhóm phóng viên Ban biên tập tin (BBT) Kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN): Nguyễn Uyên Hương, Nguyễn Thị Bích Hồng, Phạm Thị Hồng Nhung, Đoàn Đức Minh và Nguyễn Thị Thuỳ Linh đã bám sát thực tế, từ góc nhìn đa chiều, đưa ra những định hướng cụ thể từ phía Chính phủ, bộ, ngành cho lúa gạo Việt Nam cả xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Tác phẩm vinh dự được trao giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ XVIII và giải B Giải báo chí TTXVN năm 2023.

Nhóm tác giả và cán bộ, phóng viên Ban biên tập tin Kinh tế tại lễ trao Giải báo chí quốc gia năm 2023, ngày 21/6

Không lỡ nhịp thông tin

Ngày 20/7/2023, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati), tác động lớn đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Câu chuyện trở nên nóng hơn khi một số nước như: Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Thái Lan cũng đưa ra lệnh cấm, yêu cầu nông dân cắt giảm vụ lúa 2023 chỉ còn vụ hè thu để tiết kiệm nước, tránh thất thoát và chuyển sang cây trồng chịu hạn khác. 

Ngay từ những ngày đầu khi Ấn Độ ban hành thông báo, phóng viên BBT tin Kinh tế đã nhanh chóng vào cuộc, liên tục cập nhật diễn biến sự việc tới bạn đọc cả nước qua những tin, bài thời sự hằng ngày trên Cổng thông tin nguồn của TTXVN và trang điện tử Bnews.vn.

Để không lỡ nhịp thông tin, cùng với việc bám chắc ngành, từng chỉ đạo nóng của các bộ, ngành, những khó khăn phía doanh nghiệp và khuyến cáo của các chuyên gia trước việc chớp cơ hội từ thị trường xuất khẩu gạo đã được các phóng viên BBT tin Kinh tế chuyển tải kịp thời, thậm chí cập nhật hằng giờ.

Gần một tháng sau thông báo của Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ, thị trường lúa gạo thế giới và ngay tại Việt Nam trở nên rất “nóng”. Tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường. Trong bối cảnh chung của thị trường, chính sách của Việt Nam - một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - đã tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo toàn cầu.

Lúc này, ngoài việc thực hiện thông tin thời sự, BBT tin Kinh tế đã xây dựng đề cương chuyên đề về xuất khẩu gạo trong tình hình mới để đăng tải trên bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới cũng như phát lên Cổng thông tin của ngành và trang thông tin điện tử Bnews.vn. Chuyên đề tập trung phân tích những góc nhìn đa chiều về ngành lúa gạo hiện nay cũng như định hướng chiến lược trong tình hình mới.

Ngay sau khi kế hoạch được đưa ra, từng phóng viên theo dõi lĩnh vực liên quan đã khẩn trương bắt tay vào thực hiện. Để chùm bài đa dạng góc nhìn, BBT tin Kinh tế đã trực tiếp liên hệ với các Cơ quan thường trú (CQTT) khu vực phía Nam, Tổ chuyên đề - Phòng quản lý các CQTT phía Nam yêu cầu có bài viết phản ánh việc các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước quy hoạch, thúc đẩy liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi bền vững dựa trên chất lượng, giá trị và thương hiệu. Bên cạnh đó, tác phẩm nêu bật những hạn chế và vấn đề cần hướng tới của ngành lúa gạo trong nước.

Thành quả của “ong thợ”

Những “ong thợ” sau khi nhận nhiệm vụ đã tỏa đi khắp nơi triển khai để chuyên đề đạt hiệu quả cao, bám sát nội dung. Loạt bài viết với chủ đề Khẳng định vị thế mới của gạo Việt Nam đã được thực hiện công phu, tổng quan những vấn đề nóng nhất cùng sự lo ngại của các quốc gia trên thế giới về an ninh lương thực. 

Để có cái nhìn khách quan, nhóm phóng viên đã phỏng vấn, lấy ý kiến từ lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp tới các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài về những thuận lợi của gạo Việt Nam trong tiếp cận thị trường thế giới khi thiếu hụt nguồn cung lớn từ Ấn Độ. 

Cùng với đó là khuyến cáo của các chuyên gia về việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu gắn kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã hay nhóm hộ nhằm chủ động kế hoạch xuất khẩu, tạo ưu thế trong ký kết hợp đồng.

Ở góc nhìn khác, nhóm phóng viên cũng phản ánh được những hạn chế còn tồn đọng và những vấn đề cần hướng đến để tạo nên một ngành lúa gạo chất lượng, uy tín và vươn tầm trong thời đại mới. Bên cạnh đó là những lưu ý trong việc tiếp tục đưa thương hiệu gắn với sản phẩm gạo Việt Nam, khẳng định vị thế cũng như thêm cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Hầu hết phóng viên tham gia thực hiện chùm bài đều có nhiều kinh nghiệm nên khi được giao nhiệm vụ, triển khai rất nhanh và phối hợp nhuần nhuyễn. Tác phẩm sau khi được xuất bản đã nhận được nhiều đánh giá tích cực vì sát với thực tế và đưa ra những định hướng khả quan từ phía Chính phủ, bộ, ngành liên quan cho ngành lúa gạo trong xuất khẩu lẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
 
Gặt lúa trên cánh đồng xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, tháng 6/2023

Thời điểm này, thị trường gạo thế giới đang trong khoảng lặng bởi xu hướng giảm giá khi hai nguồn cung chính là Việt Nam và Thái Lan đều đang trong giai đoạn chính vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, cước vận chuyển quốc tế tăng cũng đẩy chi phí nhập khẩu gạo tại các nước lên cao hơn nên người mua có khuynh hướng chờ đến khi giá cước hạ nhiệt trở lại. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.

Chùm bài Khẳng định vị thế mới của gạo Việt Nam của nhóm phóng viên BBT tin Kinh tế đã thể hiện sự bền bỉ, bám sát chủ đề, phản ánh mối lo chung của thế giới về an ninh lương thực. Đồng thời, khẳng định vị thế của Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, lấy nhu cầu, thị hiếu của thị trường để định hướng cho sản xuất và xuất khẩu.

Tác phẩm dù đã đăng phát một thời gian nhưng vẫn lan tỏa hiệu ứng tích cực. Nhóm phóng viên vẫn bám sát từng động thái kinh tế để dòng tin không bao giờ ngừng chảy./.

Uyên Hương - Ban biên tập tin Kinh tế
Nội san Thông tấn số 6/2024