Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Giải báo chí TTXVN 2022: Xót xa khi bệnh nhân thiếu thuốc


(09/05/2023 16:08:30)

Giữa năm 2022, khi dịch COVID-19 tạm lắng xuống, người dân bắt đầu trở lại với cuộc sống thường ngày và đến các bệnh viện để khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đúng thời điểm này, có một thực tế đáng buồn là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau, tại nhiều cơ sở y tế, cả tuyến trung ương và địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Chứng kiến nhiều bệnh nhân phải tự mua thuốc, dây truyền dịch, thậm chí phải ra phòng khám tư để chiếu chụp với chi phí đắt đỏ, phóng viên Cao Thùy Giang, báo điện tử VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), đã quyết tâm đi sâu tìm hiểu để phản ánh thực trạng này qua tác phẩm “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm”.

Phóng viên Cao Thùy Giang (ngoài cùng bên trái) và các đồng nghiệp báo điện tử VietnamPlus tại Lễ trao giải

Nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế, để có bài viết đầu tiên phản ánh thực trạng này, tôi đã đi khảo sát thực tế tại các bệnh viện để tìm hiểu nội tình sự việc, lắng nghe những chia sẻ từ phía người bệnh và gia đình bệnh nhân để thấu hiểu những khó khăn họ đang phải trải qua. Đi sâu vào tìm hiểu mới thấy người bệnh thiệt thòi đủ đường, trong khi công tác khám chữa bệnh lại đang “vướng” rất nhiều vấn đề khiến những khó khăn của người bệnh nhân lên gấp bội.
 
Một bệnh nhân ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trước khi đi khám chị có hỏi ý kiến bác sỹ và nắm được thực trạng bệnh viện hiện đang thiếu sinh phẩm hóa chất nên việc chẩn đoán, chiếu chụp sẽ phải chờ đợi rất lâu. Có bệnh nhân nhận lịch hẹn hai tuần mới tới lượt chiếu chụp. Có bệnh nhân khi tới bệnh viện công, được bác sỹ hướng dẫn ra phòng khám tư chiếu chụp hết gần 6 triệu đồng, do bệnh viện thiếu hóa chất và vật tư y tế. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào, gia đình nào cũng có điều kiện để ra các bệnh viện, phòng khám tư với chi phí đắt đỏ như vậy.
 
Để hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế cũng như các giải pháp để triệt tiêu “căn bệnh trầm kha” này, tôi đã tìm hiểu, tiếp cận từ chính lãnh đạo các bệnh viện, Bộ Y tế và thông tin trong các bài tiếp theo. Tuy nhiên, việc tiếp cận từ góc độ này không dễ dàng, bởi ngành y tế sau “cơn bão mang tên Việt Á” đã nảy sinh tâm lý lo ngại, lưỡng lự từ những người đứng đầu hay có trách nhiệm triển khai các hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế… Lãnh đạo các bệnh viện và Bộ Y tế dường như muốn “né” và rất ít khi lên tiếng. Có những thời điểm, khi đề cập tới vấn đề này, tôi thường xuyên nhận được câu trả lời: “Đây là thời điểm nhạy cảm của ngành y tế nên không thể phát ngôn!”.
 
Quả thực, đi sâu vào thực tế, tác phẩm “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm” đã cho thấy việc thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới, song “cơn khát” đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến bệnh nhân, nhất là những người có bảo hiểm y tế, đẩy người bệnh vào tình thế “phải tự cứu lấy mình”. Trong khi đó, các bệnh viện thiếu giải pháp, đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho “cơ chế”.
 
Phân tích ý kiến thấu đáo từ các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, tác phẩm cũng cho thấy góc nhìn khác. Đó là những câu chuyện “hậu trường” trong việc đấu thầu, mua bán thuốc và vật tư y tế; sự “đùn đẩy trách nhiệm” của một số cán bộ đứng đầu. Tác phẩm cũng đề xuất việc xử lý nghiêm sai phạm tại các cơ sở y tế sẽ góp phần lành mạnh hóa hệ thống, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện công “sống khỏe”, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
 
Bên cạnh việc xây dựng nội dung dày dặn, tác phẩm còn được thể hiện kết hợp với nhiều dữ liệu biểu đồ, đồ họa, video sinh động giúp bạn đọc dễ hình dung về thực trạng ngành y tế Việt Nam.
 
Điểm nhấn của tác phẩm là việc tích hợp, tổng hợp dữ liệu về cơ cấu chi phí khám chữa bệnh hay bức tranh chi tiêu y tế của Việt Nam, khi số tiền người dân bỏ ra chiếm nhiều nhất trong tổng chi. Vì vậy, nếu tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ngày càng gia tăng sẽ trở thành một vấn đề đáng lo ngại, gây hậu quả nghiêm trọng, bởi người nghèo nếu bị ốm thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong thoát nghèo, người cận nghèo ốm một trận có thể thành người nghèo.
 
Khẳng định việc đáp ứng thuốc luôn là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân; tìm kiếm giải pháp để không còn tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị… là chủ đề xuyên suốt 4 bài. Tác phẩm sau khi đăng tải đã nhận được sự phản hồi tích cực của bạn đọc và những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; sự ủng hộ của các cơ quan quản lý cũng như sự chỉ đạo từ Chính phủ với nhiều văn bản khác nhau để cùng chung tay giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Và niềm vui lại đến vào tháng 4 này khi tác phẩm “Cơn khát” thuốc điều trị, vật tư y tế: “Khi trăm dâu đổ đầu tằm” của tôi vinh dự được trao giải A, thể loại báo điện tử, Giải báo chí TTXVN năm 2022./.

https://www.vietnamplus.vn/con-khat-thuoc-dieu-tri-vat-tu-y-te-khi-tram-dau-do-dau-tam/808098.vnp
 

Cao Thùy Giang - Báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 4/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN 2022: Hành trình tìm góc khuất của nạn “xe dù, bến cóc” (07/05/2023 16:44:11)

Giải báo chí TTXVN 2022: Tìm mới trong cũ (07/05/2023 16:43:15)

Giải báo chí TTXVN 2022: Lan tỏa nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy quyền con người (05/05/2023 14:23:14)

Đẩy mạnh hợp tác với hãng thông tấn WAM (04/05/2023 16:23:23)

Trưng bày ảnh về quan hệ hợp tác Việt Nam - Luxembourg (04/05/2023 15:33:40)

Thi tìm hiểu pháp luật về viên chức năm 2023 (25/04/2023 14:44:30)

Hướng tới Đại hội Công đoàn TTXVN nhiệm kỳ 2023-2028: Nhiều công đoàn cơ sở tổ chức đại hội  (25/04/2023 12:16:06)

Ký thỏa thuận hợp tác với hãng thông tấn quốc gia Argentina (Telam)  (25/04/2023 09:49:08)

Tiếp tục thắt chặt quan hệ với đối tác Cuba (21/04/2023 09:03:29)

Tăng cường hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina  (20/04/2023 10:45:53)