Thứ tư, ngày 03/07/2024

Truyền thống

Hai mươi năm rực rỡ!


(04/12/2014 10:35:37)

Khi đắm chìm trong những ký ức, những gương mặt... của lớp phóng viên, biên tập viên Khóa 20 (K20), tôi thấy như mình đang thưởng thức "cuốn phim" về sự nghiệp làm báo của chúng tôi, tại cơ quan TTXVN yêu dấu!

Tập thể K20 về thăm Khu kỷ niệm nơi làm việc của VNTTX thời kỳ 1952-1954 tại đồi Khau Linh, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Làn gió nhân lực mới

Thời gian như là gió thổi. Nhìn lại những bức ảnh của anh chị em K20 hai mươi năm về trước, những gương mặt hớn hở và có phần "ngơ ngác" của nhiều sinh viên mới ra trường, mới cảm nhận rõ điều đó. Giờ đây, 87 học viên của khóa, trên gương mặt đã mang dấu vết thời gian.

Năm 1994, khóa chúng tôi được coi là "làn gió mới" của TTXVN, bởi trước đó, chưa bao giờ, cơ quan có một cuộc tuyển chọn lớn  như vậy. Trải qua một kỳ thi tuyển khách quan, công tâm, các học viên trẻ trung, năng động của K20 gia nhập đội ngũ những người làm báo thông tấn.

"K20 là khóa học viên đầu tiên của TTXVN được thi tuyển một cách rộng rãi. Là khóa chuyển thế hệ vì lúc đó, chúng tôi nhìn thấy đội ngũ cán bộ, phóng viên (PV), biên tập viên (BTV) tại cơ quan đã lớn tuổi, cần lực lượng kế tiếp, phù hợp với nhiệm vụ, tình hình mới. Chúng ta vừa đào tạo, bồi dưỡng cho những người đã làm việc, đã về công tác tại TTXVN nhưng còn trẻ, có triển vọng, vừa tổ chức thi tuyển để chuẩn bị cho lực lượng mới. Đây là một cái mới và thực sự sau này, đội ngũ học viên của K20 đã là một làn gió mới". Nhà báo Đỗ Phượng- nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) TTXVN- người đứng đầu TTXVN hồi chúng tôi vào ngành, hôm nay vẫn hết sức hào hứng và hài lòng khi nói về K20.

Còn nhớ hồi đó, chúng tôi bước chân vào ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt với bao bỡ ngỡ, những người đi trước coi chúng tôi như con em trong nhà, gọi là "lũ trẻ" bảo ban từng ly từng tí, cả về nghề nghiệp lẫn cuộc sống. "Lũ trẻ" ấy, sau 3 tháng học nghiệp vụ báo chí (lớp K20 do nguyên TGĐ- khi đó giữ cương vị Phó TGĐ- Hồ Tiến Nghị làm Trưởng ban phụ trách lớp học, nhà báo Đinh Thanh Bình quản lý lớp), đã toản về các đơn vị trong cơ quan và sau thời gian đầu làm quen với công việc, hầu hết chúng tôi nhanh chóng thích nghi với công việc, với môi trường thông tấn không ngừng học hỏi và dần trưởng thành.

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh chụp ảnh chung với học viên K20 tại Hội báo Xuân năm 1995

 K20 đã được cơ quan tạo điều kiện để phát huy khả năng chuyên môn. Mỗi người một vẻ, họ đã làm nên một thế hệ mới đầy tiềm năng cho TTXVN. Thiện Thuật, Hoàng Giang... đã trở thành những Trưởng phân xã trẻ và khá nổi. Những nữ PV của Tổ tin Kinh tế thời kỳ đầu, gồm Thanh Huyền, Quỳnh Trang, Hồng Nga, Ngọc Thúy... được mệnh danh là "nhóm Văn công", cũng đã làm các cô chú hài lòng vì những tác phẩm báo chí sắc sảo của mình.

 
Thế hệ cán bộ mới

Với sự máu lửa, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo nghề nghiệp, các học viên của K20 đã sát cánh cùng Cơ quan TTXVN và nền báo chí nước nhà trong suốt hai mươi năm qua- giai đoạn đất nước chuyển mình mạnh mẽ. Và qua quá trình "thử lửa" đó, nhiều người trong khóa đã trưởng thành, tạo nên một thế hệ cán bộ nòng cốt cho cơ quan TTXVN. Thật tự hào khi trong số 87 học viên K20 ngày nào, 67 người đang làm việc tại TTXVN thì 15 người đã trở thành cán bộ cấp vụ (chiếm 22%), 33 người là cán bộ cấp phòng (chiếm 49%). Có những học viên đã trở thành người người đứng đầu một số đơn vị chủ chốt trong ngành. Một số anh chị em, tuy đã không còn làm việc tại cơ quan thông tấn nhưng cũng khá thành đạt ở các cơ quan báo chí khác.

Nhận xét về K20, Trưởng ban phụ trách lớp- nguyên TGĐ Hồ Tiến Nghị, không khỏi tự hào: "Đây là khóa học trưởng thành nhanh, chắc, có nhiều đóng góp cho cơ quan TTXVN và tôi tin tưởng thế hệ này sẽ gánh vác được những nhiệm vụ của cơ quan trong tình hình mới".

20 năm gắn bó với nhau, với sự nghiệp Thông tấn, tôi hiểu và tin chắc rằng, điều làm các học viên K20 luôn tâm huyết chính là tình yêu nghề nghiệp, tình yêu cơ quan, sự cống hiến vô tư, với nền tảng là sự đoàn kết trong tập thể lớp. Cho đến hôm nay, vẫn như ngày nào, gặp lại nhau chúng tôi vẫn nói nói cười cười, vẫn huyên thuyên chí chóe. Chúng tôi, những học viên K20, giờ đã là lớp "cô chú" của các PV mới vào làm việc tại cơ quan, vẫn thấy mình rất "trẻ". Vâng, chúng tôi đã có 20 năm rực rỡ, và sẽ còn tiếp tục cống hiến trong những năm tới!q

Ngày 21/11, những học viên của K20 có cuộc hội ngộ đầy xúc cảm sau 20 năm gia nhập "gia đình thông tấn". Tại cuộc gặp gỡ đáng nhớ này, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Không chỉ riêng tôi mà các đồng chí lãnh đạo khác của ngành cũng đã chứng kiến sự trưởng thành của các học viên K20. Có không ít đồng chí đã trải qua những thử thách khắc nghiệt của nghề báo, tác nghiệp tại những địa bàn điều kiện không thuận lợi như vùng núi, hải đảo, và trong những thời điểm "nước sôi lửa bỏng", các đồng chí đã chứng tỏ được năng lực, bản lĩnh, và trên hết là tâm huyết của mình với nghề. Thành công ngày hôm nay của các học viên K20 là kết quả của việc đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, sự tin tưởng của lãnh đạo ngành và lãnh đạo các đơn vị dành cho các đồng chí. Nhưng trên hết, trong 20 năm qua, các đồng chí đã thể hiện được lòng yêu nghề, vượt qua những thử thách của nghề báo, không ngừng đóng góp cho sự phát triển của ngành.

            Tâm tình của các học viên

Trưởng CQTT tại Bỉ- Nguyễn Thị Hương Giang

Tôi rất ấn tượng với đội ngũ giảng viên của K20 ngày ấy. Họ đều là những nhà báo kỳ cựu của TTXVN. Những kinh nghiệm làm PV thường trú và những câu chuyện làm báo ở nước ngoài của chú Nguyễn Như Kim, chú Phạm Vỵ, anh Đỗ Lê Châu, anh Hà Minh Huệ... khiến tôi nghe không biết chán. Và tôi mơ ước một ngày nào đó mình cũng sẽ trở thành PV của TTXVN ở nước ngoài, để rồi 20 năm sau ước mơ đó đã trở thành sự thực...

Điều tôi học được ở những người thầy K20 của mình là sự say mê với ngề. 20 năm trôi qua ngọn lửa đam mê ấy vẫn luôn cháy trong tôi, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để cùng các đồng nghiệp tô những mảng màu tươi sáng lên bức tranh TTXVN.

Trưởng CQTT tại Sóc Trăng- Nguyễn Trung Hiếu

Ra học K20 vào năm 1994, B2 có bốn PV mới. Tôi vẫn nhớ như in, sau 3 ngày đêm ngồi tàu hỏa, chúng tôi tới Hà Nội khi mới 4 giờ sáng, chị Đinh Thanh Bình cùng xe của ngành đã đón ngay tại ga. Rồi buổi học đầu tiên, đích thân TGĐ Đỗ Phượng giảng về vai trò nhiệm vụ của TTXVN. Những lời dặn dò của lãnh đạo ngành khi hết khóa... Những kiến thức học được khi đó đã là hành trang nghề nghiệp, giúp chúng tôi trưởng thành, vững vàng trong nghề, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của ngành.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bắt đầu từ số này, Nội san Thông tấn lần lượt đăng tải các bài viết tham gia cuộc thi viết "Thông tấn xã trong tôi" của ngành (04/12/2014 09:39:34)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Cơ duyên thông tấn với nhà số 5 Lý Thường Kiệt (31/10/2014 09:40:30)

Kỷ niệm 69 năm thành lập TTXVN ( 15/9/1945 - 2014): Tiếp lửa truyền thống (03/10/2014 10:01:44)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

23/8/1945 - Ngày làm việc đầu tiên của cơ quan thông tấn (05/09/2014 14:07:29)

Bữa cơm gạo đỏ  (30/07/2014 15:52:45)

Phân xã TTXGP Nam Tây Nguyên: Hồi sinh từ tận cùng đau thương  (30/07/2014 15:23:54)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)