Thứ năm, ngày 25/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Học Bác Hồ viết giải dị "cho dân dễ hiểu, dễ làm theo"


(02/06/2008 10:14:43)

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cuốn "Sửa đổi lối làm việc" của tác giả X.Y.Z rất được phổ biến. Nhiều cán bộ coi tác phẩm này là sách gối đầu giường vì cách viết dễ hiểu, đề cập tới các vấn đề lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối làm việc sâu sát quần chúng...

X.Y.Z là một trong nhiều bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã đọc cuốn sách rất nhiều lần và tâm đắc nhất lời Bác khuyên cán bộ phải "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Bác khuyên các nhà báo, nhà văn phải viết thế nào để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động, hiểu được và làm theo.

Lời văn của Bác Hồ hết sức giản dị, giàu cảm xúc và có sức cổ vũ mạnh mẽ. Bác dùng chữ không mới, không bay bướm cầu kỳ, đôi lúc dùng chữ của cổ nhân, nhưng văn phong của Bác rất hiện đại. Dẫn chứng dễ thấy nhất là các bài thơ Bác làm vào mỗi dịp Tết. Như bài thơ Tết Đinh Hợi 1947 Bác làm lúc bắt đầu kháng chiến toàn quốc:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông,

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi,

Thống nhất độc lập nhất định thành công.

Hoặc bài thơ kêu gọi toàn quân, toàn dân hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Bác phát động giữa năm 1948:

Kháng chiến lại thêm một năm mới,

Thi đua yêu nước thêm tiến tới.

Động viên lực lượng và tinh thần,

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ngày ngày thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua.

(Tôi ghi lại hai bài thơ này theo trí nhớ, đủ biết lời Bác dễ thấm sâu vào lòng người như thế nào).

Thế hệ chúng tôi có nhiều người bước thẳng từ nhà trường của chế độ cũ vào nghề báo, đầu óc mang nặng ảnh hưởng của văn học lãng mạn kiểu cũ với những lối hành văn hoa mỹ, sáo rỗng. Việc học tập Bác đưa văn học đi vào lòng đại chúng quả không dễ chút nào. Nhưng nếu làm được - kết hợp với phong cách riêng, nếu có - thì đó là một thành quả lớn đáng được ghi nhận.

Với tôi cũng như với nhiều đồng nghiệp một thời, việc học viết, học nói luôn gắn với quá trình đi sâu đi sát quần chúng; học làm cách mạng là một quá trình vô cùng gian khổ đan xen vô vàn niềm vui, khởi đầu từ cuốn "Sửa đổi lối làm việc" của Bác Hồ kính yêu.

Võ Thế Ái
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008