Thứ hai, ngày 29/04/2024

Người tốt việc tốt

Thương nhớ Lam Thanh


(02/06/2008 09:56:41)

Hôm Anh vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), thăm Anh tôi đã thấy Anh yếu lắm. Đôi mắt hé mở một cách mệt nhọc, Anh nhìn tôi gật gật đầu, chẳng nói được điều gì. Tuổi già, sức yếu không thể hàng ngày vào thăm Anh, qua điện thoại cho cháu Đông, con trai Anh, tôi được biết trình trạng sức khoẻ của Anh ngày một xấu đi. Trong thâm tâm, tôi tin tưởng ở sự chăm sóc của các thày thuốc, hy vọng Anh có thể bình phục dần.

Chiều 13/5/2008, tôi vào lại bệnh viện thăm Anh. Chỗ Anh nằm giờ là một bệnh nhân khác. Tôi đang loay hoay tìm Anh thì gặp cháu Đông. Cháu đau đớn, dàn dụa nước mắt: "Bố cháu đi trưa nay rồi chú ạ". Nghẹn ngào, ôm chầm lấy cháu, tôi chia xẻ nỗi đau thương mất mát của cháu và gia đình.

Thế là thêm một đồng môn Khóa I - Lớp phóng viên TTXVN dưới mái trường 65 Văn Miếu (Hà Nội - 1955) ra đi. Các anh Đoàn Dũng, Mai Hữu Phúc (bút danh Bến Nghé), Đặng Văn San, Hữu Công, Nguyễn Khắc Thìn, Nguyễn Bá Ngạc, Lê Lâm, Phước Quỳnh..., các chị Hoàng Ngọc Yến, Tô Kim Nhâm, Phạm Thị Hồ (vợ anh Nguyễn Khắc Thìn)... đã thành người thiên cổ; để thương, để nhớ lại cho anh chị em chúng tôi, số ít người còn ở lại, nhưng đều đã ở tuổi xế chiều, như ngọn đèn trước gió!

Nhớ sao những ngày thu Hà Nội 1955, sau một năm Thủ đô giải phóng! Chúng tôi, lớp học sinh, sinh viên trẻ măng, đầy nhiệt huyết cùng các anh, các chị lớn tuổi hơn trong lớp kết thúc khóa học, hăm hở khoác ba lô về VNTTX, ngôi nhà số 5 Lý Thường Kiệt lịch sử, bổ sung vào đội quân Thông tấn.

Ngay từ những ngày đầu mới về cơ quan, Lam Thanh (tên thật là Lê Tùng, nguyên Trưởng ban biên tập tin trong nước) cùng các anh Trọng Quyền, Duy Bảng, Nam Minh... lần lượt xung phong lên công tác ở miền Tây Bắc xa xôi. Anh là người đầu tiên xây dựng phân xã Tây Bắc (lúc đó là khu tự trị Thái Mèo). Là một con người luôn lạc quan, cởi mở, chân tình và có ý thức học hỏi, Anh đã gây dựng được mối quan hệ tốt với cấp uỷ, các cơ quan và đồng bào các dân tộc địa phương. Họ quý TTXVN qua những tin, bài chân thực và sâu sắc, phản ánh thực tiễn sinh động cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục giàu bản sắc của miền Tây Bắc. Tôi còn nhớ những tin bài anh viết về người Hà Nhì xuống núi học chữ và bài thơ "Trang Cu Bơ đi học" của Anh. Anh đã đi trúng mạch thông tin cần thiết là đưa sự nghiệp văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí tới đồng bào thiểu số ở vùng cao.

Những ngày phụ trách tổ Văn xã (lúc đó chưa có Ban mà là Phòng tin Trong nước), Anh đau đáu với chủ đề "Gia đình văn hóa" ở Hưng Yên. Anh cùng một số phóng viên trở đi, trở lại Hưng Yên hàng tháng trời nắm bắt nhân tố mới, nghiên cứu thực tế, tranh luận để có được tuyến tin xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn đang hợp tác hóa, mà "tế bào" của nó là "Gia đình văn hóa". Các báo và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam khi đó lập tức hưởng ứng cuộc vận động này. Phong trào xây dựng và bình chọn "Gia đình văn hóa mới" hôm nay được manh nha từ điển hình "Gia đình văn hóa" ở Hưng Yên thuở ấy.

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước xảy ra ác liệt ở tuyến lửa Nam khu IV, Anh được Tổng xã biệt phái phụ trách đoàn phóng viên tin, ảnh TTXVN tại Quảng Trị, Thừa Thiên. Trong đoàn có anh Minh Trường, nghệ sĩ - phóng viên ảnh tầm cỡ của Việt Nam. Nằm hầm, ăn lương khô, bom đạn đầy trời, Anh vẫn say sưa phát hiện điển hình o du kích tuyến lửa Nguyễn Thị Tâm. Tấm gương này nhanh chóng được nhân rộng trong phong trào thi đua khắp toàn vùng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn cuối. Anh được Tổng xã bổ sung vào tuyến phía Nam làm nhiệm vụ phản ánh không khí tiếp quản và xây dựng chính quyền mới ở Sài Gòn. Anh là một trong những đồng chí phụ trách Phân xã thành phố Hồ Chí Minh, tiếp quản cơ sở Việt Tấn Xã của ngụy quyền và xây dựng Phân xã trong bối cảnh bộn bề bao công việc của một thành phố lớn vừa giải phóng. Khi tôi vào thay Anh, Anh đã truyền đạt lại những kinh nghiệm về nghề nghiệp cũng như trường đời, vốn sống, giúp tôi hòa đồng được với các bạn đồng nghiệp ở phía Nam và nhanh chóng tiếp cận với công việc.

Với tôi, nói đến Lam Thanh trong lĩnh vực nghiệp vụ là nói đến tính dự báo, nhân tố mới, phát hiện điển hình của tin tức. Anh thường tâm đắc với các phóng viên trẻ về điều này. Cho tới giờ, đó vẫn là vấn đề thời sự cần trao đổi trên diễn đàn nghiệp vụ để góp phần nâng cao chất lượng tin tức trong thời kỳ đổi mới.

Anh ra đi để lại trong tôi nỗi nhớ thương một người bạn có tinh thần đồng đội, sẵn sàng nhường áo xẻ cơm cho nhau lúc thiếu thốn. Một người bạn đầy lòng thương cảm với anh em, bạn bè, đồng chí. Một cán bộ lãnh đạo không hề vun vén cho mình quyền lợi vật chất tầm thường. Cuộc sống của anh đạm bạc, giản dị cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Giờ đây trong căn phòng ở khu tập thể Mai Hương, Anh vẫn còn chị Bắc, người vợ già xứ Thanh tần tảo, yếu đau, không lương hưu trí.

Có thể một ai đó cho rằng Lam Thanh "đa ngôn" lý sự, nhưng cũng có người thông cảm được với một Lam Thanh hăng say, bốc lửa thích luận lý, thích phản bác. Đó cũng là điều tự nhiên, rất người thôi...

Lam Thanh ơi! Nhớ quá, những lúc chén rượu suông, anh em chúng mình luận bàn nhau về nghề nghiệp, về nhân tình thế thái... Nhớ ly cà phê trong quán "Mùa thu" ở đầu phố Trương Định (thành phố Hồ Chí Minh).

Lam Thanh ơi, Vĩnh biệt! Xin thắp nén nhang thơm thầm tỏ lòng mình với Anh!

Nguyễn Văn Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chú Hồng (13/05/2008 10:46:10)

Sống có ích cho xã hội và đem lại hạnh phúc cho gia đình (14/04/2008 15:42:37)

Nhịp sống xuân của một nữ phóng viên Thông tấn (04/02/2008 09:36:59)

Nhà ăn 79 Lý Thường Kiệt Giá cả bình dân vệ sinh đẳng cấp "4 sao" (09/10/2007 08:57:19)

Phương Thảo hiếu thảo (07/06/2007 10:42:33)

Những bông hoa nhỏ (07/06/2007 09:15:13)

Chân dung những người lao động TTXVN (14/05/2007 15:30:18)

Khiếu Minh Đồng, "Người quản gia" tận tụy của Thể Thao & Văn Hóa (14/05/2007 15:25:28)

Một nữ chỉ huy trưởng ở Ban Biên tập tin Trong nước (18/04/2007 15:41:21)

Mong muốn giúp đỡ những bạn trẻ có nguyện vọng vào Đảng (18/04/2007 15:00:18)