Thứ sáu, ngày 20/09/2024

Trao đổi - Thảo luận

Hội tụ công nghệ, mang đến những giá trị đột phá cho công chúng


(19/01/2024 09:00:03)

Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn, từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện, hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng, mang lại những giá trị đột phá cho công chúng.


Tòa soạn báo chí số

Từ hơn 10 năm trước, trong sản xuất, khai thác thông tin, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã đẩy mạnh việc xây dựng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện. Các nền tảng tác nghiệp CMS, NPS được xây dựng và dần hoàn thiện, giúp đẩy nhanh, tạo sự thống nhất và thông suốt cho quy trình sản xuất thông tin. Đến nay, tất cả các đơn vị xuất bản của TTXVN đã hoàn thiện và vận hành theo mô hình tòa soạn báo chí số; các đơn vị sản xuất tin đồ họa, tin truyền hình cũng đã ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi. 
 

Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn phát biểu tại hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”, ngày 7/12/2023

Các ứng dụng: AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới với cách tiếp cận thông tin hiện đại như: ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác trên các sản phẩm điện tử của các toà soạn; đồ họa, đồ họa tương tác của Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa; hệ thống phân phối nội dung đa nền tảng (MediaHub) của VNews... 

Hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị triển khai, như: podcast, voice-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter), tin tuyển chọn từ ban biên tập (Editors Picks), hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên mạng xã hội, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…

Hiện nay, TTXVN đang tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả. Đó là tiếp tục hoàn thiện mô hình sản xuất đa phương tiện tập trung để mô hình truyền thông hội tụ không ngừng được nâng cấp, tích hợp những ứng dụng công nghệ mới; xây dựng một “hệ sinh thái” kỹ thuật để phát triển thêm nhiều loại hình thông tin mới, nhiều kênh tiếp cận với công chúng, nhiều gói thông tin đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; giúp các tòa soạn tiếp tục giữ được vị thế trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống CMS mạnh

Để bắt kịp với xu hướng của báo chí kỹ thuật số, có năng lực thực hiện những nhiệm vụ trên, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo. 

 Chiến lược data-driven của VietnamPlus được khởi động ngay từ khi báo được thành lập vào năm 2008, chú trọng đến việc theo dõi lưu lượng truy cập của người dùng để đưa ra những điều chỉnh về mặt nội dung. Ngoài việc sử dụng những công cụ đo đếm phổ thông như Google Analytics, VietnamPlus cũng kết hợp sử dụng một số công cụ tiên tiến khác như Chartbeat hay Marfeel. 

Từ tháng 11/2023, VietnamPlus đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn và công ty Công nghệ EPI tiến hành nâng cấp CMS, trong đó phần thống kê được tách thành nhiều lớp (layer) để phân loại lưu lượng truy cập theo các phiên bản web, mobile, home, category, article… giúp các biên tập viên có những đánh giá chuẩn xác hơn khi lập kế hoạch nội dung. Toàn bộ dữ liệu được trực quan hoá theo dạng biểu đồ, có thể xuất file Excel dễ dàng để lập báo cáo.
 
Với CMS mới, báo điện tử VietnamPlus là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đăng tải các bài viết, video dạng WebStory, Shorts Video

Ngoài ra, báo cũng thí điểm sử dụng module user, sử dụng phương thức đăng nhập qua tài khoản Google (Gmail) để có thể quản lý được lịch sử xem trang của từng người dùng. Đây là bước quan trọng để tiến hành chuyển đổi độc giả thường thành độc giả trung thành, tiến tới việc cá nhân hoá và tự động hoá đề xuất nội dung cho từng độc giả.

Đa nền tảng, đa phương tiện, đa màn hình

Sự phát triển của công nghệ, cùng sự thay đổi về cách kể chuyện, cách tiếp nhận thông tin của độc giả thúc đẩy các tòa soạn thay đổi cách chuyển tải thông tin đến với bạn đọc. Thay vì dạng tin văn bản kèm ảnh truyền thống, độc giả ngày nay có xu hướng tiếp nhận thông tin bằng những định dạng mới như: video, infographic, podcast…

Nắm bắt xu hướng này, các báo của TTXVN đã xây dựng CMS hỗ trợ sản xuất, đăng tải tin tức theo các định dạng kể trên, phù hợp với chuẩn của các công cụ tìm kiếm, các nền tảng đọc tin phổ biến.

Ngoài ra, trong Báo cáo sáng tạo 2022, WAN-IFRA từng khuyến cáo các nhà xuất bản tin tức chuẩn bị cho một tương lai đa màn hình (multi-screen) vì thế hệ trẻ có xu hướng đọc, xem tin tức trên các thiết bị cầm tay. 

Với CMS mới, báo điện tử VietnamPlus là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đăng tải các bài viết, video dạng WebStory, Shorts Video. Tin tức theo dạng ảnh, video không chỉ được hiển thị tối ưu trên điện thoại thông minh mà còn giúp người xem có trải nghiệm không ngắt mạch, tương tự cách trải nghiệm tin tức trên các nền tảng video dọc như: Reels, Shorts hay Tiktok.

Hoàn thiện hệ sinh thái số

Theo Giáo sư truyền thông Eli Noam của Đại học Columbia (Mỹ), “nếu như chúng ta vẫn hay nói nội dung là Vua (Content is King) thì phân phối tin tức phải là Nữ hoàng”. Bài viết hay đến mấy mà tiếp cận được ít độc giả thì khó có thể coi là thành công. 

Nắm bắt được xu thế đó, CMS của VietnamPlus đã mở kết nối thẳng với tài khoản Official Zalo, cho phép gửi thông tin nóng lên trang Zalo chính thức của báo, qua đó có khả năng tiếp cận hàng chục triệu người dùng trên nền tảng nhắn tin này.

CMS mới cũng cho phép thiết lập kênh Podcast kết nối với trợ lý ảo sử dụng tiếng Việt Maika. Theo đó, người sử dụng loa thông minh Olli, hoặc người dùng FPT Play có thể nghe được bản tin báo chí, thông qua cả hai hình thức TTS (biến văn bản thành giọng nói) và người đọc. Một số đơn vị làm thông tin video của TTXVN như báo Việt Nam News đã sử dụng MC ảo để trình bày các bản tin có nội dung đơn giản. 

Mới đây, TTXVN đã ra mắt ứng dụng đọc tự động đa ngữ để nâng cao hiệu quả thông tin và bổ sung tích hợp video vào tin văn bản, ảnh, giúp hoàn thiện hệ sinh thái số trên cổng dịch vụ thông tin của ngành. 

Xây dựng “tư duy sản phẩm”

Phát triển tư duy sản phẩm, coi tác phẩm báo chí không chỉ là dạng văn bản mà là sản phẩm (product) luôn là trọng tâm của các báo điện tử, nhằm tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo, có khả năng thu hút bạn đọc, tăng cường trải nghiệm cho người dùng. Khái niệm “tư duy sản phẩm” cũng được WAN-IFRA đặt ra trong các khóa đào tạo về chuyển đổi số báo chí.

Từ tư duy đó, các toà soạn báo chí số đã thiết lập quy trình sáng tạo các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Điều thuận lợi là CMS hiện đại cho phép sản xuất bài chất lượng cao theo dạng tích hợp nhiều loại hình trong một sản phẩm như longform, megastory.

Chiến lược Mobile First

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Reuters, 55% người đọc trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh là thiết bị chính để truy cập tin tức, so với 23% sử dụng máy tính xách tay. Theo nghiên cứu khác, mọi người dành thời gian cho ứng dụng nhiều gấp bốn lần so với trình duyệt trên thiết bị di động. 
 
VietnamPlus vừa trình làng MiniApp trên nền tảng Zalo cùng bản Progressive WebApp, cho phép người dùng vào thẳng trang VietnamPlus trên phiên bản mobile

Nắm bắt xu hướng này, VietnamPlus đã trình làng MiniApp trên nền tảng Zalo cùng bản Progressive WebApp, cho phép người dùng vào thẳng trang VietnamPlus trên phiên bản mobile bằng lối tắt thông qua icon trên màn hình điện thoại Android thay vì phải vào trình duyệt. Đây là những bước đi nằm trong chiến lược ưu tiên cho thiết bị di động của báo điện tử, nhằm tạo thuận lợi cho người dùng cũng như tăng khả năng tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn.

 Kết hợp trí tuệ nhân tạo

Xu thế tích hợp các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và quản trị tòa soạn là không thể đảo ngược. Các báo điện tử của TTXVN cũng sớm nắm bắt xu hướng này khi tích hợp chức năng gợi ý từ khóa, giúp các biên tập viên thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp, tạo thêm cơ hội cạnh tranh của tin tức chính thống trên các nền tảng tìm kiếm phổ biến như: Google Search, Bing, Cốc Cốc. 

Ngoài ra, các biên tập viên cũng được khuyến khích sử dụng chùm công cụ gồm biến giọng nói thành văn bản (phục vụ bóc băng), biến văn bản thành giọng nói (sản xuất podcast, video) và công cụ tạo ảnh minh họa sử dụng Dall-E, giúp các bài viết sinh động hơn.

Đương nhiên, quy trình này cũng tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt, không vi phạm sự thật khách quan, không tác động tới chủ thể cũng như tuân thủ nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân, không vi phạm bản quyền.

Trên cơ sở đó, báo điện tử VietnamPlus đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp sau:

Thay đổi về nhân sự

Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng tòa soạn số, do tư duy làm báo truyền thống khó đáp ứng những yêu cầu, thách thức mới của kỷ nguyên số.

Báo cáo về chuyển đổi số báo chí do WAN-IFRA phát hành năm 2021 nêu rõ, muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhất là về nhân sự. Khi đó, trong tòa soạn sẽ không chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần mà còn cần thêm các vị trí cho giám đốc sản phẩm, chuyên viên dữ liệu... Chính vì thế, công tác đào tạo phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, cập nhật kiến thức mới cho toàn bộ các cấp, từ cán bộ quản lý tới nhân viên. Việc đào tạo phải gắn với thực hành, tập làm quen với văn hóa A/B testing (thử nghiệm sản phẩm), văn hóa sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định.

Đầu tư cho công nghệ

Để trở thành “tòa soạn tốt nhất thế giới”, trong 5 năm qua, tờ New York Times đã ưu tiên đầu tư vào báo chí, phần mềm, sản phẩm và tiếp thị, đồng thời xây dựng kênh khán giả tự nhiên mạnh mẽ. Ví dụ, một khách truy cập thông thường từ Google được yêu cầu đăng ký để đọc thêm miễn phí, sau đó đăng ký nhận bản tin, tải xuống ứng dụng và chơi thử trò chơi. Sau đó, New York Times sẽ giám sát mức độ tương tác và có thể giới thiệu đăng ký thông qua tất cả các kênh trực tiếp đã kết nối. 

Các chuyên gia gọi cách tiếp cận này là “tăng trưởng dựa trên sản phẩm”. Theo báo cáo thường niên năm 2022, New York Times đã chi 25% tổng chi phí hoạt động cho việc nghiên cứu phát triển. Công nghệ hiện nay đồng hành cùng báo chí, do vậy các tòa soạn cần dành khoản kinh phí nhất định cho việc phát triển, hoặc tìm hướng liên kết với các công ty công nghệ theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi. 

VietnamPlus tiếp tục sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc sản xuất, sáng tạo sản phẩm báo chí số đang phổ biến và ngày càng được các toà soạn khai thác như: Infogram, Flourish (sản xuất infographics), Wochit (sản xuất video), Vbee (biến văn bản thành giọng nói - text to speech), công cụ xác thực thông tin (fact-check), Podcast. Đa dạng hóa sản phẩm báo chí của tòa soạn, đặc biệt trên các nền tảng số, tiến tới việc tăng doanh thu từ video, audio content; đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm báo chí như: MC ảo, text-to-voice, video gắn phụ đề tự động; tăng cường trải nghiệm cho độc giả bằng cách cá nhân hóa trang tin, phát triển các sản phẩm báo chí mới... 

VietnamPlus tiếp tục chú trọng đến các các thiết bị loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói. Việc phát triển loa thông minh đang là xu hướng khi mà độc giả quá bận rộn không có nhiều thời gian xem tivi, lướt mạng, họ có thể ra lệnh bằng thiết bị loa thông minh nghe tin tức thời sự, hoặc nội dung yêu thích bằng điện thoại. VietnamPlus vừa phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn ra mắt sản phẩm loa thông minh áp dụng cho những nội dung tin tức trên VietnamPlus.

VietnamPlus cũng nghiên cứu hợp tác với các công ty gamefi nhằm thử nghiệm nền tảng hội thảo thông minh Metaverse, sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (VR, AR) để phát triển sản phẩm cũng như hình thức kinh doanh mới của tòa soạn.
Phát triển mô hình kinh tế báo chí bền vững

Chuyển đổi số thực chất phải gắn liền với đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí. WAN-IFRA cho rằng chuyển đổi số giúp các cơ quan báo chí tìm ra những mô hình tăng nguồn thu mới bù đắp cho những nguồn thu truyền thống ngày càng teo tóp. Do đó, để có chi phí đầu tư vào công nghệ, các tòa soạn cần đa dạng hóa nguồn thu, mở hướng kinh doanh dựa trên sản phẩm thế mạnh của mình, trong đó có doanh thu từ công chúng báo chí qua thu phí, tổ chức sự kiện, chiến dịch truyền thông với các sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng phát trên nhiều kênh và đa nền tảng, kinh doanh dữ liệu..../.
(Trích tham luận của TTXVN tại Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, ngày 7/12/2023)

Trần Tiến Duẩn - Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 12/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Dùng công nghệ để đối phó với công nghệ (04/12/2023 12:39:13)

Chuyển biến trong thực hiện thông tin liên vùng (23/09/2023 21:49:39)

Tương lai của truyền thông thế giới (29/12/2022 11:13:18)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Tăng thu nhập cho phóng viên thường trú (02/12/2022 14:09:51)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Sửa chữa, xây mới nhiều trụ sở (02/12/2022 14:08:53)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Đầu tư trang thiết bị hiện đại (02/12/2022 14:08:06)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cụm (02/12/2022 14:07:24)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Mỗi cơ quan thường trú là một đơn vị báo chí chủ lực tại địa bàn (02/12/2022 12:07:48)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Vai trò của cấp ủy trong chỉ đạo các tuyến thông tin “nóng”  (02/12/2022 12:06:28)

Mười năm thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng ủy TTXVN về cơ quan thường trú: Tăng cường mối quan hệ với chính quyền địa phương (02/12/2022 12:05:46)