Thứ tư, ngày 17/04/2024

Tin tức trong ngành

Kết nối tình yêu Hà Nội


(03/11/2020 14:26:51)

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 do báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, ngày 7/10, gần như “liền tù tì” với Giải thưởng Dế Mèn, chỉ sau một tuần lễ, trong điều kiện “không thể gấp gáp hơn” với rất nhiều thứ rơi vào thế bị động. Thế nhưng, đây lại là mùa giải thành công nhất bởi vô vàn sự kết nối bất ngờ và thú vị, thực sự đi vào lòng người, kết thúc một tuần lễ sự kiện nối tiếp sự kiện.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm tranh và ảnh “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái”

Đó là tuần lễ mà cả hai sự kiện đều có rất đông người tham dự (Giải Dế mèn khoảng 400 người còn Giải Bùi Xuân Phái gần 300 người dự khai mạc triển lãm và khoảng gần 100 người dự lễ trao giải), đòi hỏi sự cố gắng vượt bậc, đầy khoa học và chuyên nghiệp của đơn vị tổ chức trong bối cảnh nhân sự rất ít ỏi.
 
Sở dĩ báo Thể thao và Văn hóa bị “dồn toa” hai sự kiện vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2020 phần lớn bởi lý do khách quan đại dịch COVID-19. Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần đầu tiên tổ chức bị kẹp giữa hai đợt dịch và phải lui lại đến trước Trung thu, tức ngày 29/9 thay vì trao ngay vào Tết thiếu nhi 1/6. Trong khi đó, giải thưởng thường niên Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã chấm xong từ ngày 21/7 nhưng cũng không thể trao vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Bùi Xuân Phái (1/9/1920-1/9/2020), bởi đợt dịch thứ hai còn chưa kết thúc. Báo Thể thao và Văn hóa đã phải chuẩn bị trước cả phương án trao giải trực tuyến như đã làm với Giải âm nhạc Cống hiến hồi đầu năm.
 
Sự lo lắng còn tăng lên từng ngày bởi nhân vật chính của mùa giải năm nay là nhạc sỹ Phú Quang, sinh năm 1949, người trẻ tuổi nhất được vinh danh Giải thưởng Lớn-Vì tình yêu Hà Nội, sau những tên tuổi gạo cội đều rất cao tuổi, thậm chí xuýt soát tuổi 100. Dù trẻ hơn, đương đại hơn các nhân vật tiền bối, nhưng điều đáng tiếc là nhạc sỹ Phú Quang lại không thể đến nhận giải vì lý do sức khỏe.
 
Theo thông tin hồi tháng 7,  bệnh tình Phú Quang đã rất nặng, nếu lễ trao giải vẫn tiếp tục phải tạm hoãn vô thời hạn thì rất dễ trở nên quá muộn. Đương nhiên, không phải vì sợ Phú Quang không xuất hiện khiến lễ trao giải kém vui. Mà bởi, tôn vinh một ai đó vào lúc người đó đang lâm trọng bệnh, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận, thậm chí đôi khi còn khiến người trong cuộc cảm thấy chạnh lòng vì cho đó là sự vớt vát.
 
Ở Giải thưởng Bùi Xuân Phái thì hoàn toàn khác, với những đóng góp của mình, nhạc sỹ Phú Quang hoàn toàn xứng đáng với Giải thưởng Lớn và lẽ ra đã được trao từ rất lâu rồi. Thậm chí, ngay từ năm 2008, khi sáng lập Giải thưởng, ông là người đầu tiên được mời vào Hội đồng giám khảo, bởi nhạc sỹ “Hà Nội phố” giống như “ngọn cờ biểu tượng” cho tình yêu Hà Nội, trữ tình, lịch lãm mà cũng rất đại chúng. Suốt 12 mùa giải đã qua, vì có nhiều tên tuổi gạo cội cũng cần phải chạy đua với thời gian để trao, nên Phú Quang vẫn giống như “của để dành” của Giải.
 
Phó tổng giám đốc Vũ Việt Trang và các đại biểu xem triển lãm

Rất may, sau khi bày tỏ chân thành với gia đình nhạc sỹ Phú Quang, Ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Nhạc sỹ đã kiên cường chống chọi với bệnh tật nhưng chưa thể gượng dậy để đến nhận giải, chỉ có anh trai nhạc sỹ là Nguyễn Phú Ân, vợ là Trịnh Anh Thư và con gái là nghệ sỹ Piano Trịnh Hương đến nhận thay. Nhưng họ đã khóc trên sân khấu, với niềm xúc động sâu sắc, như lời anh Nguyễn Phú Ân: “Giá Phú Quang ở đây!”. Còn chị Trịnh Anh Thư không giấu nổi nghẹn ngào: “Tôi cảm ơn gia đình họa sỹ Bùi Xuân Phái cùng Ban tổ chức đã dành cho chúng tôi và nhạc sỹ Phú Quang một đặc ân. Tôi hy vọng giải thưởng ngày hôm nay sẽ trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh giúp anh vượt qua khó khăn, bệnh tật”.
 
Có thể nói, quyết định trao giải cho nhạc sỹ Phú Quang đã mở ra giai đoạn mới của giải thưởng, hướng tới những gương mặt trẻ trung hơn, đương đại hơn trong đời sống văn hóa nghệ thuật, sau hơn một thập kỷ chủ yếu tìm kiếm những gương mặt của một thời (cũng là “mọi thời”).
 
Kết quả của Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay vì thế có sức lay động mạnh mẽ hơn. Nhà văn trẻ người Serbia, tác giả Phố Nhà Thờ - cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Việt của một người nước ngoài - đã giành Giải Tác phẩm, cho thấy, giải thưởng không chỉ thể hiện tình yêu Hà Nội mà còn cả tình yêu với tiếng Việt.
 
Bên cạnh một dự án nghệ thuật làm đẹp thành phố dễ thấy - Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, Giải Việc làm còn trao cho một hành động lặng thầm, không phải ai cũng nhìn ra khía cạnh yêu Hà Nội sâu xa của họ. Đó là nhóm Nhân sỹ Hà Đông với việc dâng tặng lại các sắc phong bị thất lạc cho rất nhiều đình, đền ở Hà Nội. Một giải thưởng nhỏ cho những nhân sỹ vốn không thích thú gì với việc phải lên truyền thông nhưng đã khiến họ vô cùng cảm động bởi mấy chữ “Vì tình yêu Hà Nội”, nói lên những gì họ tâm huyết nhất trong nhiều năm qua.
 
Cuối cùng thì một câu hỏi không thể không đặt ra với bất kỳ đơn vị tổ chức sự kiện nào, ấy là “tốn bao nhiêu”? Trong một năm mà dịch COVID-19 hoành hành cộng với những thay đổi trong bộ máy chính quyền Hà Nội, thì việc tìm nguồn kinh phí để duy trì giải thưởng là rất khó khăn. Phần lớn kinh phí do báo Thể thao và Văn hóa tự bỏ ra (Quỹ của gia đình họa sỹ Bùi Xuân Phái có khoảng 40 triệu). Ngoài số tiền thưởng 35 triệu, cùng những chi phí cho khâu “cờ đèn kèn trống”, hầu hết các hoạt động phụ trợ đều được văn nghệ sỹ tự nguyện ủng hộ. Ca sỹ Tấn Minh đến hát trong buổi lễ tôn vinh nhạc sỹ với tinh thần ủng hộ người anh, người chú Phú Quang. Họa sỹ Văn Dương Thành, học trò của Bùi Xuân Phái, mang đến 20-30 bức tranh, trong đó có những ký họa vô giá của danh họa mà bà đang sưu tầm. Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa cũng tự nguyện lục kho phim của mình, tuyển chọn 101 bức ảnh về Bùi Xuân Phái, hầu hết chưa được công bố, để đem tới triển lãm... Và còn rất nhiều văn nghệ sỹ, nhà văn hóa, quan chức ngoại giao... đã nhiệt tình tới tham dự. Đằng sau mỗi bức tranh, bức ảnh, những gương mặt xuất hiện trong lễ trao giải là những câu chuyện đầy cảm xúc về cuộc đời, sự nghiệp Bùi Xuân Phái, về tình yêu Hà Nội của ông, mà Giải thưởng đã đánh thức và kết nối.
 
Quang cảnh buổi lễ trao giải

Nhìn lại những giọt nước mắt, những niềm vui hân hoan, những câu chuyện say sưa, bồi hồi của người đến tham dự... chúng tôi hiểu rằng, hơn tất cả là tạo ra được một ngày hội thường niên để mọi người đến dự và tự kết nối với nhau trong cảm thức chung - Vì tình yêu Hà Nội./.

Nội san Thông tấn số 10/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giành giải A Liên hoan ca khúc cách mạng (03/11/2020 14:25:19)

Viết tiếp những trang sử vàng (03/11/2020 14:24:10)

Thế hệ phóng viên “em út” (03/11/2020 14:21:04)

Thông tấn xã “lưu động” (03/11/2020 14:19:32)

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm (03/11/2020 08:42:26)

Tập huấn "Bình đẳng giới - Yêu thương và chia sẻ” (03/11/2020 08:34:32)

Bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng II (03/11/2020 08:31:46)

Xúc động khoảnh khắc phóng viên TTXVN tại Trà Leng (31/10/2020 23:04:53)

Tọa đàm “Báo chí Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam” (29/10/2020 09:57:44)

600 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung (23/10/2020 16:50:30)