Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhớ về những khoảnh khắc lịch sử


(04/05/2021 15:14:17)

Những bức ảnh lịch sử thường gợi nhớ về quá khứ, đặc biệt là những bức ảnh chiến tranh. Đã 46 năm trôi qua từ ngày giải phóng, khoảng thời gian không nhỏ đối với một đời người, nhưng tâm trạng xúc động, bồi hồi vẫn trở lại với những người trong cuộc. Hai màu đen trắng của những bức ảnh chiến trường, với nhiều người, đã trở thành một phần cuộc sống, một phần tâm hồn của họ. Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu bài viết của nhà báo Vũ Đức Tân về những khoảnh khắc không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng (giữa) cùng các phóng viên Văn Bảo và Trần Mai Hạnh tại Lò Gò, chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, tháng 4/1975

Chúng ta cần nhớ lại quyết định sáng suốt của những người chỉ huy quân sự vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Những bước đi lịch sử cực kỳ nhanh chóng. Trong khi máy bay Mỹ vẫn ném bom hủy diệt thì kế hoạch giải phóng miền Nam đã được đưa lên bàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta đã thành lập các quân đoàn, tạo ra những mũi nhọn đột phá, khi thời cơ đến là kịp thời giải phóng miền Nam. 
 
Những hình ảnh ghi lại phút giây lịch sử ấy thật đúng là “khao khát trăm năm mãi đợi chờ”. Nhà nhiếp ảnh Thanh Phong ghi lại hình ảnh lính ngụy kinh hoàng bỏ chạy, vứt lại quân trang, quân dụng kín mặt đường. Đoàn quân giải phóng đi đến đâu là người dân ở đó ùa ra đón. Một không khí hồ hởi, tưng bừng! Xe tăng ta đi đâu là tiếng vang, tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay đến đấy. Đường Lê Văn Duyệt không đủ sức chứa nổi đoàn quân. Màu đỏ rực của hàng ngàn lá cờ tung bay rợp bóng phố phường. Trong Phủ tổng thống ngụy, hàng chục xe tăng dàn thành thế trận trước sân tòa nhà lớn. Trên nóc tòa đại sứ Mỹ, nhà nhiếp ảnh Xuân Liễu ghi được hình ảnh lá cờ Mỹ rơi bên những chiếc mũ sắt vứt ngổn ngang. Những bức ảnh ghi lại phút giây lịch sử ấy mãi mãi là những tư liệu sống động, vô giá trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. 
 
Các nhà báo, nhà nhiếp ảnh trong tổ mũi nhọn Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) (nay là Thông tấn xã Việt Nam -TTXVN) vô cùng biết ơn Thiếu tướng Trần Bình, người đã tạo điều kiện cho các anh cùng đi với mũi tấn công của quân đoàn. Vào thời khắc lịch sử ấy, thật khó có ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Nếu không có ý thức lịch sử của những người chỉ huy quân đội thì những nhà báo cầm máy ảnh khó có thể tác nghiệp dễ dàng và mang lại hiệu quả. May thay, lịch sử đã cho họ gặp gỡ nhau và cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Giữa bốn bề âm thanh náo nhiệt, tưng bừng của dòng người đổ ra các ngả đường là hình ảnh của lá cờ chiến thắng tung bay khắp thành phố.
 
Tác phẩm “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”, tác giả Văn Bảo, chụp tại xóm Chiếu, khu Tân Thuận, Sài Gòn, ngày 30/4/1975

Đã hàng chục năm đất nước ta không còn cảnh chiến tranh. Nhưng mỗi khi nhìn lại những bức ảnh lịch sử, lòng chúng ta lại rộn lên bao nhiêu ký ức sống động. Những hình ảnh ác liệt được ghi từ các cuộc chiến, nơi những người lính băng mình qua lửa đạn, những thế hệ đã viết lên những trang sử tuyệt đẹp của dân tộc. Để làm được điều đó, trong thời điểm ác liệt nhất, những nhà nhiếp ảnh cũng phải có mặt tại chiến trường. Cùng với các chiến sỹ, họ là những người đối diện trực tiếp với đạn bom. Họ cùng xung phong lên chiến hào, tham gia các trận đánh, bươn trải, vượt qua mọi khó khăn trên mặt trận. Và sau đó, bằng con đường nhanh nhất, họ tìm cách chuyển ảnh về cơ quan. Những nhà nhiếp ảnh quân đội, những nhà nhiếp ảnh chiến tranh của TTXVN không chỉ mang về những tin tức nóng hổi của chiến trường, họ còn mang về niềm tin vào cuộc chiến. Và trong số họ, đã có những người không đến được với ngày toàn thắng. Trong số gần 260 liệt sỹ của TTXVN có hơn 40 phóng viên ảnh đã ngã xuống tại các chiến trường. Mỗi ký ức như được làm mới lại theo thời gian và ở từng góc độ lịch sử, chúng càng được sáng tỏ hơn. Để có được những bức ảnh, những nhà nhiếp ảnh phải có mặt vào thời điểm xảy ra cuộc chiến. Không ai có thể thay thế họ! 
 
Họ là những con người bình dị, chung thủy với nghề nghiệp của mình. Người là phóng viên, người là chiến sỹ, không hẹn mà gặp nhau tại Sài Gòn - điểm hẹn lịch sử. Không chỉ nghề nghiệp mà chính ký ức đã gắn bó họ lại trong một bức tranh chung của lịch sử chiến trận. Họ là những nhân chứng và ký ức của họ được lưu lại trong những bức ảnh và nhờ thế, chúng vẫn còn ở lại với thời gian.
 
Trong một ngõ nhỏ cuối đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai (Hà Nội), chúng tôi tìm đến địa chỉ của nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Gia đình ông là một gia đình đam mê với nhiếp ảnh và nhiếp ảnh cũng là sự nghiệp của cả đời ông. Ông là một trong những phóng viên ảnh VNTTX đã có mặt vào thời điểm 30/4/1975 tại Sài Gòn. Những kỷ niệm như vẫn còn rất tươi mới trong ông. Ký ức đã khảm khắc vào lịch sử và không thể quên được. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành theo tổ mũi nhọn của VNTTX rời Hà Nội ngày 26/3 và ngày 30/4/1975, ông đã có mặt tại Sài Gòn. Những bức ảnh của ông và các đồng nghiệp: Văn Bảo, Hồng Long, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Hoàng Thiểm và Mai Hưởng đã kịp thời được đăng tải trên báo Nhân dân và phát ra nước ngoài.
 
Đinh Quang Thành đã chụp được nhiều bức ảnh có giá trị cả về tư liệu lịch sử và nghệ thuật.
 
Tác phẩm “Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng”, tác giả Đinh Quang Thành, tháng 4/1975

Nhiều nhà nhiếp ảnh khác, đi theo những con đường khác nhau cũng kịp đến Sài Gòn trong thời khắc lịch sử. Và họ đã cùng vui trong ngày chiến thắng với nhân dân Sài Gòn.
 
Nhà nhiếp ảnh Văn Bảo (1930-2005), nguyên Phó tổng thư ký Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, đã dành cả đời gắn bó với chiếc máy ảnh. Nhiếp ảnh là phần quan trọng nhất trong cuộc sống của ông. Văn Bảo đã có nhiều lần được gặp Bác Hồ. Trong nhà ông có treo một bức ảnh chụp ông cùng các nghệ sỹ nhiếp ảnh đang quây quần bên Bác. Thời chiến tranh, Văn Bảo là một nhà nhiếp ảnh xông xáo của VNTTX. Ông đã có mặt vào nhiều thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Nhiều kỷ vật trong ngôi nhà này là kỷ vật chiến trường. Những bức ảnh thời chiến của ông đã giành được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế lớn.
 
Văn Bảo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cùng với đồng chí Đào Tùng, Tổng biên tập VNTTX. Phải nói rằng, chính các nhà nhiếp ảnh Thông tấn đã kịp thời đưa hình ảnh nhanh nhất về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giờ đây nhìn lại, chúng ta càng thấy rằng, đây là một cố gắng lớn mà phải là những người thật am hiểu nghề nghiệp mới có thể nắm bắt được. Tin, bài nhanh và chính xác nhất vẫn là yêu cầu hàng đầu. 
 
Nhà nhiếp ảnh Hứa Kiểm là phóng viên Thông tấn quân sự tại VNTTX, cũng có mặt vào thời điểm lịch sử ấy tại Sài Gòn. Đó cũng là dấu ấn sống động nhất của ông trong toàn bộ cuộc chiến.
 
Một trong những người chụp được chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập là Trần Mai Hưởng. Anh vào Huế từ cuối tháng 3, ghi nhanh bài Huế đỏ cờ bay vào ngày Huế và Thừa Thiên giải phóng. Anh cũng vào Đà Nẵng ghi lại những giây phút của ngày đầu giải phóng 29/3/1975. Sau đó, anh vào Quy Nhơn và thẳng tiến tới Sài Gòn. Bức ảnh Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975 của anh trở thành một biểu tượng đẹp của cuộc chiến tranh giải phóng. Đã có nhiều bài viết về bức ảnh lịch sử này nhưng điều không thể phủ nhận, đây là một bức ảnh đẹp, mang tính biểu tượng về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
 
Tác phẩm “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975”, tác giả Trần Mai Hưởng

Trần Mai Hưởng chụp bức ảnh khi vừa đến Dinh Độc Lập. Sau khi chụp xong, anh gửi phim về Hà Nội và mãi sau này mới biết, bức ảnh lập tức được phát hành rộng rãi và trở thành một trong những bức ảnh khá tiêu biểu về thời khắc lịch sử do người Việt Nam chụp. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bức ảnh là một dấu ấn khá nổi trội. Thật khó tin là bức ảnh do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp lúc 23 tuổi. Anh là phóng viên tin, là người cầm máy không chuyên. Bức ảnh đã trở thành kỷ niệm đẹp của anh với chiến dịch và với tuổi trẻ của mình.
 
Ngày 30/4/1975 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam. Nó mãi mãi tươi mới trong ký ức của những người trong cuộc và nó cũng mãi mãi sống trong tâm thức của thế hệ mai sau. Có mặt trong ngày lịch sử đó là một hạnh phúc. Những bức ảnh là nhân chứng chân thực nhất. Những hình ảnh tư liệu giản dị lại giàu sức sống, ghi lại đỉnh cao của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, chính nghĩa và giàu sáng tạo. Đó là những khoảnh khắc còn mãi với lịch sử.
 
(Trích trong cuốn “Thông tấn xã Việt Nam với Đại thắng mùa Xuân 1975”)

Vũ Đức Tân
Nội san Thông tấn số 4/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng (04/05/2021 15:10:10)

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021): Nhà báo Trần Thanh Xuân nghị lực và ý chí kiên cường (04/05/2021 14:56:30)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng quý II (04/05/2021 14:24:40)

Bản nghèo trên đỉnh núi (04/05/2021 14:22:18)

Giới thiệu kỹ năng chụp ảnh tại Bệnh viện Xanh Pôn (04/05/2021 14:21:22)

“Hãy tỉnh táo và luôn nghi ngờ” để loại trừ tin giả (04/05/2021 14:20:31)

Làm căn cước công dân gắn chip cho cán bộ, phóng viên (04/05/2021 11:27:56)

Tầm soát ung thư cho nữ công chức, viên chức (04/05/2021 11:26:57)

Tiếp đoàn công tác Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật  (27/04/2021 19:02:05)

Kỷ niệm 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2021): Thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên (23/04/2021 15:33:15)