Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Nhớ thương anh Nguyễn Đức Hoằng


(03/08/2023 14:34:17)

Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Đức Hoằng (1942-1974) thuộc lứa phóng viên đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) được cử vào Nam công tác ở Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) từ đầu năm 1965. Gần 10 năm ở chiến trường, anh Hoằng đã đi qua những tháng ngày gian khổ nhất, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 6/8/1974, anh hy sinh sau trận bom của quân Ngụy tại thị trấn Lộc Ninh, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Sự hy sinh của anh làm dấy lên làn sóng căm phẫn của báo giới hai miền Nam - Bắc, lên án Ngụy quyền Sài Gòn. Anh là phóng viên cuối cùng của TTXGP hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi ngày chiến thắng đã cận kề.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoằng (đứng ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp TTXGP trong chiến dịch Mậu Thân, năm 1968

1. Có rất nhiều lý do thúc giục tôi viết đôi điều về nhà báo liệt sĩ Nguyễn Đức Hoằng - một nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung và sự nghiệp Thông tấn nói riêng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi và anh tuy là hai thế hệ, nhưng đều cùng tốt nghiệp khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó vào công tác ở TTXGP tại vùng căn cứ Tây Ninh, thuộc miền Đông Nam bộ. 

Tôi cùng quê Hà Bắc (cũ) với anh và là một trong những thành viên tham gia vào việc đưa hài cốt của anh, sau hơn 20 năm hy sinh (năm 1996), về án táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (khi đó tôi là Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Hà Bắc). Sống và làm việc cùng anh chỉ hơn một năm (từ đầu năm 1973 đến tháng 8/1974) nhưng tôi không bao giờ quên được những tình cảm chân thành, ấn tượng tốt đẹp về anh.

Anh Nguyễn Đức Hoằng thuộc lứa phóng viên đầu tiên vào Nam công tác ở TTXGP đầu năm 1965. Cùng với anh còn có các anh: Nguyễn Đức Giáp (sau này là Phó tổng giám đốc), Hoàng Hòe (Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa), Bảy Khiết, Trọng Linh, Hoàng Lượng, Trần Ấm, Lê Đình Khuyến… Các anh chị đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng. Điều này thôi thúc tôi cầm bút viết về anh, với một tình cảm vô cùng tiếc nhớ, yêu thương và trân trọng. Mong rằng, các thế hệ phóng viên nối tiếp sẽ có được đôi điều tưởng nhớ về anh!

Chỉ một vài ngày trước lúc đi xa, anh cho tôi xem bức thư của chị Thuận - người bạn yêu quý của anh đã nhiều năm chung thủy đợi chờ. Chị Thuận khát khao ngày anh trở lại. Chị tin vào ngày thống nhất, tin vào tình cảm son sắt của anh. Lá thư chị Thuận viết cho anh, anh nhận được chỉ vài ngày trước khi ra sân bay Lộc Ninh để đưa tin về sự kiện ngụy quyền Sài Gòn trao trả tù binh cho đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thư có dòng thơ đằm thắm:

Người Hà Nội, Người Sài Gòn cùng chung ánh trăng
Người Hà Nội, Người Sài Gòn cùng chung ý nghĩ
Em xa anh đã mấy mùa thu…

Chỉ sau hơn một ngày được anh chia sẻ niềm vui từ lá thư này, tôi bàng hoàng nhận được thông tin từ Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam tố cáo chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, ném bom sát hại đồng chí, đồng bào, trong đó có nhà báo TTXGP Nguyễn Đức Hoằng. Cũng chính vào thời gian ấy, anh Hoằng có quyết định ra Bắc an dưỡng, điều trị sau gần 10 năm công tác ở miền Nam. Anh dự định làm tin trao trả tù binh xong rồi sẽ lên đường. Không ngờ, anh đã vĩnh viễn nằm lại ở nơi chiến trường!

2. Gần 10 năm ở chiến trường, anh Hoằng đã đi qua những tháng ngày gian khổ nhất, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh và đồng nghiệp thường xuyên bám sát các sư đoàn 5, 7, 9 Quân giải phóng, chiến đấu quyết liệt trong các chiến dịch bình định, tìm diệt của Mỹ ngụy, mùa khô 1966-1967. Những trận càn ác liệt với quy mô sư đoàn như trận càn của sư đoàn 25 Mỹ với tên gọi Tia chớp nhiệt đới; trận càn Túc Sơn - Minh Thạnh - Bến Củi của sư đoàn số 1 “Anh cả đỏ” trong chiến dịch Junction City; hay chiến dịch Xuân hè năm 1972 tiến công giải phóng thị xã An Lộc (Bình Phước), tiêu diệt địch trên tuyến quốc lộ 13,… anh Hoằng đều có mặt, đưa tin kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường. 

Gắn bó với người chiến sĩ, tận mắt chứng kiến thất bại của kẻ thù, có cái nhìn sâu sắc về cục diện của cuộc chiến, về tư tưởng bi quan, tuyệt vọng của sĩ quan, binh lính ngụy, anh Hoằng đã có rất nhiều phóng sự đặc sắc để lại cho nền báo chí cách mạng thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam. Các bài viết: “Đêm cuối trời Việt Nam hóa chiến tranh”, “Hoàng hôn đen sạm trên vai người lính dù Sài Gòn”, “Cắm cờ trên căn cứ Téc - Ních”… đã phản ánh hết sức sinh động khí thế chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của quân và dân ta, tinh thần rệu rã, lo âu, tuyệt vọng của quân đội Việt Nam Cộng hòa và quan thầy của chúng. Những bài viết của anh là những tác phẩm báo chí tiêu biểu, để lại ấn tượng sâu sắc và sống mãi trong kí ức của những người đã đi qua chiến tranh, đặc biệt là những đồng nghiệp cùng lứa cùng thời. Đó là kết tinh của sự hy sinh, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của anh trên lĩnh vực báo chí và tư tưởng. Với hàng trăm tin, bài, trong đó có những tác phẩm đặc biệt có giá trị, Nguyễn Đức Hoằng đã đi vào lịch sử báo chí Việt Nam như một tấm gương, một nhân chứng trung thực, trung kiên và cao quý.

3. Nguyễn Đức Hoằng hy sinh khi mới tròn 32 tuổi và cũng là phóng viên cuối cùng của TTXGP hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh có nhiều dự định, ước mơ rằng sẽ ghi chép, tích lũy thật nhiều tư liệu để sau này có thể sáng tác những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật sinh động sau chiến tranh. Cuốn nhật ký của anh dày hơn 300 trang, ghi chép tỉ mỉ, chi tiết diễn biến từng trận đánh, từng chiến dịch, trong đó có cả đề cương của những bài viết tiếp theo, những lá thư cá nhân gửi cho cơ quan, đơn vị quân đội, bạn bè cả ở miền Bắc thân thương và chiến trường đạn bom ác liệt. Anh ghi chép cả tâm tư, tình cảm, cuộc đời, số phận của không ít người lính, sĩ quan ngụy quyền Sài Gòn trước một viễn cảnh tương lai mờ tối của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ cũng chính là nạn nhân bi thảm. Tiếc thay, những dự định đó của anh đã không thực hiện được. Cuốn nhật ký của anh là tư liệu quý với rất nhiều thế hệ phóng viên, đặc biệt với những người quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc kháng chiến có quy mô lớn nhất, lâu dài và ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc.

Đã gần 50 năm kể từ ngày nhà báo Nguyễn Đức Hoằng vĩnh biệt chúng ta. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin được thắp một nén tâm nhang bày tỏ tấm lòng nhớ thương, kính trọng đối với anh - một nhà báo liệt sĩ trung kiên./.
 
Nhà báo liệt sĩ NGUYỄN ĐỨC HOẰNG (1942-1974)

- Quê quán: xã Lan Giới, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

- Năm 1965, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được tuyển vào Lớp phóng viên khóa IV của VNTTX, trở thành phóng viên chiến trường của TTXGP.

- Năm 1972, trải qua 150 ngày đêm máu lửa ở chiến dịch Đường 13 với 16 bài phóng sự, tường thuật những trận đánh nổi tiếng về mặt trận Lộc Ninh - Chơn Thành.

- Năm 1973, được bổ nhiệm làm Trưởng phân xã TTXGP tại Lộc Ninh ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

- Ngày 6/8/1974, hy sinh sau trận ném bom của quân Ngụy Sài Gòn tại thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. 

- Ông là phóng viên cuối cùng của TTXGP hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi ngày chiến thắng đã cận kề.

Đàm Đình Dũng
Nội san Thông tấn số 7/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt (02/08/2023 15:46:23)

Tôi đi làm World Cup bóng đá nữ (02/08/2023 15:43:34)

Trao quyết định bổ nhiệm Ban chỉ huy quân sự TTXVN (28/07/2023 16:31:33)

Công tác thi đua đổi mới, thiết thực và lan tỏa (28/07/2023 16:28:02)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2023 15:09:50)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Dâng hương tại Bia tưởng niệm liệt sĩ TTXGP Trung Trung bộ (26/07/2023 11:34:55)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Cựu chiến binh TTXVN về nguồn tại Nghệ An (26/07/2023 10:24:53)

TTXVN sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ chính trị (25/07/2023 20:14:28)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: TTXVN và KPL cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (24/07/2023 21:22:56)

Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mới với Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) (24/07/2023 21:22:12)