Thứ tư, ngày 03/07/2024

Truyền thống

Ký ức Thông tấn


(03/07/2024 09:34:51)


Phân xã Nam Tây Nguyên trúng bom tọa độ, 5 đồng chí hy sinh
 

Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu bên chiếc máy thu phát 15W, hiện vật còn sót lại của Phân xã Nam Tây Nguyên sau trận bom ngày 13/6/1970. Ảnh chụp năm 1995

Ngày 13/6/1970, giữa cánh rừng giáp biên giới Campuchia, bên bờ sông Đắk Seang, 5 thành viên của Phân xã Nam Tây Nguyên - TTXGP khu 10 đang phát tin về Tổng xã TTXGP thì bất ngờ bị máy bay B57 của Mỹ phát hiện và ném bom chùm tọa độ. Chiếc máy thu phát 15W bị vùi sâu trong lòng đất. Cả 5 đồng chí đều hy sinh. Đó là các đồng chí: Nguyễn Thành (tức Thành Râu), sinh năm 1936, quê Tiền Hải, Thái Bình; Nguyễn Ngọc Công (tức Bắc Việt), sinh năm 1943, quê Nho Quan, Ninh Bình; Nguyễn Văn Lộc (tức Giàng A Lộc, Nguyễn Mượn) sinh năm 1943, quê Phù Cát, Bình Định; Nguyễn Tiến Đạt sinh năm 1940, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi và Trần Văn Tửu (tức Lê Văn Tửu), sinh năm 1950, quê Đồng Phú, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).
 
Người duy nhất của Phân xã Nam Tây Nguyên may mắn sống sót do lúc đó đang đi chữa bệnh là điện báo viên Nguyễn Trung Hiếu (tức Bảy Hiếu, bút danh Trung Tín), sau là Trưởng phân xã Nam Tây Nguyên, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé.
 
Đầu năm 1971, cùng với một số đồng nghiệp Ban thông tin liên lạc T10, ông Hiếu cắt đường rừng lần tìm về căn cứ. Chứng kiến cảnh tượng tan hoang, được tin 5 đồng chí hy sinh đã được một đơn vị bộ đội hành quân ngang qua chôn cất, ông gạt nước mắt, đào bới đất đá và tìm thấy chiếc máy thu phát 15W vùi lấp dưới hầm trú ẩn, bị mảnh bom xuyên thủng, bật tung nắp. Thấy chiếc máy vẫn còn tín hiệu thu phát, ông sửa lại, lắp pin rồi lên sóng liên lạc với TTXGP và Quân khu 10. Tin đầu tiên phát đi chính là thông báo 5 thành viên trong Phân xã đã hy sinh, xin tăng cường người và đề nghị được tiếp tục liên lạc với Tổng xã. Phân xã Nam Tây Nguyên chính thức được hồi sinh sau gần một năm đứt sóng.
 
Năm 1996, được sự giúp đỡ của nhân dân, chính quyền và bộ đội địa phương, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tìm được hài cốt của 5 liệt sĩ. Hài cốt của hai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Công và Nguyễn Thành được đưa ra Bắc. Hài cốt của ba liệt sĩ: Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Tiến Đạt và Trần Văn Tửu được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương.
 
Ra mắt Tin tức Buổi chiều
 
Tờ Tin tức Buổi chiều số 2 ngày 18/6/1991

Ngày 7/6/1991, Tổng giám đốc Đỗ Phượng đã ký Quyết định số 147/QĐCB thành lập Ban biên tập báo Tin tức Buổi chiều, cử Phó tổng giám đốc Hồ Tiến Nghị làm Tổng biên tập và ra mắt số đầu tiên của Tin tức Buổi chiều với chữ ký của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đúng vào ngày khai mạc kỳ họp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, ngày 17/6/1991.
 
Đây được coi là một quyết định bước ngoặt, cho ra đời một tờ báo ngày, phát hành vào buổi chiều nhằm cập nhật những tin tức trong nước diễn ra buổi sáng và những tin tức nước ngoài, đặc biệt là tin tức từ châu Âu diễn ra chiều và tối hôm trước, do chênh lệch múi giờ mà các báo buổi sáng không kịp đưa tin.
 
Ngay từ những số đầu tiên, nguồn tin của Tin tức Buổi chiều đã tương đối phong phú do được cập nhật từ mạng lưới 53 phân xã trong nước và 18 phân xã ngoài nước; cùng với tin của các cơ quan thông tấn, báo chí hàng đầu thế giới và khu vực. Sau hơn 3 tháng xuất bản, số lượng phát hành của Tin tức Buổi chiều lên tới 12 vạn bản/ngày, thậm chí có những ngày lên tới 17 vạn bản khi có những thông tin về chính biến ở Liên Xô cũ, tháng 8/1991.
 
Ngày 13/11/1998, Tổng giám đốc Hồ Tiến Nghị đã ký Quyết định hợp nhất tòa soạn Tuần Tin tứcTin tức Buổi chiều thành tòa soạn báo Tin tức./.

Nội san Thông tấn số 6/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

50 năm bản tin tiếng Tây Ban Nha (04/06/2024 14:19:59)

Ký ức Thông tấn (03/05/2024 16:44:24)

Ký ức Thông tấn (01/04/2024 16:35:33)

Những kỷ vật đi cùng năm tháng (19/01/2024 08:59:19)

Kỷ niệm 25 năm thành lập Ban biên tập tin Kinh tế (19/11/1998-19/11/2023): Truyền thống và kết nối (05/12/2023 21:26:32)

Kỷ niệm 15 năm thành lập báo điện tử VietnamPlus (13/11/2008-13/11/2023): Giữ vững vị thế báo điện tử đối ngoại quốc gia (05/12/2023 21:24:54)

Kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2023): Vừa hành quân vừa phát tin chiến thắng (07/11/2023 08:30:02)

Ký ức Thông tấn  (02/11/2023 15:28:04)

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022: Nhà báo Đinh Quang Thành - Trọn vẹn tình yêu nhiếp ảnh (05/10/2023 08:11:46)

Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống TTXVN (15/9/1945-15/9/2023): Vững lái trên “biển lớn” thông tin (04/10/2023 09:37:44)