Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Chân dung nhà báo

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022: Nhà báo Đinh Quang Thành - Trọn vẹn tình yêu nhiếp ảnh


(05/10/2023 08:11:46)

Đinh Quang Thành sinh ra tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, là em ruột nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định, người may mắn có 15 năm là phóng viên chuyên trách chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến khu Việt Bắc và sau hòa bình ở Thủ đô Hà Nội. Đinh Quang Thành bước vào nghề nhiếp ảnh và được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đào tạo trở thành phóng viên ảnh từ đầu những năm 1960. Năm 2022, nhà báo Đinh Quang Thành vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước với cụm tác phẩm ảnh Địch phá ta cứ đi.

Phóng viên Đinh Quang Thành (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tại Sài Gòn sau ngày giải phóng, năm 1975

Đinh Quang Thành say mê nhiếp ảnh, một phần do ảnh hưởng nghề nghiệp của người anh, mặt khác “chất nghệ sĩ” của một thanh niên Hà Nội cũng nhen lên trong ông nhiều khát vọng nghệ thuật. Ông luôn phấn đấu khẳng định mình là một nhà nhiếp ảnh có năng lực của hãng thông tấn quốc gia. Với ông, nhiếp ảnh trở thành một nghề, một người bạn gắn bó suốt cuộc đời. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông thường trú ở Nam Định - một địa bàn giao thông trọng yếu trên miền Bắc, có đường sắt, đường bộ và có cả cửa sông, cửa biển thông thương Bắc - Nam.
 
Để cắt đứt huyết mạch giao thông trên đất Nam Định, không quân Mỹ đã ngày đêm ném bom, bắn phá nhà ga, bến cảng, đường xá và các phương tiện giao thông vận tải. Đối phó với âm mưu đen tối và hành động dã man ấy, quân và dân nơi đây đã chiến đấu ngoan cường, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện cho miền Nam không một ngày ngừng nghỉ. Những năm ấy, Đinh Quang Thành bám trụ tại các trọng điểm giao thông của Nam Định để chụp ảnh. Nhờ vậy, ảnh của ông phản ánh được sức chiến đấu kiên cường, sự sáng tạo không ngừng của các lực lượng vũ trang hiệp đồng tác chiến, của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật làm cầu phà, của thanh niên xung phong san lấp hố bom, mở đường cho xe qua.
 
Ảnh về đề tài này của Đinh Quang Thành chủ yếu là ảnh thời sự thông tấn, được chụp tại chỗ, đúng người thật, việc thật. Do đó, cái thật, cái đẹp trong ảnh có sức thuyết phục lớn. Không dễ hài lòng với những bức ảnh bình thường đăng báo hằng ngày của mình, ông cũng như các nhà nhiếp hàng đầu thời ấy của VNTTX như: Đức Như, Văn Bảo, Lê Minh Trường, Minh Lộc, Minh Đạo, Vũ Hanh, Nguyễn Chính, Trần Chính, Trần Sơn… luôn chú ý đến tính thẩm mỹ của ảnh. Đinh Quang Thành và đồng nghiệp, mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều có chung mục đích: chăm chút đến các yếu tố tạo hình nhiếp ảnh để bức ảnh đẹp, trung thực, mang được nhiều nội dung thông tin nhất, sinh động nhất. Vừa làm vừa thử nghiệm, có lúc thành công, có lúc không.
 
Hằng tháng, hằng quý, trong các buổi sinh hoạt nghiệp vụ của Phân xã Nhiếp ảnh (sau là Ban biên tập Ảnh), Đinh Quang Thành luôn là một tiếng nói nhiệt huyết. Ông hay viết về nhiếp ảnh, nói lên những trải nghiệm nghề nghiệp của mình, là cộng tác viên của tạp chí Nhiếp ảnh, một số tờ báo ở Trung ương và địa phương. Đinh Quang Thành là Hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (vào Hội năm 1965), tích cực tham gia các cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước và quốc tế. Ông là một trong những phóng viên ảnh TTXVN được chọn vào Tổ tin ảnh mũi nhọn tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Trong chuyến công tác đặc biệt này, Đinh Quang Thành đã chụp được nhiều ảnh giá trị. Phóng sự ảnh Giải phóng Sài Gòn của ông đã đoạt giải A Hội Nhà báo Việt Nam và Huy chương đồng OIJ (Tổ chức báo chí quốc tế của các nhà báo dân chủ), năm 1976.
 
Cụm tác phẩm ảnh Địch phá ta cứ đi của Đinh Quang Thành được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2022 gồm 5 ảnh: Đường ra tiền phương địch phá, ta cứ đi; Băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu Bốn; Tỉnh Nam Hà nổi tiếng trong việc đảm bảo giao thông vận tải chống Mỹ, sáng tạo nhiều loại cầu bằng vật liệu khác nhau, có nơi địch đánh sập một cầu, ta có ngay hai cầu thay thế; Cầu phao bằng thuyền nan có tải trọng lớn là cây cầu tre duy nhất trong chiến tranh chống Mỹ, người dân vùng chiêm trũng Nam Hà đều tham gia làm cầu, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện.
 
Cây tre Việt Nam từ thời Thánh Gióng là vũ khí đánh đuổi giặc Ân, cây tre Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trở thành cầu phao đưa xe pháo, xăng dầu, đạn dược, súng ống vào Nam đánh Mỹ. Một đề tài truyền thống, một sự thật bình thường mà qua ảnh Đinh Quang Thành, người xem cảm thấy độc đáo và đáng tự hào. Bức ảnh Băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu Bốn được chụp đúng lúc địch đang đánh phá, khói xăng dầu bị cháy còn mờ mịt. Nhưng ảnh vẫn rõ tư thế hối hả chèo thuyền của những tay lái dũng cảm. Một khoảnh khắc nguy hiểm cho chuyến vận tải đã được định hình, đồng thời cũng định vị luôn chỗ đứng của nhà nhiếp ảnh trong khói lửa. Có thể coi đây là bức ảnh chốt, bức ảnh nổi trội trong cụm tác phẩm 5 ảnh được Giải thưởng Nhà nước của ông.
 
Người xem thích ảnh Đinh Quang Thành ở chỗ, nội dung ảnh có ý nghĩa xã hội cụ thể và khuôn hình được bố cục hợp lý, ánh sáng đẹp rõ nét. Những năm ấy, mọi người dùng máy ảnh cơ học và phim nhựa cảm quang, nên việc xử lý ánh sáng rất phức tạp. Cụm tác phẩm được giải thưởng lần này sinh ra từ mảnh đất Nam Định kiên cường. Cuộc chiến đấu ngày ấy của nhân dân Nam Định đã ập vào ống kính nghệ thuật của ông. Có thể nói, đất Thành Nam đã góp phần tạo nên tên tuổi Đinh Quang Thành là như vậy!

Một số bức ảnh trong bộ ảnh “Địch phá ta cứ đi” của tác giả Đinh Quang Thành:
 
 
 
 

 

Chu Chí Thành
Nội san Thông tấn số 8/2023