Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Truyền thống

Ký ức Thông tấn


(29/12/2022 11:08:27)

Tạp chí Xây dựng (tiền thân của Nội san Thông tấn) ra số đầu tiên ngày 5/12/1955

Tạp chí Xây dựng (tiền thân của Nội san Thông tấn) ra số đầu tiên
 
Cách đây 67 năm, sau khi VNTTX chuyển từ chiến khu về Hà Nội, tháng 12/1955, Giám đốc Hoàng Tuấn đã ký quyết định xuất bản tờ báo nghiệp vụ của VNTTX với tên gọi “Xây dựng”. Thông điệp đầu tiên mà “Xây dựng” gửi đến bạn đọc là lời kêu gọi cán bộ, phóng viên toàn ngành cộng tác, viết bài: Lý luận về công tác thông tin; kinh nghiệm làm tin của các nước trên thế giới; giới thiệu tin hay, phê bình tin dở; phát hiện những cái sai trong việc làm tin, viết bài để phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm...
 
Từ khi ra đời đến năm 1976, tạp chí Xây dựng đã 5 lần tạm ngừng xuất bản do phải tập trung nguồn lực cho chiến trường. Sau mỗi lần tạm ngừng một vài năm, Xây dựng lại tiếp tục có mặt để phục vụ sự nghiệp Thông tấn.
 
Năm 1970, tờ Xây dựng đổi tên thành “Thông tấn” chính thức là Nội san nghiệp vụ của Việt Nam Thông tấn xã và trở thành tài liệu học tập quan trọng trong công tác đào tạo lực lượng phóng viên cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1976, Nội san Thông tấn ra đều hằng năm nhưng chưa đều hằng tháng và bắt đầu in xê-len. Năm 1983, tòa soạn tổ chức tờ Tin trong ngành (ra mỗi tháng một số) song song với tờ Nội san Thông tấn nhằm cập nhật thông tin của ngành. Đến năm 1991, Tin trong ngành sáp nhập và trở thành một chuyên mục quan trọng của Nội san Thông tấn. Từ năm 2005, Nội san Thông tấn ra mắt bạn đọc đều đặn hằng tháng. Sáu mươi bảy năm qua, Nội san Thông tấn đã xuất bản được hơn 530 số, chứa đựng cả một chặng đường lịch sử của ngành Thông tấn nói chung và sự phát triển của Nội san nói riêng.
 
Bốn cán bộ, nhân viên TTXGP hy sinh tại căn cứ
 
Tháng 12/1971, đế quốc Mỹ điên cuồng trả thù cho thất bại nặng nề của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Chúng dùng pháo đài bay B52 ném bom rải thảm suốt cả tháng trên những khu rừng miền Đông Campuchia, trong đó có rừng Dambe - nơi đặt căn cứ của TTXGP, hòng tiêu diệt các căn cứ của quân giải phóng. Ngày 11/12/1971, sau một loạt bom dội lên căn cứ TTXGP, các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình (Bảy Bình), Phó chánh văn phòng TTXGP; Hồ Văn Dễ, cán bộ Văn phòng TTXGP và Lê Văn Lâu, lái xe, hy sinh ngay tại nhà ăn tập thể khi đang chuẩn bị bữa trưa cho cơ quan. Cùng ngày hôm đó, cán bộ kỹ thuật buồng tối Lê Thị Nàng (Út Nàng) cũng hy sinh vì bom Mỹ.
 
Tháng 7/2002, một nhóm cán bộ, phóng viên TTXGP do ông Lê Quang Nghĩa, nguyên Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, dẫn đầu đã trở lại căn cứ xưa trên đất Campuchia, với sự hỗ trợ của các đơn vị bạn, để tìm lại hài cốt của đồng đội. Sau nhiều ngày tìm kiếm, đoàn đã tìm được mộ của cả 4 cán bộ, nhân viên TTXGP hy sinh trong ngày 11/12/1971 đau thương ấy. Ngày 23/7/2002, TTXVN đã tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh. Sau hơn 30 năm nằm lại trong rừng rậm heo hút, các liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang thành phố, quây quần bên đồng chí, đồng đội.
 
Trụ sở của VNTTX thời kỳ chống Pháp được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa
 
Ngày 28/12/2001, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cho 33 di tích, trong đó có điểm đóng quân của VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1952-1954), tại đồi Khau Linh, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
 
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, VNTTX đã có 21 lần thay đổi, di chuyển căn cứ để tránh sự lùng sục của địch. Tháng 2/1952, VNTTX sơ tán đến thôn Hoàng Lâu với mật danh là T6. Tại đây VNTTX vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật. Bác nhắc nhở: “Tin càng nhanh, kháng chiến càng mau thắng lợi”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, các bộ phận của VNTTX lần lượt rút khỏi Hoàng Lâu, chuyển sang đóng quân tại Đại Từ, Thái Nguyên. Đến tháng 10/1954, chuyển trụ sở về số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
 
Di tích VNTTX nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử Tân Trào, có tổng diện tích 900m2. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử Tân Trào, trong đó có di tích VNTTX./.

Nội san Thông tấn số 12/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022): Chúng tôi viết tường thuật trong ánh nến (29/12/2022 10:19:13)

Ký ức Thông tấn (01/12/2022 16:24:55)

Ký ức thông tấn (02/11/2022 16:19:52)

Ký ức Thông tấn (12/10/2022 16:19:11)

Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021): Những khoảnh khắc ở trận địa tên lửa (30/07/2021 12:35:06)

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020): Để mạch máu thông tin thông suốt (04/08/2020 11:47:54)

Nhớ anh Hai Nghĩa!  (29/04/2020 10:48:08)

Tết ở chiến trường Tây Nguyên (20/01/2020 15:15:12)

Một lần được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (31/10/2019 15:30:12)

Thuở hàn vi mà ân tình đầy đặn (01/10/2019 15:48:29)