Thứ ba, ngày 03/12/2024

Truyền thống

Nhớ anh Hai Nghĩa!


(29/04/2020 10:48:08)

Dù đã nghỉ hưu 20 năm, thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam để gặp anh em đồng nghiệp, thấy được sự phát triển của cơ quan, đặc biệt là để biết những đồng nghiệp lão thành trong Nam, ngoài Bắc, ai còn ai mất thông qua hai đầu mối chính là phòng Tổ chức và Nội san Thông tấn. Cuối tháng Hai, tôi đến cơ quan, nhận được tin buồn bất ngờ, anh Hai Nghĩa - tức Phạm Nho Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Thông tấn xã giải phóng (TTXGP), Trưởng ban biên tập Ảnh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đã ra đi ở tuổi 93, ngày 20/2.

Nhà báo Phạm Nho Nghĩa (bên trái, thứ 6, hàng đứng) cùng cán bộ, phóng viên tại căn cứ TTXGP, tết Mậu Thân năm 1968

1. Anh Phạm Nho Nghĩa vào TTXGP từ đầu năm 1965, trong đoàn cán bộ, phóng viên VNTTX tăng cường cho Ban biên tập tin (lúc đó, TTXGP chia khối biên tập thành ban tin và ảnh riêng biệt để hoạt động chuyên sâu trong chiến trường). Tôi ấn tượng ngay khi lần đầu gặp anh. Với dáng người cao ráo, tính tình vui vẻ, hoạt bát, lớp trẻ chúng tôi rất thích nghe anh kể chuyện miền Bắc và anh cũng thích nghe chúng tôi kể chuyện quân dân miền Nam chống Mỹ. Tư Cường kể chuyện đồng khởi Bến Tre, Tư Thái kể chuyện “thánh địa” Tây Ninh, Út Bền kể chuyện Long An trung dũng, Sáu Cang kể phong trào Việt kiều Campuchia yêu nước hết lòng lo và giúp cách mạng miền Nam… Những câu chuyện không chỉ được kể trong những buổi uống trà, mà cả khi lao động chằm lá trung quân, cưa cột, cất nhà giúp anh, vì anh chưa quen làm nhà cột chôn dã chiến. Anh thường tâm sự: “Một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ mà chúng tôi phải sớm thích nghi”.

Thời đó, lực lượng phóng viên phải dành 2/3 thời gian cho việc đào hầm, cất nhà, đào giếng, làm bếp Hoàng Cầm, tải gạo. Có khi tải lúa về phải tự đóng cối xay xát; vận tải lương thực, canh gác, chống càn. Khoảng thời gian còn lại dành cho chuyên môn nghiệp vụ. Vậy mà ai cũng phấn đấu hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ được giao. Anh Hai Nghĩa lớn tuổi hơn chúng tôi gần một giáp và là cán bộ phụ trách nhưng luôn hòa nhập với lớp trẻ trong mọi công việc.
 
2. Năm 1967, anh được Ban giám đốc TTXGP phân công đi công tác tại tỉnh Long An. Trước khi đến Tân Trụ, Châu Thành, anh đã gặp thử thách đầu tiên ở huyện Đức Huệ, giáp biên giới Việt Nam-Campuchia. Đây là vùng trắng và phân xã của vùng trắng thì không có nhà cửa, chỉ có thể che tạm mấy tấm tranh cũ dưới tán cây để có nơi làm việc. Mọi vật dụng và điện đài đều để dưới hầm. Chuyến đi này đã giúp anh cảm nhận sâu sắc giá trị của mỗi tin, bài có khi phải đổi bằng máu.

Cuối năm 1972, khi Hiệp định Paris sắp đến hồi kết, quân ta còn “tạm trú” ở đất bạn Campuchia. Anh Hai Nghĩa được lãnh đạo cơ quan cử về lại miền Nam (Tây Ninh), tìm lại căn cứ cũ để chuẩn bị chuyển quân về. Anh Võ Minh Thanh, quê Bến Tre, kỹ thuật viên của B8, được trang bị súng AK và một xe Honda 90 phân khối đã cũ của giao liên, làm nhiệm vụ vừa lái xe vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ anh Hai Nghĩa. Hai anh em chọn đi đường vòng trên đất bạn,  tuy xa nhưng an toàn hơn. Qua thị trấn Suông đến đồn điền cao su Chúp, xe bị chết máy, sửa xong đi được ít lâu thì đèn bị tắt. Trời tối lại đổ mưa, bụng đói cồn cào, nhưng hai anh phải ráng dắt bộ xe, không thể nghỉ lại đây được, vì bọn tàn quân Pol Pot hay bắn giết cướp của những người đi lẻ tẻ. Rất may người dân địa phương báo cho bộ đội ta đến hướng dẫn, bảo vệ hai anh đi an toàn.

Tôi và Tư Cường là phóng viên tin, nên tin, bài của chúng tôi đều qua anh Hai Nghĩa và anh Đức Giáp duyệt trước khi phát. Có lần tôi viết tin du kích xã H bắn rớt máy bay trực thăng, anh Hai Nghĩa sửa lại là “bắn rơi” máy bay. Tôi lên kiện anh với lý do hai động từ “rơi” và “rớt” ý nghĩa gần giống nhau, nhưng “rơi” là thanh bằng nghe nhẹ như lá rơi; còn “rớt” là cắm đầu nhanh xuống đất, thanh trắc, ý nghĩa mạnh hơn, khí thế hơn. Anh Hai Nghĩa cười hiền và sau đó sửa lại theo ý tôi. Ngoài ra, Ban giám đốc còn có anh Bảy Lý, anh Năm Xuân sửa bài rất tôn trọng ý kiến của phóng viên. Chỗ nào thấy khó hiểu hoặc chưa rõ, các anh đều hỏi lại tác giả trước khi quyết định sửa.
 
3. Sau này về Hà Nội, anh Hai Nghĩa vẫn thường viết thư hỏi thăm tôi. Anh quan tâm động viên tôi chuyện sức khỏe, công tác. Khi làm cuốn Hồi ức TTXGP, năm 2010, anh đã đóng góp mấy bài, trong đó có cả hai bài thơ anh tặng chị, lúc đang ở chiến trường Long An quê tôi. Tôi viết thư thăm và gửi tặng anh cuốn sách Một thời kháng chiến, Một thời làm báo - hồi ký của các nhà báo lão thành, mỗi năm ra một số, mà tôi có trong Ban biên soạn.

Dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, anh cùng đoàn cán bộ phóng viên TTXGP vào thăm một số chiến trường xưa ở miền Nam. Lần đó, anh Hai Nghĩa đến thăm gia đình tôi ở quận 8, tôi đã đưa anh sang thăm anh Chí Anh (Nguyễn Đức Chính) ở gần đó.

Anh Hai Nghĩa! Dù hoàn cảnh địa lý cách xa và đã nghỉ hưu, không có điều kiện tới thăm anh, nhưng trong lòng chúng tôi, những đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp trong gia đình TTXGP anh dũng và bất khuất, những người đã sống chết có nhau, đã quen “hơi ẩm của chiến hào” và “sức nóng của bom đạn” vẫn luôn nhớ về anh, vẫn vẹn nguyên như ngày nào…
 
Em Loan yêu!

Anh viết thư này cho em vào những ngày giáp Tết. Do đường xa, có thể là thư đến với em không đúng vào ngày Tết nhưng vẫn là xuân mới, mùa xuân hòa bình thứ hai của miền Bắc muôn vàn thương nhớ.

Anh chúc em trong mùa xuân mới vui vẻ, tin yêu như ngày đầu anh và em gặp nhau và yêu nhau. Từ đó đến nay, tính lại anh và em ăn Tết gần nhau có và xa nhau cũng có nhưng chưa lần nào xa nhau như lần này (9 năm liền-PV). Dù còn phải tạm xa nhau một thời gian nữa, dù chưa được hưởng một mùa xuân đoàn tụ, chúng ta không vì thế mà buồn.

Không phải chỉ có riêng anh và em còn phải tạm xa nhau. Còn cả triệu anh chị em khác cũng có hoàn cảnh như anh và em. Tất cả đều đang chịu đựng những thiếu thốn về tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng, quê hương và tất cả đều chiến đấu trên nhiều mặt trận để giành một mùa xuân đoàn tụ cho cả hai miền của Tổ quốc. Anh rất may mắn là còn sống nên vẫn hy vọng sẽ có ngày được về thăm em và các con mà anh luôn nhớ, thương và quý mến…

Làm nhiệm vụ ở một chiến trường gian khổ, ác liệt, anh luôn chịu đựng mọi thử thách và nghĩ rằng có giải phóng được miền Nam thì miền Bắc mới yên ổn xây dựng, hạnh phúc chung mới đảm bảo, hạnh phúc riêng của mỗi gia đình mới vẹn toàn. Và với tình cảm đó, anh đã phấn đấu cho đến ngày hôm nay. Anh  rất tự hào vì có em ở hậu phương cũng chịu đựng những khó khăn vất vả, nhất là day dứt về tình cảm, nỗi nhớ anh, chăm sóc con cái trưởng thành và chính vì vậy anh mới bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ của mình…

Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết nhưng ở miền Nam chưa thực sự có hòa bình…

Viết thư cho em mùa xuân mới nên anh hy vọng những ngày sắp tới là tốt đẹp. Những ngày ấy rất có thể anh được gặp lại em và các con. Và đó cũng là điều mong ước của chúng ta.

(Trích lá thư ông Phạm Nho Nghĩa gửi vợ - bà Nguyễn Thị Loan, khi đó làm việc ở Phòng phát hành tin của VNTTX, Tết năm 1974)

Thanh Bền
Nội san Thông tấn số 4/2020