Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Truyền thống

Tết ở chiến trường Tây Nguyên


(20/01/2020 15:15:12)

Hân hoan đón tết Canh Tuất 1970 tại căn cứ

Tết đàng hoàng quá!

Tết Canh Tuất 1970 đến nhanh quá, nhưng chúng tôi trong tổ thông tấn ở Tây Nguyên vẫn chuẩn bị được 8 con gà để đón giao thừa, xôm hơn tết năm trước nhiều. Tết năm 1969, chúng tôi chỉ có một con gà khoảng nửa cân. Đáng lẽ để nuôi thêm nhưng chẳng nhẽ tết Kỷ Dậu lại không có thịt gà thì cũng buồn. Trong khi làm thịt gà, anh Nguyễn Thanh Tùng, báo vụ của tổ, còn bắt được một chú chuột đang cố tình gặm lông gà. Vì vậy, ngoài thịt gà, chúng tôi còn có thêm thịt chuột để đón giao thừa.

Tết năm 1970 đàng hoàng quá, những 8 con gà lại chỉ có 6 người. Nhà cửa ở khu căn cứ lúc đó cũng rộng và đẹp nhất kể từ khi chúng tôi vào Tây Nguyên. Đêm 29 tết, Dần - nhân viên tổ đài 15W rủ tôi đi săn để cải thiện bữa ăn ngày tết. Tôi đi theo Dần, trong rừng mấp mô đá rất khó đi, một chiếc dép bị long quai làm tôi trẹo chân, bong gân. Về đến nhà chân sưng to, nhức nhối. Sáng 30 tết, tôi phải chống gậy ra suối ngâm chân nhưng cũng không khỏi.

Đêm giao thừa, theo thông lệ của Cục chính trị Quân giải phóng B3, cán bộ các phòng, ban đi thăm hỏi, chúc tụng nhau. Tôi đau chân nên ở nhà, thậm chí cả việc làm thịt gà cũng do anh Ngô Xuân Tường, phóng viên ảnh và Nguyễn Hữu Nền, công nhân buồng tối làm.

Đêm hôm đó, anh Trần Quý Giang, tổ trưởng và chúng tôi đang ăn cháo gà, chúc tụng nhau thì đoàn văn nghệ xung kích đến, trong đó có cô Minh Tỵ. Tôi hơi đỏ mặt và hứa với anh em là sang năm mới cố gắng không sốt rét nữa để khỏi làm phiền chị em trong đội văn nghệ.

Chuyện vì sao đỏ mặt tôi cũng xin nhắc lại một chút: Đầu mùa khô năm 1969, một buổi sáng đi phát rẫy, thấy tôi mệt, anh em nhắc tôi về nghỉ. Sau đó tôi lên cơn sốt mê man. Nghe anh em kể lại, khi ăn cơm tôi cầm cả cái nắp ăng gô đang ăn múc vào nồi canh, lấy áo mặc làm quần và đeo súng ngắn lội cả xuống sông Tà Dạt. Anh Vỹ và Hoan đưa tôi đến đội văn nghệ xung kích gần đó để cấp cứu. Cô Minh Tỵ, lúc đó vừa là y tá vừa là diễn viên, phải thức chăm sóc tôi cả đêm. Từ đó, anh em thường gán ghép tôi với cô Tỵ.

Sau tết, hằng ngày tôi phải chống gậy tập tễnh sang Phòng tác chiến, Cục Tham mưu lấy tin. Và khi chân vừa khỏi thì được phân công đi làm rẫy. Khu rẫy hai hécta của Phòng tuyên huấn đã phát hết cây nhỏ, đến giai đoạn chặt cây to. Ba anh em gồm: Bản, Tuấn và tôi chặt hết cây này đến cây khác. Chặt cây to có cái thú là cứ chặt mở miệng về một phía khoảng già nửa thân cây, cây nọ đứng nối tiếp cây kia, rồi chọn một cây to nhất phía sau tra gáy cho đổ đè lên các cây trước, cây đổ hàng loạt kêu rầm rầm vang động cả một vùng. Lúc đầu cũng hơi sợ nhưng sau dần quen vì kinh nghiệm chặt cây to cứ đứng đằng sau phía cây đổ là an toàn.

Lúc này, mỗi người chỉ có tiêu chuẩn ăn một lạng gạo/ngày. Số gạo ít ỏi đó nấu làm ba bữa nên trông bát cơm toàn thấy sắn. Thức ăn chỉ có muối vừng và rau sắn luộc. Thế mà hồi đó tôi ăn mới khỏe làm sao, có bữa tới 7 nắp ăng gô (một nắp ăng gô to gần gấp đôi cái bát sắt thông thường). Chả thế mà ở B3, anh em bộ đội thường có câu: Đả đảo ca Mỹ, chú ý nắp ăng gô...

Tết ngập tràn niềm vui

Trước tết Quý Sửu 1973 là những ngày sôi động với rất nhiều sự kiện. Hết tin B52 đánh vào Hà Nội lại đến tin ký kết Hiệp định Paris. Tin từ Paris khiến cả Phòng tuyên huấn chúng tôi vui sướng, mặc dù tin tham khảo đã có trước đó mấy ngày. Chúng tôi mở đài nghe thông báo của Bộ Ngoại giao. Đêm đó không ai ngủ được, người lo ghi âm để chép lại, người không có nhiệm vụ cũng thức. Những ngày chờ đón tết, dù đã có Hiệp định và biết rằng sắp phải di chuyển dần ra phía trước, chúng tôi vẫn tu sửa nhà cửa thật đẹp. Tôi làm câu đố đăng báo Tây Nguyên nói về việc giữ chốt, trong đó có câu đố về con trâu:

“Quý trẻ em, thèm rau cỏ
  Đàn dẫu có, chẳng muốn nghe
  Hỏi sợ gì? Cô Mười bảy”.
(Lấy từ hai ý đàn gẩy tai trâu và con gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu).

Tết Quý Sửu tuy không có thịt trâu nhưng có rất nhiều kẹo lạc, kẹo sữa do anh em tự làm. Đây là cái tết hòa bình ở hậu cứ nhưng vẫn là tết chiến đấu giữ chốt rất ác liệt của anh em bộ đội ở phía trước.

Sau tết ít ngày, B3 được đón đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ và Quân đội đi kiểm tra tình hình chiến trường do các đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Thọ Chân, Đinh Đức Thiện dẫn đầu. Ngay sau đó là đợt vận chuyển đột xuất hàng ngàn xe gạo, thực phẩm từ ngoài Bắc vào chi viện cho Tây Nguyên. Được phân công đi viết về đợt vận chuyển này, tôi và Tuấn, họa sĩ của báo Quân giải phóng Tây Nguyên đến sở chỉ huy chiến dịch nắm tình hình rồi theo các đoàn xe về vùng mới giải phóng ở tỉnh Kon Tum. Còn cách sở chỉ huy chiến dịch một ngày đường, chúng tôi dừng lại nghỉ ở một trạm barie. Người gác trạm là một thanh niên quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, thích làm thơ và nói chuyện văn thơ. Tại đây, chúng tôi gặp đoàn xe chở gạo đầu tiên của anh Nguyễn Hữu Thuê. Công việc của Tuấn là vẽ hình ảnh bộ đội đang làm đường, còn tôi thu thập tư liệu chuẩn bị cho bài viết. Chúng tôi lần lượt đến các buôn làng Tây Nguyên, các kho chứa gạo, tiểu đoàn vận tải và phân đội sửa chữa xe máy. Tôi hình thành tiêu đề của bài báo: “Họ hướng về đồng bào Tây Nguyên”, với các tiêu đề nhỏ: Những chiếc xe mang tình nghĩa hậu phương; Và những chiếc xe sắt son chung thủy; Có chúng tôi, anh em công binh; Khi hàng đã về kho và Khi hàng đã đến với đồng bào, chiến sỹ vùng mới giải phóng.
 
Cán bộ, phóng viên phân xã Vĩnh Linh đón xuân 1972 trước chiến dịch Quảng Trị

Sau khi hình thành xong sườn bài và ý chính, chúng tôi ra sân bay Đắc Tô cho Tuấn vẽ xe tăng số 377. Đây là xe tăng T54 của ta trong đợt giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh đã bắn cháy 8 chiếc xe tăng của địch. Chúng tôi còn đến khu kho Đ.74 gần xã Diên Bình. Sát kho Đ.74 có bản Đắc Rao Peng và gần đó là trận địa pháo của địch đã rút chạy còn vứt lại đầu đạn, vỏ đạn mà ta chưa thu dọn hết. Cạnh trận địa pháo mới mọc lên bệnh xá Tân Cảnh là một trong ba bệnh xá của vùng giải phóng Kon Tum. Chúng tôi thu thập tài liệu để viết thêm các bài về vùng mới giải phóng.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong chuyến đi này là khi cùng tổ kiểm tra việc giúp dân đến ở nhờ gia đình một cụ già theo đạo Thiên Chúa có ba người con tại xã Diên Bình. Thoạt đầu, thấy chúng tôi vào nhà, gia đình cụ còn sợ, chỉ ở nhà trong, ăn cơm thì xuống bếp. Ở vùng mới giải phóng, đồng bào chưa được giác ngộ, thấy bộ đội đeo súng ngắn thì chào bằng ngài, đeo súng dài thì chào bằng ông. Sau khi nghe chúng tôi tuyên truyền, thuyết phục, cả gia đình đã hiểu, không còn sợ nữa, dần dần ngồi ăn cơm cùng với chúng tôi, có thứ gì cũng mang ra đãi khách.

Một ấn tượng nữa là hôm ngồi xe Zin ba cầu với Đại tá, Tham mưu trưởng B3 đi kiểm tra tình hình bố phòng của bộ đội ở khu rừng Võ Định, cách thị xã Kon Tum 16km. Thật không ngờ, dù địch thường xuyên cho máy bay đi trinh sát nhưng chúng không hề hay biết phía sâu trong những khu rừng bình thường này, những nòng pháo của ta đang sẵn sàng nhả đạn; những chiếc xe tăng đang nằm dưới hầm sẵn sàng chờ lệnh. Lực lượng của ta đã lớn mạnh sau Hiệp định Paris và điều này đã được thể hiện rõ ở những bài viết trong chuyến công tác sau tết Quý Sửu đáng nhớ này.

Lê Văn Hy
Số Xuân 2020