Thứ tư, ngày 24/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhớ bác Đỗ Phượng


(30/10/2018 16:31:53)

Cách đây tròn một năm, ngày 8/10/2017, trong tiết thu Hà Nội, một trái tim đã ngừng đập, một nhà báo lão thành đã ngừng tay bút, một nhà lãnh đạo xuất sắc của TTXVN, một đảng viên 70 năm tuổi Đảng đã mãi ra đi ở tuổi 88. Trái tim đó mang tên Đỗ Phượng.

Nhà báo Đỗ Phượng và nhà báo Nguyễn Khuyến tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo Việt Nam News đầu tiên, tháng 6/2016

1. Trải qua quá trình tham gia công tác thông tin tuyên truyền của Đảng, với nhiều vị trí khác nhau, năm 1966, nhà báo Đỗ Phượng được điều về giữ cương vị Phó tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã, khi mới 36 tuổi. Trở thành nhà báo chuyên nghiệp, ông đã cùng Ban lãnh đạo ngành dốc toàn tâm, toàn lực để phát triển cơ quan thông tấn phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sau này, với vai trò là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VII), Tổng giám đốc TTXVN (giai đoạn 1990 - 1996), những ý tưởng mới, những quyết định táo bạo của ông và Ban lãnh đạo ngành đã giúp TTXVN có những bước tiến vượt bậc.

Thời gian đó, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Ban lãnh đạo ngành quyết định xuất bản báo Việt Nam News vào năm 1991 - tờ báo tiếng Anh hằng ngày đầu tiên và duy nhất đến nay của Việt Nam. Ông từng chia sẻ: “Trên thế giới, tiếng Pháp là thứ tiếng của văn hóa, lịch sử. Còn tiếng Anh là tiếng của ngoại giao, nên các đồng chí phải phấn đấu đưa tờ Việt Nam News là tờ báo đối ngoại của quốc gia”.

Những năm đầu khó khăn ấy, ông giữ vai trò Tổng biên tập báo Việt Nam News, nhà báo Nguyễn Khuyến và nhà báo Lê Quốc Trung (sau này là Tổng giám đốc TTXVN) làm Phó tổng biên tập. Ban đầu, tờ báo chỉ có 4 trang, số lượng cán bộ, phóng viên ít ỏi, đa phần là nữ. Do đảng viên của tòa soạn quá ít, nên phải sinh hoạt ghép với chi bộ Báo ảnh Việt Nam. Khi đó, nhà báo Đỗ Phượng nói: “Tòa soạn ta đa phần là nữ, lại mới ra trường, các đồng chí cố gắng học tập và phấn đấu, còn tôi, tôi sẽ “đỏ hóa” lực lượng phóng viên trẻ này”.
 
Nhà báo Đỗ Phượng trò chuyện với cán bộ, PV báo Việt Nam News năm 2015

2. Sau này, khi tòa soạn đã vững mạnh với hơn 100 cán bộ, phóng viên, tờ báo cũng được in 28 trang, nhà báo Đỗ Phượng tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt tại chi bộ báo Việt Nam News. Thời gian này, ông làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Việt Nam Hương Sắc, công việc khá bận cộng với tuổi cao nhưng ông vẫn là một trong những đảng viên tham gia họp chi bộ đều đặn nhất. Các đảng viên trong chi bộ vẫn nhớ hình ảnh người cán bộ lão thành dáng cao, gầy với bộ quần áo kiểu ký giả màu trắng ngà, tay chống gậy, tay cầm mũ bảo hiểm ngồi đợi ở phòng họp. Khi đám trẻ chúng tôi hỏi vui “Bác đến sớm thế?”, ông cười giòn tan và trả lời hóm hỉnh “Thì tớ về hưu không có việc gì làm nên đến sớm”.

Cuối năm, các đảng viên đều viết bản tự kiểm điểm cá nhân theo mẫu có sẵn, nhưng ông lại viết bằng tay. Ông giải thích: “Thứ nhất, tớ không biết đánh máy. Thứ hai, tớ viết tay thì phần kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được sẽ viết được nhiều, các cậu viết theo mẫu có sẵn thì không đủ đâu”. Sự cẩn trọng và nghiêm túc thực hiện các quy định trong sinh hoạt Đảng của ông là tấm gương cho đảng viên trong chi bộ noi theo.

Trong mỗi cuộc họp chi bộ, ông thường chăm chú lắng nghe các đảng viên trao đổi, thảo luận, sau đó mới chậm rãi phát biểu. Năm 2013, thời điểm báo giấy bắt đầu giảm rõ rệt về lượng phát hành và doanh thu quảng cáo, cả chi bộ đều lo lắng, có đảng viên tỏ ra hoang mang. Nhà báo Đỗ Phượng cho rằng: “Các đồng chí đừng nghĩ báo giấy đã hết thời mà nảy sinh chán nản. Các đồng chí vẫn phải liên tục trau dồi kiến thức, làm mới tờ báo, nâng cao chất lượng thông tin, chắc chắn báo giấy vẫn có chỗ đứng. Người ta không thể bỏ được thói quen cầm tờ báo giấy đọc tin tức mỗi sáng. Các đồng chí có thể phát triển các loại hình báo chí mới như báo điện tử, nhưng nên nhớ cái cốt lõi vẫn là báo giấy”.

Mỗi khi có sinh hoạt chuyên đề về nghị quyết của Đảng, hay bất cứ vấn đề gì liên quan đến Đảng, đến TTXVN, chúng tôi đều được nhà báo Đỗ Phượng giải thích cặn kẽ. Ông như cuốn từ điển sống, luôn tận tình giúp đỡ các đảng viên trẻ trong chi bộ tìm hiểu về Đảng, về truyền thống của TTXVN.

Và cứ thế, đều đặn hằng tháng, mái đầu bạc lại ngồi họp chi bộ cùng những mái đầu xanh. Mỗi khi nói đến chuyện nghề báo, ông lại bừng sáng đôi mắt, tình yêu nghề của ông có lẽ còn mãnh liệt hơn nhiều phóng viên trẻ bây giờ. Ông say sưa kể về giai đoạn làm báo thời chiến tranh, thời kỳ đổi mới. Chính sự năng động, nhiệt huyết của ông đã truyền năng lượng để lớp phóng viên trẻ cống hiến cho cơ quan, đơn vị. Ông còn là người truyền cảm hứng để lớp phóng viên trẻ thay đổi tư duy về kinh doanh trong báo chí.
 
Phó bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hải Đường trao Huy hiệu 
60 năm tuổi Đảng tặng nhà báo Đỗ Phượng, ngày 22/5/2008 

3. Nhiều người nghĩ nhà báo Đỗ Phượng sẽ nghỉ ngơi sau những năm tháng cống hiến cho Đảng và TTXVN, nhưng ông không làm thế. Dường như có một nguồn năng lượng vô tận vẫn luôn chảy trong ông. Ông vẫn làm việc, 8 giờ sáng có mặt ở cơ quan, 5 giờ chiều trở về nhà, đều đặn như một công chức đang độ tuổi sung sức.

Thời gian mới nghỉ hưu, ông thường đi bộ từ nhà ở số 8 phố Lý Thường Kiệt đến cơ quan. Sau này sức yếu hơn, ông mới nhờ con cháu đưa đón. Ông làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí sáng mùng Một Tết chính là lúc ông khai bút. Ông cho rằng, sáng mùng Một là lúc tĩnh tại nhất, mình mới viết hay được. Đến những ngày cuối đời, ông vẫn minh mẫn để viết những bài báo cho ngành, cho tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, tạp chí Việt Nam Hương Sắc; vẫn tham gia công tác tại Hội sinh vật cảnh Việt Nam; vẫn đều đặn họp chi bộ tại báo Việt Nam News. Có vài lần, ông báo: “Tớ đang trong viện, không tham gia họp được, mong chi bộ thông cảm”. Ông đã làm việc đến hơi thở cuối cùng.

Tên tuổi ông, sự cống hiến của ông, phong cách của ông sẽ làm mỗi người thông tấn chúng ta nhớ mãi.
 
 

Trương Vị
Nội san thông tấn số 10/2018