Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Những con đường mang tên các nhà báo thông tấn


(22/02/2018 16:37:19)

Suốt từ Bắc chí Nam có 5 con đường, con phố tại các tỉnh, thành mang tên các nhà báo thông tấn. Để tôn vinh sự cống hiến lớn lao, hy sinh vì Tổ quốc, tên của các nhà báo đã được đặt cho những con đường nơi họ được sinh ra, lớn lên và cống hiến. Họ là những nhà báo xuất sắc, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền báo chí cách mạng.

1. Phố Trần Kim Xuyến tại Hà Nội 

Nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến, lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) và cũng là nhà báo duy nhất được đặt tên cho hai con đường ở hai địa phương: Thủ đô Hà Nội - nơi ông công tác và tỉnh Hà Tĩnh - quê hương ông.
Ngày 5/3/2014, TTXVN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến, tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Con phố có chiều dài 550m, rộng 20m, từ ngã tư đường Trung Hòa - Vũ Phạm Hàm đến điểm giao cắt với đường 30m.

2. Đường Trần Kim Xuyến tại Hà Tĩnh

Ngày 17/6/2017, đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, một con đường mới tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh được mang tên Trần Kim Xuyến. Đường có chiều dài hơn 2km, rộng 12m, thuộc Tỉnh lộ 71, điểm bắt đầu tại ngã tư Phố Châu, từ K10 đến K15 nối đường Hồ Chí Minh. 

Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1945, ông giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Nha thông tin Việt Nam thành lập, ông giữ chức Phó giám đốc, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN). Ngày 3/3/1947, ông đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). 

3. Đường Bùi Đình Túy

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/1985), UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đặt tên Bùi Đình Túy, Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) cho một con đường và một cây cầu tại phường 12, quận Bình Thạnh. Đường có chiều dài 1,5km, bắt đầu từ điểm giao cắt với đường Đinh Bộ Lĩnh đến điểm giao cắt với đường Phan Văn Trị. 

Nhà báo Bùi Đình Túy, bút danh Đinh Thúy, sinh năm 1914 tại làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; hy sinh ngày 21/9/1967 tại Trảng Dầu, Bình Long, tỉnh Bình Phước.

4. Đường Lâm Hồng Long
Đường Lâm Hồng Long chính thức được đặt tên ngày 19/2/2002 theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận. Đường có chiều dài 200m, rộng 5m, bắt đầu từ ngã ba đường Võ Thị Sáu đến giáp đường Lý Thái Tổ, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long sinh năm 1925 tại Phước Lộc, thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân (nay là thị xã La Gi) tỉnh Bình Thuận, mất ngày 21/3/1997 tại TP. Hồ Chí Minh. Hai tác phẩm ảnh nổi tiếng “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt” của ông vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996.

5. Đường Trần Bỉnh Khuôl
Ngày 15/8/2013, tên nhà báo liệt sỹ Trần Bỉnh Khuôl, bút danh Hai Nhiếp, Trưởng phòng Nhiếp ảnh khu 9 thuộc TTXGP, đã được đặt cho một con đường tại phường 7, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - quê hương ông. Đường dài 140m, rộng 5m, nối từ đường Nguyễn Hữu Nghĩa đến điểm giao cắt với đường 12.

Nhà báo Trần Bỉnh Khuôl sinh năm 1923 tại tỉnh Bạc Liêu, hy sinh ngày 12/12/1968 tại rừng U Minh, tỉnh Cà Mau. 

Năm 2007, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt III, với chùm ảnh “Mặt trận và bộ đội tỉnh quyết tiêu diệt đồn giặc ở Chi khu Đầm Dơi, huyện Cái Nước, Cà Mau”.

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2018