Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Phóng viên thông tấn trong chiến dịch Mậu Thân


(13/02/2018 14:46:41)

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhưng đối với những nhà báo chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), sự kiện có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn này vẫn còn hiển hiện trong tâm trí mỗi người.

Ngày 26/1/1968, ông Tân Đức, Trưởng ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, triệu tập tôi lên phổ biến phương hướng tuyên truyền thời gian trước mắt và giao nhiệm vụ cho TTXGP mở chiến dịch đưa tin tố cáo Mỹ ngụy vi phạm lệnh ngừng bắn trong mười ngày liền, theo chỉ đạo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ông còn dặn thêm: Nếu có hiệu triệu của Mặt trận Dân tộc Dân chủ và Hòa bình (tức lực lượng thứ ba) thì đưa tin các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
 

Tổ điện đài Phân xã Sài Gòn - Gia Định làm việc dưới địa đạo

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một cuộc tập kích chiến lược với mật danh X, chia làm ba giai đoạn: X1 - đầu năm, X2 - những tháng giữa năm và X3 - những tháng cuối năm. Trong cuộc tập kích này, những tay bút, tay máy của TTXGP đã bám sát Quân giải phóng tiến vào nội thành, chiến đấu như những người lính thực thụ. Cuối năm Đinh Mùi, trước Tết Mậu Thân, đồng chí Vũ Linh (tức Bảy Lý), Giám đốc TTXGP (B7) và đồng chí Bảy Kỉnh, Giám đốc Đài phát thanh Giải phóng (B5), dùng giấy tờ giả, đóng vai nhà buôn, đi xe ô tô xâm nhập nội thành Sài Gòn, lướt qua các điểm mà Quân giải phóng sẽ tấn công, như: Đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu quân ngụy, Đại sứ quán Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, ngày 19/1/1968, đồng chí Vũ Linh đã có mặt tại I4 (Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Định) cùng với các đồng chí Trịnh Yến (phóng viên tin), Mẫn (phóng viên ảnh), Hưng (bảo vệ), Hoàng (điện báo viên). Tiếp đến các ngày 21, 26, 28/1, đồng chí Vũ Linh yêu cầu cử gấp 16 phóng viên tin, ảnh, điện báo viên xuống Sài Gòn, cùng với những đồng chí được gửi xuống trước, tổng cộng là 38 người. Đồng chí còn yêu cầu TTXGP lập một tổ điện đài liên lạc trực tiếp để nhận tin 24/24 giờ và dặn: “Báo cho anh Ba Đỗ, Hai Nghĩa tổ chức trực và xử lý tin tức kịp thời, đồng thời báo cho chị Hai (tức Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng) ở ngoài Hà Nội biết về tôi”.
“Trong lịch sử của Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, đây là đợt ra quân đông đảo, rầm rộ và “xuất tướng” nhiều nhất. Bên B2 (Ban Văn nghệ giải phóng) dẫn đầu là nhạc sỹ Lưu Hữu Phước rồi kế đến các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Sáng, Chim Trắng, Hoài Vũ, Lê Anh Xuân... Bên B10 (Xưởng phim Giải phóng) có các anh Mai Lộc, Hồng Sến, Phạm Khắc, Hồ Tây... B5 (Đài phát thanh Giải phóng) dẫn đầu là các anh Bảy Kỉnh, Thanh Nho cùng gần 30 phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên… Bên B7, B8, B2 (TTXGP) có tới trên 50 người do đích thân anh Bảy Lý chỉ huy cả ba binh chủng: Tin, ảnh, thông tin điện đài. Ngoài anh Bảy Lý còn có các anh: Chín Chiêu, Sáu Nghĩa, Hai Luận chỉ huy khối phóng viên ảnh…
Đội quân phóng viên chiến trường thả sức “khai” máy, “khai” bút, “khai” súng đầu xuân. Những dòng tin nóng hổi đưa tin chiến thắng làm đồng bào cả nước vui mừng, làm thế giới bàng hoàng, làm “ông chủ” nhà Trắng Lyndon B. Johnson kinh hoàng”.
(Cố nhà báo Trần Ấm - “Nhớ Tết Mậu Thân 1968”), 
Nội san Thông tấn số 1+2/2008) 


Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Vũ Linh, TTXGP đã cử đủ số cán bộ và lập một tổ điện đài riêng do đồng chí Nguyễn Bá Ngạc, một biên tập viên giỏi tiếng Anh, phụ trách để theo dõi tình hình Sài Gòn. Tổ này đặt tại tỉnh Odomienchay, gần đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông (biên giới Việt Nam - Campuchia) cách căn cứ hơn một cây số. Đồng chí Ngạc được cấp một máy thu thanh 102, nhiều băng để nghe tin phoni, một liên lạc viên để chuyển tin ban đêm.

Tin từ tổ điện đài Phân xã Sài Gòn - Gia Định cho biết: Ngày 31/1/1968, trước tình hình ta đánh mạnh ở nhiều nơi, Mỹ ngụy giới nghiêm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. 

Đêm 31/1 rạng sáng 1/2/1968, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng vào hơn 100 địa điểm là trung tâm chính trị, kinh tế, các căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy của Mỹ ngụy tại Sài Gòn và các thành phố, thị xã, thị trấn toàn miền Nam. Ngay từ đầu, các chiến sỹ biệt động đã nổ súng vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu quân ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh Sài Gòn... Cùng thời điểm, những nhà báo chiến sỹ TTXGP tay máy, tay súng bám theo các chiến sỹ giải phóng quân chiến đấu rất dũng cảm trên đường phố Sài Gòn và các địa phương.

Khi đó, tại Tổng xã TTXGP, tin chiến thắng giòn giã từ các phân xã điện về liên tục, các biên tập viên xử lý nhanh gọn chuyển ra miền Bắc và được VNTTX phát đi toàn thế giới. Các hãng thông tấn như: AP (Mỹ), AFP (Pháp), Reuters (Anh), Kyodo (Nhật Bản), TASS (Liên Xô) đều nhận tin chiến thắng và diễn biến chiến dịch do VNTTX phát. Mỹ ngụy bị đánh bất ngờ, chống đỡ yếu ớt, dù lúc đó có hơn nửa triệu lính Mỹ, một triệu lính ngụy. Ta làm chủ hoàn toàn mặt trận thông tin truyền thông. Có thể nói, chưa bao giờ TTXGP đưa một số lượng tin tức khổng lồ như Tết Mậu Thân. Ở căn cứ Tây Ninh, phóng viên, biên tập và điện báo viên làm việc ca kíp suốt ngày đêm. 

Cuộc chiến đấu ở nội thành ngày càng dữ dội. Sau choáng váng ban đầu, địch định thần lại, thấy lực lượng ta có hạn, đã tập trung lực lượng phản kích ác liệt, đẩy lực lượng của ta ra vùng ven đô. Trên đường phố nội thành, phóng viên Hồ Minh Châu đã chiến đấu anh dũng và hy sinh; phóng viên Lâm Tấn Tài, phụ trách nhiếp ảnh (B22), bị thương hỏng một bên mắt. Những tháng cuối năm, các phóng viên Phan Hoài Nam, Huỳnh Hữu Nhân, Lê Văn Tròn, Lê Đình Phụng… lần lượt ngã xuống tại Cần Giuộc, Bình Chánh (vùng Nam Long An); hai điện báo viên Nguyễn Đức Nhân, Phạm Văn Đệ… bị trúng bom hy sinh tại khu vực cầu chữ Y.

Trong suốt năm 1968, qua ba đợt tiến công và nổi dậy, Thông tấn xã có 50 phóng viên tin, ảnh, điện báo viên hy sinh. Đây là tổn thất vô cùng to lớn. Chưa bao giờ các nhà báo chiến sỹ thông tấn trực tiếp tham gia chiến đấu đông đảo như Tết Mậu Thân 1968. Với nhiệt huyết cách mạng, các nhà báo đã không quản hiểm nguy, đưa tin chiến thắng dồn dập, nhanh, kịp thời và dài hơi làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là một cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn, gây cho địch thiệt hại nặng nề, tạo ra một bước ngoặt quan trọng, khiến đế quốc Mỹ mất ý chí chiến đấu, buộc phải chuyển chiến lược từ “chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”; phải ngồi vào bàn đàm phán với ta và từ năm 1969, đơn phương rút quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam... 
“Trong khi những người thân của tôi ở vùng địch tạm chiếm lặng lẽ phục vụ chiến đấu thì vợ chồng tôi công tác ở phân xã TTXGP Khu 5 cũng lặng lẽ hành quân từ căn cứ Nam Quảng Nam hướng về thành phố Đà Nẵng. Càng đi đến gần thành phố càng hứng chịu nhiều trận bom pháo ác liệt, mấy lần chết hụt. Chiều 29 Tết, khi chúng tôi vào gần tới ngoại vi thành phố, một loạt đạn pháo địch rơi trúng một cụm hầm trú ẩn làm 23 đồng chí hy sinh tại chỗ, nhiều người khác bị thương. Cụm hầm đó chỉ cách hầm của phân xã chừng 30m. Nếu trọng pháo địch chệch đi vài milimet thì chắc chúng tôi không còn tồn tại tới hôm nay để được viết về đóng góp thầm lặng của mọi tầng lớp xã hội ở miền Nam và cả nước một lòng theo Đảng và Bác Hồ, vào thời điểm ác liệt đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang giải phóng làm nên chiến công vang dội Tết Mậu Thân 1968”.
(Nhà báo Võ Thế Ái, “40 năm cuộc Tổng tiến công 
và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Cả nhà vào trận”, 
Nội san Thông tấn, số 1+2/2008)


Bây giờ có ai hỏi: Trong đời phóng viên Thông tấn, kỷ niệm nào là sâu sắc nhất? Tôi sẽ thưa rằng: Đó là chiến dịch tôi góp sức cùng toàn ngành nỗ lực thực hiện thông tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
 

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san thông tấn số Xuân 2018