Thứ năm, ngày 02/05/2024

Truyền thống

Ba nhiệm kỳ thường trú tại Bắc Kinh


(12/04/2017 10:21:40)

Một chiều mưa tháng Ba, chúng tôi đến thăm nhà báo Trần Thư, nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh, tại ngôi nhà nhỏ ở phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Bên ấm trà thơm nóng, nhà báo già gần 80 tuổi chậm rãi ôn lại những hồi ức về ba nhiệm kỳ thường trú tại Phân xã Bắc Kinh (Trung Quốc) – phân xã nước ngoài đầu tiên của TTXVN được thành lập năm 1952.

Ông Trần Thư (người đứng thứ ba từ phải sang) dự Diễn đàn nhân dân Việt - Trung lần thứ 3, từ 23/9 - 25/9/2011 tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc


1. Lần đầu tiên nhà báo Trần Thư nhận nhiệm vụ làm phóng viên thường trú tại Bắc Kinh từ tháng 8/1966 đến tháng 3/1971.

Phân xã Bắc Kinh lúc đó, ngoài ông Thư còn có Trưởng phân xã Lê Tư Vinh, phóng viên Nguyễn Trung Tâm và điện báo viên Hoàng Thị Hà (vợ ông Lê Tư Vinh). Để có nguồn tin phong phú, ông Thư thường xuyên đi ra phố, đến những điểm có dán báo chữ to như quảng trường, khu vực cơ quan… để đọc báo và viết tin tham khảo gửi về Hà Nội. 

Giai đoạn này, Cách mạng Văn hóa tác động rộng lớn và mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung Quốc. Rất nhiều cuộc họp quan trọng, phóng viên VNTTX được phía Trung Quốc mời tham dự. Vì thế, Phân xã Bắc Kinh hầu như không để sót, lọt các thông tin quan trọng đang được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.

Thực hiện phương châm của VNTTX là đưa tin toàn diện, đa chiều, thông tin của Phân xã Bắc Kinh rất đa dạng, từ trong nhà máy, trên đồng ruộng, trường học đến thông tin nghị trường. Trong bối cảnh khá phức tạp, có thể nói, đây là nỗ lực vượt bậc của tập thể Phân xã Bắc Kinh.

Thẻ nhà báo của ông Trần Thư, đưa tin về kỳ họp thứ 5, Quốc hội Trung Quốc khóa 8, năm 1983

2. Tháng 4/1979, ông Thư nhận quyết định sang thường trú tại Phân xã Bắc Kinh nhiệm kỳ thứ hai. Vài tháng sau, Trưởng phân xã Lê Tư Vinh kết thúc nhiệm kỳ về nước, ông trở thành Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh từ đầu năm 1980 đến tháng 7/1984. Thời điểm này, Phân xã còn có hai phóng viên là Ngô Văn Khương và Kiều Tỉnh.

Có mặt thời điểm vừa xảy ra chiến tranh biên giới tháng 2/1979, ông Thư và anh em phóng viên đã trải qua thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của Phân xã Bắc Kinh. Nhiều sự kiện, cuộc họp báo tại Bắc Kinh có liên quan đến Việt Nam và khu vực, phóng viên Việt Nam không được mời. Với một cơ quan báo chí, bị bịt mọi đầu mối thông tin không khác gì một cơ thể sống thiếu máu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thông tin?

Ông Thư nhớ lại: “Trong hoàn cảnh khó khăn đó, chúng tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của phóng viên một số nước cùng thường trú ở Trung Quốc. Nhờ đó, chúng tôi vẫn nhận được đầy đủ thông tin và các bản dịch vẫn được sản xuất đều đặn để chuyển về Tổng xã”.

Thời điểm này, Việt Nam vừa giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nước. Phóng viên báo chí các nước xã hội chủ nghĩa thường xuyên tổ chức các buổi liên hoan, gặp gỡ để các nhà báo Việt Nam mở rộng quan hệ, trao đổi thông tin. Và một điều nữa, rất quan trọng, là đội ngũ anh em phóng viên Phân xã Bắc Kinh có trình độ chuyên môn tốt, ngoại ngữ trôi chảy, phát hiện và nắm bắt vấn đề nhanh nên cung cấp được khá nhiều thông tin quan trọng về Tổng xã.

3. Nhiệm kỳ thứ ba thường trú tại Bắc Kinh của nhà báo Trần Thư bắt đầu từ năm 1994 đến năm 1998 với vai trò là Trưởng phân xã.
*  Tháng 01/1950, Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.

* Tháng 10/1951, nhà báo Ngô Điền, Phó Tổng giám đốc VNTTX, được cử làm phóng viên thường trú của VNTTX tại Bắc Kinh. 

* Khi Phân xã Bắc Kinh chính thức được thành lập năm 1952 và là Phân xã nước ngoài đầu tiên của VNTTX, ông Ngô Điền giữ chức Trưởng phân xã.

* Lần lượt các Trưởng phân xã tiếp theo của Phân xã Bắc Kinh là các nhà báo: Lê Phú Hào, Lê Tư Vinh, Trần Hữu Năng, Trần Thư, Ngô Văn Khương, Kiều Tỉnh, Nguyễn Minh Lượng, Lê Sơn, Lương Ích Kiên, Nguyễn Xuân Chính, Lương Ngọc Chấn, Trần Huy Cậy, Hà Tường Thu và hiện nay là Lương Anh Tuấn.

Nhiệm kỳ này có khá nhiều thuận lợi, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và chính trị. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mở ra nhiều cơ hội phát triển quan hệ song phương. Nhiều đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam sang học tập, khảo sát làm ăn. Phía Trung Quốc, nhiều địa phương, doanh nghiệp chủ động đặt quan hệ, tìm hướng đầu tư ở Việt Nam, trong đó, họ đặc biệt quan tâm đến giới báo chí. 

Thông tin của Phân xã Bắc Kinh giai đoạn này khá đa dạng và phong phú, từ việc thực hiện các hiệp định và văn kiện hợp tác; quan hệ giao lưu, trao đổi giữa hai đảng, các bộ ngành liên quan và các địa phương vùng biên giới, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội…

Năm 1997, Tân Hoa xã đã trang bị cho Phân xã Bắc Kinh một máy thu tin trực tiếp. Từ đó, toàn bộ thông tin, thông cáo báo chí đều được gửi đến Phân xã đầy đủ và sớm nhất.

Nhắc đến sự giúp đỡ của Tân Hoa xã đối với Phân xã Bắc Kinh, ông Thư cho biết: Theo thỏa thuận hợp tác giữa TTXVN và Tân Hoa xã, suốt một thời gian dài khó khăn do chiến tranh và bao cấp, kinh phí hoạt động của phân xã eo hẹp, máy móc lạc hậu, nên hầu như việc truyền tin từ Bắc Kinh về Hà Nội phải nhờ đến Tân Hoa xã. 

Có thể thấy rằng, dù quan hệ hai nước có thăng trầm, song với sự giúp đỡ của Tân Hoa xã, đường truyền tin của ta vẫn luôn thông suốt. Trang thiết bị phục vụ sản xuất thông tin không thể mua được ở bên ngoài, các bạn Tân Hoa xã đã cung cấp cho chúng ta đầy đủ và kịp thời.

Kể từ khi chính thức thành lập năm 1952, suốt 65 năm qua, vượt lên mọi khó khăn, thậm chí cả những thách thức rất đặc thù, các thế hệ phóng viên của Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh đã nỗ lực hết mình, tận tâm tận lực, sẵn sàng cống hiến, với lòng yêu nghề, bằng trí tuệ và bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao phó.
 
Nguyên trưởng CQTT tại Bắc Kinh Hà Tường Thu làm tin truyền hình tại một hội nghị song phương ở Bắc Kinh

 

Theo Nội san thông tấn số 3/2017