Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Chân dung nhà báo

Nhà báo Đinh Chương và bản tin được bác Hồ sửa


(12/10/2016 16:26:06)

Sau thời gian lâm bệnh nặng, nhà báo Đinh Chương đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 25/9/2016. Với lòng kính trọng và tri ân nhà báo TTXVN đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng, Nội san Thông tấn xin giới thiệu những dòng hồi ký của ông về quãng thời gian làm báo được sự chỉ dạy ân cần của Bác Hồ kính yêu.

Nhà báo Đinh Chương (ngồi sau) trong buổi Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đan Mạch (7/01/1969)

Lần đầu viết tin về Bác
Một buổi chiều xuân ấm và đẹp, tôi đang dự hội nghị kiểm điểm công tác phát động quần chúng miền biển. Bỗng tiếng hoan hô vang dậy, cả hội trường:
- Bác! Bác đến!
- Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm!
Bác đến thăm hội nghị. Bác đây rồi mà tôi còn tưởng mình đang mơ. Lần đầu tiên được gặp Bác và cũng là lần đầu tiên trong đời phóng viên của tôi được viết tin về Bác, tôi vui mừng cảm động đến phát khóc và tưởng sẽ không viết được. Tôi ngồi lên hàng ghế đầu để được nghe thật rõ Bác nói, để ghi được lời Bác thật đủ. Tôi cố gắng tự trấn tĩnh cho lòng bớt hồi hộp, cho tay bớt run, tự nhủ mình quyết không được ghi sai, ghi sót lời Bác dạy. Một điều gì thiêng liêng cao quý như bao trùm cả tâm hồn tôi.
Tôi vừa ghi chép vừa tranh thủ ngước mắt nhìn ngắm Bác say mê nên có chỗ chữ tôi nguệch ngoạc, mặc dù tôi cố ghi chép thật đẹp, thật rõ những lời Bác nói.
Nói xong, Bác ra về. Tôi gấp sổ tay, bàng hoàng như chợt tỉnh một giấc mơ hết sức đẹp. Tôi muốn chạy theo để được gần Bác thêm giây phút nữa, nhưng Bác đã lên xe và hai chân tôi như dính lại trên mặt đất.
Suốt đêm ấy, tai tôi như còn văng vẳng lời Bác. Tôi cố viết cái tin thật súc tích, ngắn gọn, giản dị và dễ hiểu như lời Bác dạy, như lời Bác khuyên. Khuya lắm rồi, kim đồng hồ chỉ sang một ngày mới, tôi vẫn nắn nót từng chữ, chú ý từng dấu phẩy, dấu chấm... Đó là những giây phút hạnh phúc của tôi, những giây phút mãi mãi còn sống động.
 
Bài học quý từ những bản tin được Bác sửa
Ngày 10 tháng Giêng năm 1959, tôi được đi theo Bác đến thăm Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc, lớp nghiên cứu chính trị của trường Đại học Nhân dân và nông trường quân đội An Khánh. Chỉ trong một buổi chiều, Bác tranh thủ đi thăm ba nơi, mà nơi nào cũng quan trọng. Anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, dặn tôi là khi viết tin xong đưa lên để Bác xem và duyệt trước khi phát cho các báo, đài và in vào Bản tin trong nước.
Sáng 11, viết tin xong, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, tạm hài lòng với tin tương đối ngắn, giản dị, đầy đủ những lời Bác dạy, những điều Bác nêu. Các đồng chí phụ trách Bản tin trong nước và Bộ biên tập TTXVN sửa lại cẩn thận, rồi cho đánh máy rõ, đẹp, kính gửi lên Văn phòng Phủ chủ tịch.
Ngày 12, TTXVN nhận được bản tin từ trên Văn phòng Bác gửi lại. Nhìn bản tin có chữ màu đỏ Bác chữa, tôi vô cùng xúc động. Bác đã dành thì giờ xem tin, tranh thủ sửa ngay để có bản tin cung cấp sớm cho các báo ra hàng ngày tại Hà Nội và Đài tiếng nói Việt Nam, nhằm phục vụ nhanh nhất yêu cầu thông tin của xã hội.

Bút tích của Bác Hồ sửa tin “Bác đến thăm hội nghị học tập kinh nghiệm nông khẩn của Tổng cục Hậu cần” của nhà báo Đinh Chương, ngày 15/12/1958, đăng trên bản tin Trong nước


Bác hết sức chú ý đến nội dung chính trị trong từng chữ, từng chi tiết nhỏ, từng dấu chấm, dấu phẩy, cách đặt câu sao cho câu văn sáng sủa, dễ hiểu. Những chữ Bác dùng, những câu Bác chữa thật trong sáng, giản dị như tâm hồn của Bác.
Trong tin, tôi viết: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ cấp trên xuống dưới quan liêu, không nghĩ đến nhân dân, làm thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phụ trách thì không đến nỗi như thế”.
Bác sửa lại: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái, các địa phương làm hơn 100 cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách mà làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của nhân dân”.
Tôi viết ba câu, 66 từ. Bác sửa gọn lại thành hai câu, 51 từ mà rõ ràng, khúc chiết, súc tích biết bao! Lời Bác phê phán cán bộ mạnh mẽ và thiết thực. Trong khi tôi nêu số liệu cụ thể thì Bác tránh không nêu. Qua đó, chúng ta hiểu khi đưa ra con số cụ thể cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về lợi hại của nó.
Trong đoạn Bác đến thăm nông trường quân đội An Khánh, có câu tôi viết: “Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào dù ở trong nhà máy, nông trường, nông thôn cũng đều vẻ vang cả”. Bác sửa lại: “Cần phải xác định rõ bất kỳ lao động nào ích nước, lợi dân cũng đều vẻ vang cả”. Chỉ có bốn chữ “ích nước lợi dân” mà Bác đã nêu bật được ý nghĩa to lớn của lao động trên mọi lĩnh vực. Điều đó nhắc nhở chúng ta khi viết cần phải nêu bật được cốt lõi của vấn đề. Đó cũng là nét văn phong của Bác, thể hiện “lời ít ý nhiều” mà chúng ta cần ra sức học tập và khổ công rèn luyện.Tôi nhìn không biết chán những nét chữ tự tay Bác chữa trong tin tôi viết về hoạt động của Bác. Đọc lại từng dòng chữ đã sửa chữa tỉ mỉ của Bác, tôi sung sướng quá. Được giữ bản tin mang bút tích của Bác mãi mãi là một vinh hạnh cao đẹp và nguồn động viên quý báu, tôi đã thu hoạch được biết bao bài học quý giá. Lòng tôi tràn ngập niềm vui như một đứa trẻ vừa nhận được phần thưởng lớn. Suốt mấy ngày liền, tôi vẫn còn bàng hoàng như vừa qua một cơn mơ. Chốc chốc, tôi giở bản tin ra ngắm nghía chữ viết của Bác…

Nhà báo Đinh Chương, bút danh là Hồ Thu Ba, quê xã Hòa Khương, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Ông là phóng viên TTXVN từ năm 1953 ở An toàn khu Việt Bắc, đến cuối năm 1993 nghỉ hưu tại Đà Nẵng.
Ông vinh dự được phục vụ Bác Hồ từ năm 1956 - 1969 trong một số hoạt động đối nội, đối ngoại của Người. Sự ảnh hưởng từ Bác đối với nhà báo Đinh Chương sâu đậm đến mức, không chỉ trong quãng đời làm báo của mình mà cả những khi có dịp nói chuyện với lớp sau, ông luôn nhắc lời Bác dạy: “Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.Ngoài việc viết báo, ông còn có một số tác phẩm viết về Bác Hồ như: “Hòn núi cao”, NXB Nông thôn, 1959 (viết về Bác Hồ với nông dân và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp); “Những lần gặp Bác”, NXB Đà Nẵng, 1985; “Những kỷ niệm về Bác”, NXB Đà Nẵng, 1994…

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới (25/02/2016 14:56:41)

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)

Nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng, như tôi được biết  (10/02/2014 16:18:15)

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn (05/11/2013 09:56:21)