Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Văn nghệ

Mẹ


(03/10/2016 12:32:08)

Đi qua chiến tranh, phía sau hàng triệu người lính cầm súng xông pha ngoài chiến trường để giữ vững độc lập, thống nhất cho đất nước, là những người mẹ, người vợ tần tảo, nén đau thương, lặng lẽ hy sinh, tiếp sức mạnh cho cả dân tộc. Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết của tác giả Đào Đức Huệ về người mẹ đã dành cả một đời “dâu hiền vợ thảo” chăm cha mẹ già, con thơ khi người chồng ra chiến trận và mãi mãi không trở về.

Mẹ về hưu năm 1982. Cái quạt con cóc và cái giường mét hai bằng gỗ xoan để mộc được tháo rời ra, buộc gọn ghẽ phía sau cái xe đạp Thống Nhất đã bong gần hết sơn. Đấy là toàn bộ tài sản của một nữ Trưởng ban tổ chức huyện ủy khi về nghỉ hưu. Sáng hôm sau, mẹ kỳ cạch lắp cái giường, kê sát tận trong góc buồng, vì cái thứ xoan ngâm cứ thum thủm suốt cả ngày lẫn đêm. Còn cái quạt con cóc, mẹ mang đặt giữa phản, nơi ông nội hay ngồi đan tre và kết chổi rơm. Rồi mẹ tất tả cắp nón lên ủy ban xin thêm đất “năm phần trăm”, để tăng gia thêm. Với sào đất bãi ấy, mẹ phụng dưỡng ông bà nội cho đến khi các cụ quy tiên cùng với giọt nước mắt xót thương cho đứa con dâu lam lũ. Với hai sào đất bãi ấy, mẹ nuôi hai đứa con gái học hết sư phạm trở thành cô giáo, nuôi hai đứa con trai học hết đại học trở thành kỹ sư. Mà mẹ chỉ có một mình. Bố được động viên nhập ngũ sau đận Mậu Thân 68 khi đang là một huyện ủy viên. Bố lên đường, rồi đi luôn, thăm thẳm, không một lần tin tức về nhà. Sau này tôi mới hay, rằng mẹ đã biết tin bố hy sinh ở Đông Trường Sơn khi đang phụ trách công tác thương binh Xã hội của huyện. Mẹ đã giấu ông bà nội, giấu chị em tôi, một mình chịu đựng nỗi đau đớn tột cùng ấy suốt hơn một năm trời. Mẹ sợ ông bà nội sẽ héo hắt, vì bố là con trai duy nhất còn sót của ông bà. Hai bác trai tôi đã hy sinh thời Pháp thuộc, chưa ai có vợ. Hôm chúng tôi tìm mang được hài cốt bố về, mẹ không khóc được, chỉ ngồi ôm chặt cái túi du lịch ấy hàng giờ, không chịu buông ra. Khi làm lễ an táng ngoài nghĩa trang liệt sỹ, lúc mở túi chỉ nhìn thấy hộp sọ và lưa thưa một ít cốt bố, lẫn lộn cả đất sỏi và rễ cây, mẹ vẫn không khóc, chỉ trân trân nhìn vô định, lả dần đi rồi ngất lịm...
Một thời gian sau mẹ ngã bệnh. Mẹ bị tai biến mạch máu não, hôn mê hơn ngày trời. Khi tỉnh lại được, mẹ gần như mất hết trí nhớ, liệt nửa người và không còn khả năng nghe nói. Các con trai, gái, dâu, rể cố gắng tối đa để có thể mua cho mẹ loại biệt dược đắt tiền theo lời khuyên của bác sỹ. Nhưng mỗi khi tiêm, mẹ lại đưa đôi mắt đờ đẫn của mình nhìn đau đáu nơi ống thuốc, rồi mẹ chậm chạp nhắm mắt lại, rồi từ từ mở mắt ra, rồi lại chậm chạp nhắm, lại từ từ mở... cứ thế. Khi hiểu ra rằng, mẹ không muốn tiêm thuốc, vì nó quá đắt tiền, chị em tôi chan hòa nước mắt nghẹn ngào.
Hôm chúng tôi mua cho mẹ cái xe lăn, đẩy mẹ đi vòng quanh nhà, sang chơi hàng xóm, ra ngoài triền đê lồng lộng gió, mẹ như khỏe lại, mặt mẹ sáng bừng, rạng rỡ. Nhưng mẹ chỉ ngồi xe đâu được dăm ba lần, rồi mẹ đi luôn, đi hẳn, với phảng phất nét cười thanh thản.
Bố là một liệt sỹ dũng cảm, kiên trung, còn mẹ là một chiến binh can trường, thầm lặng. Tiền bạc mà mẹ để lại là 620.000 đồng, toàn tờ 10.000 đồng đã nhàu nát bọc trong tấm giấy báo cất nơi đáy hòm gỗ. Nhưng tài sản vô giá mà chúng con được thừa kế từ mẹ là lẽ sống, là lối sống, được chắt chiu, lắng đọng từ chính cuộc đời của mẹ, mẹ ơi !

Đào Đức Huệ
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Vẻ đẹp phụ nữ” của Đặng Kim Dung  (07/04/2016 10:24:13)

Thơ (07/04/2016 10:15:29)

Thơ (26/02/2016 14:22:33)

Năm Thân đến thăm các "đảo khỉ" nổi tiếng của Việt Nam (26/02/2016 14:17:25)

Bài thơ: Tìm mộ chốn rừng xưa - Thanh Bền (04/08/2015 14:54:11)

Hóa ra Tây cũng lắm thứ "kiêng" đầu năm mới (13/02/2015 16:58:02)

Thơ (13/02/2015 16:53:05)

Trang phục ngày Tết bốn phương (13/02/2015 16:44:23)

Góc cười (13/02/2015 10:29:41)

Những lễ hội kỳ dị trên Thế giới (12/02/2014 10:08:23)