Thứ hai, ngày 29/04/2024

Truyền thống

Ăn Tết ta ở một gia đình Czech - Việt


(25/02/2016 15:46:33)

Cuộc đời làm báo khiến tôi đón nhiều cái Tết xa nhà, mãi rồi cũng quen. Song cái Tết Nguyên đán đầu tiên trên đất Czech để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng.

Đại gia đình Czech - Việt đón Xuân mới

Đặt chân đến Czech, tôi có dịp làm quen với luật sư Vladimir Gelbis. Chúng tôi kết thân với nhau và trò chuyện bằng các thứ ngôn ngữ hỗn hợp Czech - Anh Nga nhưng nhiều nhất vẫn bằng tiếng Nga. Ông yêu mến Việt Nam, có nhiều người bạn Việt và chơi thân với một số gia đình Czech - Việt. Ông nói với tôi: "Trong số các cặp Czech - Việt thì tôi biết một cô dâu Czech gần như đã "Việt hóa" hoàn toàn. Đó là chị Vera Đinh".

Sau này, khi đã nhiều lần tiếp xúc, đặc biệt là sau bữa cỗ tiễn năm Giáp Ngọ và đón năm Ất Mùi, tôi thấy lời nhận xét đó hoàn toàn chính xác. Chị Vera Đinh quả là một phụ nữ đảm đang, hết mực vì chồng, vì con.

Trước Tết khoảng một tuần, tôi gặp chị Vera ở chợ Sapa. Trong số các chị em đang tít tít lựa chọn hàng trong dãy cửa hàng thực phẩm châu Á, có một phụ nữ Âu dáng cao, tóc vàng nhạt. Thì ra là chị Vera Đinh đi sắm Tết. Chị mua nào gạo nếp, cây giò, quả gấc, cặp bánh chưng, hộp mứt, thẻ hương rồi thì "bộ tam" dừa, đu đủ, xoài ("vừa đủ xài"). Chị đon đả mời tôi tối tất niên đến nhà "uống chén rượu nhạt". Tôi nhận lời ngay vì cũng muốn biết Tây ăn Tết ta trên đất Tây như thế nào.

Ngôi nhà của anh Đinh Hóa và chị Vera Đinh ở thị trấn Dobris, cách trung tâm thủ đô Praha khoảng 50 km.

Khi tôi đến, được chứng kiến chị Vera đang thoăn thoắt cắt bánh chưng bằng dây lạt tước nhỏ. Cái cách chị túm dây, lật bánh thật khéo như một bà nội trợ đảm đang ở phố cổ Hà Nội. Cỗ Tết cũng đầy đủ các món như ở Việt Nam: bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, canh măng, gà luộc, thịt kho Tàu, nem rán... Được biết, món nem rán của chị Vera đã nức tiếng trong cộng đồng người Việt, nem thơm phức, có vỏ màu vàng, nhân thịt mềm, chỉ cần cắn một miếng đã cảm được vị giòn của bánh đa nem, cộng với vị chua ngọt thanh tao của nước chấm. Xôi gấc do chị đồ bằng nồi cơm điện cũng rất khéo, có màu đỏ au, hạt xôi dẻo, thơm nức mùi gấc đặc trưng.

Có lời đồn rằng các nhà hàng Việt ở Praha rất "cảnh giác" với một "cô Tây" chuyên khám phá bí quyết các món đặc sản của họ. Chị Vera thừa nhận, chỉ cần nếm qua một món ăn lạ nào đó là chị cũng có thể đoán ra nguyên liệu và cách thức chế biến. Chị cũng có ý định mở một quán ăn Việt ở thị trấn Dobris.

Các món ăn Việt do chị Vera Đinh chế biến cho cỗ tất niên rất ngon và không bị "lai Tây". Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là cách chị huấn luyện đại gia đình bên ngoại dùng đũa như những người Việt. Chị tâm sự: "Vào dịp Giáng sinh, tôi mời rất nhiều người họ hàng bên ngoại và một vài người nhà anh Honza (cách gọi thân mật anh Đinh Hóa). Còn dịp Tết ta thì tôi hẹn những người thân nhất bên nhà vợ đến để cùng tôi tiếp đãi khách nhà chồng. Ai cũng phải ăn món ăn Việt và phải dùng đũa cho đúng nếp nhà.

Chị Vera nghe tiếng Việt rất tốt, còn nói thì chưa được nhiều. Nhưng chị nói tiếng Việt từ nào là "chết" từ ấy, vừa chuẩn về phát âm, lại rất hợp ngữ cảnh. Người mẹ Czech này cũng hết sức khuyến khích các con học tiếng cha đẻ. Chị thường bảo cậu con trai cả tên là Filip, năm nay 11 tuổi: "Con mang họ Đinh của bố, vậy con là người Việt. Người Việt mà mù tiếng Việt là mất gốc". Nhờ sự giáo dục này mà Filip luôn tự nhận là người Việt "xịn", dù ngoại hình giống bên ngoại nhiều hơn.

"Thuyền theo lái, gái theo chồng". Quan niệm này bị nhiều người Việt Nam cho là lỗi thời. Song chị Vera, một phụ nữ Czech sinh ra và lớn lên ở một đất nước đề cao nữ quyền, lại tự giác thực hiện khá triệt để. Chị và các con rất thích về quê chồng dù đó là miền quê nghèo ven sông Lam, lụt bão liên miên. Mỗi lần về Việt Nam là cả nhà dắt díu nhau đi thăm hỏi bằng hết anh em họ hàng theo đúng phong tục đôi khi hơi nhiêu khê của người dân xứ Nghệ. Mặc dù là tín đồ đạo Thiên Chúa nhưng chị rất chịu khó hương khói cho cụ thân sinh của chồng. Rằm, mồng Một có lọ hoa tươi và đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ. Ngày giỗ, ngày Tết chị soạn mâm cơm cúng, không quá thịnh soạn nhưng với tấm lòng thành.

Tôi nhớ mãi lời dặn chồng và con của chị Vera trong buổi tối cuối cùng của năm Giáp Ngọ: "Em đang dở tay cắt bánh chưng. Hai bố con chuẩn bị thắp hương cho các cụ kẻo ở Việt Nam sắp đến giao thừa rồi. Anh và con nhớ khấn tổ tiên phù hộ cho nhà ta sức khỏe và sự bình an. Đừng xin nhiều làm các cụ khó nghĩ. Có sức khỏe thì nhà ta không lo túng thiếu, vợ chồng bảo nhau làm lấy mà ăn chứ không nên ngồi đợi lộc tự đến".

Anh Đinh Hóa xa nhà từ khi còn rất trẻ, lại là con trai út nên rất mù mờ việc lễ lạt, giỗ Tết. Anh cho biết: "Nhiều người khen tôi khéo dạy vợ Tây về phong tục Việt. Thật ra có nhiều chuyện tôi được vợ Tây dạy cho mới biết. Chính Vera khởi xướng việc năm nào cũng mời anh em, bạn bè bên nội đến ăn cỗ tất niên. Vera bảo tôi, anh đừng ngại em vất vả. Em biết ở Việt Nam, Tết là dịp người thân quây quần, bạn bè thăm hỏi. Anh đã lâu rồi không về quê đúng dịp cuối năm, rất thiệt thòi. Hơn nữa, em muốn các con được cảm nhận thế nào là một cái Tết Việt.

Không chỉ bé Filip và Tina (con gái út của anh chị Đinh Hóa - Vera Đinh) mà chính người viết bài này cũng đã cảm nhận được một cái Tết Việt đúng nghĩa ở ngay trái tim châu Âu.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016