Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Truyền thống

Nhà báo là phải...lắm chiêu


(25/02/2016 15:17:34)

Là phóng viên thường trú, ngoài chuyện "vua biết mặt, chúa biết tên", đều phải "lên rừng - xuống biển", có mặt ở từng ngõ ngách tại địa bàn. Trong những lần len lỏi viết bài cho Tết, không ít lần tôi cũng liều mạng làm cả những việc... không giống ai.

Nhà báo Phạm Kha (phải) phỏng vấn người dân huyện Tuy An, Phú Yên

Nói tiếng Ê-đê và phỏng vấn nhân vật tại ...WC

Xã Suối Trai, huyện miền núi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) là một trong những xã nghèo khó khăn nhất. Một lần, để viết bài cho Tết, tôi đã đến đây và được Hội nông dân xã giới thiệu mô hình sản xuất giỏi của anh em người Ê-đê là Y Pe và Y Pít. Điều lạ là Y Pít thuê rất nhiều người trong xã chăn bò cho anh, mỗi người được giao tới hàng trăm con bò. Riêng hàng chục hecta mía, anh thuê cả người Kinh làm việc cho mình.

Trong căn nhà sàn, Y Pít đang ngồi uống rượu cùng với những người mà mình thuê làm, có cả người Kinh. Mặc cho chủ tịch Hội nông dân giới thiệu tôi là nhà báo đến viết bài về gương người tốt - việc tốt, về cách làm kinh tế giỏi của anh. Thế nhưng, Y Pít không hề nói lời nào, chỉ lặng lẽ ngồi uống rượu.

Sau khoảng nửa giờ, chờ ly rượu xoay vòng tới chỗ mình, tôi cầm lên đưa về phía Y Pít, nói: "Tua ayoung, atươi mnăm plei chăm pei!". Y Pít cứ tròn xoe mắt, nhìn tôi uống hết ly rượu rồi rót lại đưa cho anh. Y Pít uống liền mấy ly. Sau ly rượu giao lưu đó, tôi không cần hỏi câu nào, Y Pít tự nói hết, từ cách làm kinh tế đến cả tật xấu của hai anh em và của vợ, kể cả vàng được giấu trong ống tre như thế nào, không sót một chi tiết nhỏ. Sau chuyến này, tôi có một bài viết hay.

Câu tôi nói với Y Pít bằng tiếng Ê-đê đơn giản chỉ là: "Hai anh em mình uống với nhau một ly!".

Lần khác, cũng viết bài cho Tết. Tôi đi cùng một phóng viên trẻ của báo Phú Yên viết về mô hình nuôi ba ba mới nở rộ đạt hiệu quả cao của xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, là xã cực Bắc của tỉnh Phú Yên, giáp thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Sau khi làm việc, chúng tôi cùng bạn bè đến một quán nhỏ mới mở trên đầm Cù Mông, một trong hai đầm nước lợ với các loại hải, thủy sản nổi tiếng của Phú Yên. Trong lúc lai rai, tôi nghe loáng thoáng bàn bên cạnh là những thanh niên bộ đội vừa mới xuất ngũ. Họ đang bàn với nhau về công việc sắp tới, về những dự định lập nghiệp cho tương lai.

Chủ quán nơi chúng tôi ngồi nhậu cũng là một quân nhân mới xuất ngũ. Tôi liền nảy ra ý định viết về họ, về những thanh niên vùng nông thôn Sông Cầu sau khi xuất ngũ tìm cách lập nghiệp. Thế là tôi để ý, chờ lúc "nhân vật chính" của bàn bên cạnh đi... vệ sinh. Tôi cũng đi... vệ sinh và bắt chuyện ngay tại... WC.

       Điều buồn cười nhất là anh phóng viên trẻ mới vào nghề kia đã để ý... tôi. Sau chuyến tác nghiệp phỏng vấn nhân vật tại WC của tôi, thì hễ có đối tượng nam nào của bàn bên cạnh đi vệ sinh anh ta cũng đứng lên... đi và cũng... phỏng vấn.

Sau cuộc này, chúng tôi có được bài viết khá hay về những anh bộ đội mới xuất ngũ, tất nhiên là có bổ sung nhiều thông tin ở bên ngoài... WC.

 

Đặt tên cho quán, quảng cáo cho vườn hoa

Trong chuyến đi đến xã Xuân Hải, Sông Cầu (Phú Yên), tôi gặp anh chủ quán tên Chế, vợ tên Sen. Quán tên là quán nổi "Chế Sen", quán đầu tiên trên đầm Cù Mông theo ý của vợ. Tôi bảo anh: "Quán đầu tiên thế này mà làm bèo nhèo, tên quán bèo nhèo làm sao có khách!". Sau nhiều lần được nài nỉ, tôi nổ: "Tui cho ông cái tên mà chỉ mới nghe thôi, dân nhậu đã biết là quán ông "chất lượng hoàng gia - giá bá tánh".

"Bồng Bềnh" được ra đời từ đó. Chỉ sau ba năm, Bồng Bềnh là một trong những điểm du lịch ẩm thực hải sản, nhà hàng nổi nổi tiếng Phú Yên; chủ quán thì sắm hai "con" ô tô. Quanh khu vực heo hút ngày trước không chỉ có một mà đến ba nhà hàng nổi nối tiếp nhau và đều là người nhà, anh em của vợ chồng Chế - Sen cả. Còn bên kia đầu cầu là cả một Khu Bồng Bềnh.

Mới đây, gặp lại anh chủ quán tên Chế mới biết rằng "Bồng Bềnh" đang được lôi vào một cuộc tranh chấp. Ông chủ trẻ giàu có kể: "Lão quán phía trước mình nói với mọi người là: "Vợ chồng thằng Chế nó nhờ có cái tên Bồng Bềnh thôi chứ có hơn gì người ta". Thế là lão lấy tên quán là "Khu Bồng Bềnh". Mà chữ "Khu" lão viết nhỏ xíu không ai thấy; còn chữ "Bồng Bềnh" viết thiệt to. Khổ cái là quán lão ở đầu cầu, quán mình ở bên kia cầu. Thế mới mệt!".

Quyết giữ được thương hiệu "Bồng Bềnh", Chế vào tận Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Yên làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Chế cười khoái chí: "Gặp lại mày khỏe rồi, có gì tranh chấp thì mày ra làm chứng. Vừa là nhà báo, vừa là người đặt tên quán. Chắc thắng!".

Chuyển công tác về Bình Định. Lần đầu tiên lân la làng mai vàng nổi tiếng ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn. Thấy tôi cứ lượn qua lượn lại trước gian hàng... điện cơ, ông chủ bày mấy chậu mai vàng bon-sai nhỏ xíu hỏi: "Mua mai hả chú? Xem đi, ưng không?". Tôi nhìn qua, đáp: "Mai gì mà lèo tèo thế này cũng bán!". Ông thợ điện cơ hỏi lại: "Chú thích xem không, cả vườn 6.000 chậu mai phía sau nhà kìa!". Tôi theo Sáu Hồng ra vườn mai vàng và tôi bị... ngợp.

Hai tuần sau, khi mai đã vàng và Tết đã cận, tôi quay lại vườn Sáu Hồng. Ông chủ vườn bảo: "Nhờ chú làm sao đưa anh lên nổi nổi một chút!". "A! Tưởng gì. Dễ ợt". Tôi bảo Sáu Hồng đến chỗ làm mỹ thuật quảng cáo in một bảng "Vườn Mai Sáu Hồng", bên dưới có số điện thoại, cắm vào giữa vườn mai. Khi phỏng vấn lên truyền hình, Sáu Hồng đứng phía trước tấm bảng.

Lần thứ ba quay lại, Sáu Hồng cười khoái chí: "Khắp nơi gọi điện đặt mai, ở tận miền Nam, miền Bắc. Tao hỏi sao biết mà đặt thì họ nói số điện thoại của ông chình ình trên tivi! Giờ thì họ chuyển tiền qua tài khoản, đưa xe tải tới, mình chỉ việc đưa mai lên xe là xong".

Vào những mùa mai sau đó, Sáu Hồng không còn ngồi chèo queo trước cửa tiệm điện cơ nữa. Người nhà của anh cũng bỏ nghề theo anh trồng mai vàng.

Sau lần "quảng cáo miễn phí" đó, Sáu Hồng có mời tôi ăn cơm với gia đình một lần. Ấy vậy mà Sáu Hồng khoe với cánh báo chí (có cả phóng viên mới của cơ quan thường trú) mỗi lần tìm đến vườn mai: "Phóng viên à. Biết Thông tấn xã Việt Nam không? Anh với thằng Kha thân như anh em. Nó đi qua đây còn vào nhà anh lục... cơm!".

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Khuôn hình mùa xuân (25/02/2016 15:13:38)

Kỷ niệm 40 năm VNTTX và TTXGP thống nhất thành TTXVN: Lịch sử tên gọi" Thông tấn xã Việt Nam" (25/02/2016 14:20:20)

35 năm ấy biết bao nhiêu tình (12/01/2016 10:49:50)

“Cầu Người” – Một bức ảnh quý giá  (04/11/2015 15:04:29)

Hoạt động về nguồn tại Tây Ninh (03/11/2015 15:38:35)

Chiếc xe đạp của anh Sáu Nghĩa (03/11/2015 15:33:38)

Đời sống ở R (12/10/2015 11:08:36)

Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam. (15/09/2015 11:25:59)

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)