Truyền thống
Con đường đến với Thông tấn xã Giải phóng
(08/12/2015 15:09:37)
Ngày 4/4/1965, đoàn 48 cán bộ, biên tập viên, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) chi viện cho Thông tấn xã Giải Phóng (TTXGP) lên đường. Trong đoàn có "lão đồng chí" Bùi Đình Túy (tức Đinh Thúy), Phó Chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh; cán bộ tin Trong nước (Phạm Nho Nghĩa), cán bộ tin Thế giới (Nguyễn Bá Ngạc, Nguyễn Văn Phác, Nguyễn Đức Giáp); cán bộ Điện vụ (Ngô Dương Giáo, Nguyễn Văn Trang) và tôi, Nguyễn Đức Chính- cán bộ Ảnh.
Trước đó một năm, ông Hoàng Tư Trai, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc nói với tôi: "Cơ quan quy hoạch cán bộ, đồng chí có hai khả năng, hoặc là đi học nhiếp ảnh ở nước ngoài, hoặc đi vào chiến trường Nam Bộ hai năm, xong trở về Hà Nội". Tôi nói: "Đồng ý đi Nam rồi trở về đi học sau". Sắp đến ngày lên đường, đồng chí Vũ Linh, Phó Tổng giám đốc, Phó Tổng biên tập VNTTX, gặp mặt tôi và anh Phạm Nho Nghĩa. Đồng chí Vũ Linh bảo: Vào trong ấy, anh Nghĩa làm Trưởng phòng tin Trong nước, anh Chính làm Trưởng phòng Ảnh.
Khi tiễn đoàn lên đường, cán bộ Ban Thống Nhất Trung ương nói: Các đồng chí đi chuyến này là đi thí điểm mùa mưa. Thật sự, lúc ấy chẳng ai quan tâm chuyện thời tiết. Đến khi tới Trường Sơn mới thấu hiểu mùa mưa núi rừng như thế nào. Sau này, khi xuất bản truyện ký "107 ngày đêm Trường Sơn" (NXB Ebook), tôi thống kê thì có đến 90/107 ngày đêm mưa. Mưa tầm tã, mưa ngày, mưa đêm. Quần áo không kịp giặt, không kịp khô; mặc vào hành quân, tự ướt tự khô; đồ trong ba lô bị ẩm mốc trắng. Đến bãi nghỉ qua đêm, kiếm không được củi khô, phải cắt quai dép râu mà mồi lửa. Đường mòn trơn trượt, chống gậy mà vẫn "vồ ếch". Lại thêm nạn vắt đỏ vắt xanh hút máu tươi! Nghĩ mà rùng mình. Đói, đói đến vàng da, đến khô quắt con người. Người đi rừng bị "tào tháo đuổi", rồi cảm cúm, sốt rét ác tính, nôn thốc nôn tháo. Trong đoàn có người hen, đau dạ dày mãn tính; ai không đủ sức lết thì nghỉ lại trạm giao liên, chờ đỡ lại bám theo đoàn khách sau mà đi tiếp. Những ai có vợ con ở Hà Nội thì phải sống cảnh "ngày Nam đêm Bắc". Vậy mà lòng quyết tâm - quyết tâm đến đích, cùng nhân dân kháng chiến giải phóng miền Nam cứ bừng bừng.
Vào đến căn cứ cơ quan TTXGP, đồng chí Vũ Linh, người đã tiễn đoàn ở Hà Nội giờ là Giám đốc TTXGP, lại đón chúng tôi. Nghỉ được vài ngày lại sức, đồng chí dẫn tôi vào một cánh rừng kế bên mà nói: "Đấy, anh chọn chỗ mà làm căn cứ của phòng Nhiếp ảnh". Hóa ra, chưa hề có một phòng ảnh; tôi phải cùng anh em dựng nên cái phòng này.
Thế là làm căn cứ. Rời ba lô Trường Sơn là cầm cuốc xẻng đào giao thông hào, làm hầm tránh bom Mỹ. Rồi đi chặt cây rừng dựng cột, lắp kèo và đòn tay cho nhà bếp trước khi làm nhà mình ở. Có anh em trong cơ quan chỉ dẫn: Đổi công nhau làm nhà, đi cắt tranh, cõng về, đánh tấm lợp mái hoặc tìm hái lá trung quân (một loại dây leo, bản lá to như lá mít nhưng dài hơn, khi khô không quăn queo, màu nâu như màu ngói cũ, châm lửa không cháy), chẻ tre làm ghim, chằm thành tấm lợp nhà. Khi dựng cột nhà phải tính toán khoảng cách để dùng làm cột mắc võng nằm.
Sau một tháng lao động, đến ngày 23/8/1965, phòng Nhiếp ảnh TTXGP đã chính thức nhận quyết định thành lập.
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)
“Cầu Người” – Một bức ảnh quý giá (04/11/2015 15:04:29)
Cơ quan thông tấn tại Rạch Giá - Đau thương và anh dũng (04/11/2015 10:03:42)
Hoạt động về nguồn tại Tây Ninh (03/11/2015 15:38:35)
Chiếc xe đạp của anh Sáu Nghĩa (03/11/2015 15:33:38)
55 năm TTXGP anh hùng (03/11/2015 15:19:29)
Đời sống ở R (12/10/2015 11:08:36)
“Thông tấn xã trong tôi” là những điều gần gũi, giản dị (12/10/2015 10:50:48)
Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)
Thông tấn xã Việt Nam - Bảy mươi năm phấn đấu vì nước vì dân (16/09/2015 10:41:18)