Thứ ba, ngày 14/05/2024

Truyền thống

Đời sống ở R


(12/10/2015 11:08:36)

Tôi có mười năm sống và làm việc tại Phòng Ảnh (về sau gọi là B22) của TTXGP. Chuyện tác nghiệp thì đã nhiều người kể lại. Trong bai báo này, tôi muốn kể về những kỷ niệm trong đời sống, những chuyện dường như nhỏ nhặt nhưng lại là một phần quan trọng trong cuộc sống của những cán bộ, phóng viên TTXVN lúc đó.

Vừa là phóng viên vừa là chiến sĩ trong trận chống càn Junction City (1967)

 

Khởi hành từ trạm giao liên Làng Ho (Quảng Bình), sau bốn tháng đi bộ trên đường Trường Sơn, đến khoảng tháng 7 năm 1966, tôi cùng đoàn phóng viên từ Bắc vào, đã về tới R- căn cứ của TTXGP trong rừng Tây Ninh.

Lúc ấy, hai bộ phận lớn nhất cơ quan là B7 (phóng viên, biên tập, văn phòng) và B8 (kỹ thuật). Dân Phòng Ảnh chúng tôi ăn chung bếp với B7, cô Út Năng và bà Hai làm cấp dưỡng. Bốn tháng đi bộ khắc nghiệt đã làm cho tôi kiệt sức, lại thêm căn bệnh dạ dày mắc phải đã lâu, nên trong tháng đầu ở Phòng Ảnh tôi không thể ăn cơm, dù là cơm nhão. Người chịu khó bỏ công giúp tôi lúc đó là Út Năng. Cứ mỗi ngày, tôi đem cái hăng-gô đến bếp B7, nhờ cô Út nấu cháo loãng thật là nhừ.

Phòng Ảnh nhanh chóng trở thành ngôi nhà ấm cúng của tôi. Tôi về Phòng Ảnh chưa lâu thì gặp trận càn Junction City: 45 ngàn quân Mỹ càn vào rừng, tấn công R. Tôi vẫn nhớ, ngày 7/3/1967 ấy, ngay từ sáng đã thấy nhiều máy bay trực thăng quần đảo, chúng bay thấp, động cơ phát ra tiếng ồn lớn. Ai nấy vẫn yên vị nhưng đồ đạc thì đã thu xếp gọn gàng. Bỗng một tiếng nổ lớn kèm theo hàng tràng liên thanh rộ lên... Mọi người tức tốc chạy về biên giới Miên rồi trụ lại đó.

Tiếng nổ lớn đó là phát đạn AT của Trần Ngọc Đặng, đồng nghiệp của tôi ở Phòng Ảnh, một người có dáng vẻ rất thư sinh. Đặng bắn vào xe tăng M-48, chiếc dẫn đầu đoàn xe của quân Mỹ. Trận đánh xe tăng Mỹ của tổ du kích TTXGP diễn ra rất nhanh, Trần Ngọc Đặng hy sinh anh dũng. Cuộc quyết chiến này đã ghi một dấu son trong lịch sử oai hùng của ngành thông tấn.

Sống ở rừng hiếm có người không bị sốt rét. Tuy nhiên, nữ giới ít bị sốt hơn nam. Người có thói quen ngủ trưa dễ bị sốt, nên vào ban ngày, mỗi người cần tìm việc gì đó mà làm để tránh buồn ngủ. Ở B22 có Oanh Liệt "khéo tay hay làm". Anh hay làm đèn dầu hỏa bằng vỏ chai alcohol. Đèn alcohol có hai ưu điểm: Thứ nhất, khi đậy nắp chai, dù đi nhanh, dầu hỏa trong đèn vẫn không bị rớt ra. Thứ hai, có thể dùng đèn alcohol để soi đường bằng cách ngắt một lá cây rừng chiều ngang chừng bốn ngón tay, rồi kẹp phía sau ngọn đèn, thế là cứ đi thoải mái, đèn không tắt. Những cái nắp che đầu đạn M79 của Mỹ, bằng nhựa màu trắng, anh Liệt cũng khéo léo ghép từng cặp nắp, hàn lại thành ly uống nước trà. Loại ly nắp M79 này cũng được các bộ phận của TTXGP ưa dùng.

 

Đèn tự chế làm từ vỏ lọ thuốc của phóng viên TTXGP sử dụng ở chiến trường miền Nam.

Ngôi nhà lợp lá trung quân của TTXGP trong chiến khu Tây Ninh (1973)
Lại nói về việc sống ở rừng với những điều kiện khắc nghiệt, cuộc sống tất nhiên kham khổ nhưng do chúng tôi tích cực tìm cách cải thiện nên vẫn có những lúc tươi. Những năm trước 1970, căn cứ R khá yên tĩnh; B7 và B8 đều có nuôi heo, ít nhất cũng đảm bảo có thịt heo đón Tết âm lịch. Một số người còn nuôi gà, bởi việc nuôi gà ở rừng rất đơn giản do có những ổ mối là nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng và vô tận. Ngoài ra, còn một nguồn đạm nữa là thịt rừng. Khu rừng căn cứ của các cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn R không có thú lớn lên nên kết quả săn được thường chỉ là những con mễn, chồn, trúc, nhím, kỳ đà ...Phòng Ảnh có anh Chí Hải rất mê săn thú rừng (về sau có thêm Trần Ấm, Tư Văn là những thiện xạ). Thật ra, việc săn thú rừng gây tiếng nổ trong rừng vùng căn cứ là phạm quy. Vì vậy, thợ săn phải tìm cách tạo ra tiếng nổ càng nhỏ càng tốt. Trong kháng chiến, cán bộ cấp thấp không có súng săn, còn trong các súng quân dụng thì khẩu carbine là tối ưu bởi vì nó nhẹ, không giật, tiếng nổ nhỏ hơn và vết đạn trên con thú cũng nhỏ. Khi cần đi săn, anh Hải phải mượn súng carbine. Do điều kiện hạn chế, nên việc săn thú rừng cũng không thường xuyên. Tuy nhiên, lai rai, thi thoảng, B22 cũng có thú rừng để thưởng thức. Tập quán của Phòng là bất kể ai săn được thú lớn hay thú nhỏ thì đều đem đến bếp để ăn chung.

Đã là phóng viên ảnh thì đến hiên trường mới chụp được ảnh. Mỗi chuyến công tác, phóng viên ảnh TTXGP thường phải đi một mình với cái "bồng" trên lưng gồm một ít đồ cá nhân và chỉ một cái máy ảnh 3x4 cm của Đông Đức (không tê lê, không góc rộng, không đèn flash) với chục cuộn phim, âm bản và bài thuốc tráng phim chục - trăm - ngàn. Với trang bị như thế, tôi đi một tháng, ba tháng, thậm chí đến hai năm và thường đến những nơi xa, có khi tận miệt Cà Mau, Rạch Giá. Khi được trở về R với B22 thì cứ như về với gia đình. Đó là lúc được gặp lại để mà hàn huyên cùng các anh chị em trong cơ quan. Hiển nhiên là phóng viên chiến trường luôn đánh cược tính mạng với rủi ro bom đạn; vì vậy, những lúc có thể chuyện trò và cùng nhau lai rai chút rượu, chén trà, điếu thuốc trong một không gian tĩnh lặng tương đối của rừng là khoảng thời gian thư giãn quý báu mà chỉ những người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu hết giá trị của nó.

Giờ đây, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã trở thành quá khứ, 40 năm đã qua nhưng tôi vẫn nghĩ về Phòng Ảnh - TTXGP - R, nhớ về các đồng nghiệp Trần Ngọc Đặng, Tấn Tài, Chí Hải, Tấn Đạt, Thanh Vũ, Út Năng, Oanh Liệt, Võ Văn Quy, ông Đình Thúy, ông Ba Mi và những anh chị em mà tôi được cùng sống, công tác và chiến đấu, cùng chia sẻ công việc, tâm tư, tình cảm và biết bao điều trong cuộc sống.

Nguýằ…n Văn Thiỏằu - NguyÃên phóng viÃên TTXGP
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam. (15/09/2015 11:25:59)

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)

Sâu lắng những tấm lòng (04/08/2015 15:08:44)

Người đi tìm đồng đội (04/08/2015 14:51:05)

“Chiến sĩ” Thông tấn xã Việt Nam trên đất Lào  (07/07/2015 10:38:46)

Cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh (08/06/2015 11:38:54)

“Đấu tranh thống nhất” Bản tin quan trọng bậc nhất của VNTTX  (02/04/2015 15:07:38)

Tri ân vị Đại tướng của nhân dân (13/02/2015 16:16:53)

Tình yêu nâng bước các nhà báo chiến trường (13/02/2015 15:45:27)