Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Chúng tôi đã học làm báo như thế...


(04/08/2015 15:44:15)

Thấm thoát đã 20 năm kể từ khi lớp sinh viên mới ra trường chúng tôi thi đỗ vào Khóa 20, khóa đầu tiên của TTXVN được thi tuyển rộng rãi sau thời gian khá dài công tác nhân sự "im ắng". Thế là chúng tôi gia nhập làng báo thông tấn.

Học viên Khóa 20 phỏng vấn Chủ tịch Quốc Hội Nông Đức Mạnh tại Hội báo Xuân Ất Hợi 1995

 

Thấm thoát đã 20 năm kể từ khi lớp sinh viên mới ra trường chúng tôi thi đỗ vào Khóa 20, khóa đầu tiên của TTXVN được thi tuyển rộng rãi sau thời gian khá dài công tác nhân sự "im ắng". Thế là chúng tôi gia nhập làng báo thông tấn.

Sau khi tốt nghiệp Khóa 20, tôi và gần chục anh chị em trong Khóa được phân công về thực tập tại Ban biên tập tin Trong nước, sau đó một số bạn vào làm việc luôn tại các phòng chuyên đề của Ban và một số bạn được phân công sang các Ban khác. Thời đó, bác Nguyễn Văn Trường là Trưởng Ban biên tập tin Trong nước. Thật may mắn, tôi được phân công về làm việc tại phòng tin Công Thương, lúc đó chỉ có 7 người nhưng được đánh giá là phòng trụ cột của Ban biên tập tin Trong nước, với nhân sự hầu hết là "cây đa, cây đề". Nói đến bác Hồng Phối là nhớ ngay đến ngành Công nghiệp nặng, chú Bá Sửu theo dõi ngành Công nghiệp nhẹ, chú Đỗ Phú theo dõi Bưu chính viễn thông, chị Việt Nga (Ngân hàng-Tài chính), các anh Phan Hướng (Xây dựng), Quang Vũ (Điện-Than), Phạm Mạnh (Giao thông vận tải).

Có thể nói, Khóa 20 chúng tôi bước vào nghề báo như trang giấy trắng bởi hầu hết mới tốt nghiệp đại học và đến từ nhiều trường, Tổng hợp có, Kinh tế có, Nông nghiệp có, Ngoại ngữ cũng có... Không phải ai cũng học chuyên ngành báo chí nên để viết cái tin đầu tiên thực sự là khó. Tôi còn nhớ, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là đánh máy lại các tin bài do các anh chị đã biên tập. Thời đó, trang thiết bị cho nghề báo còn thiếu thốn và thô sơ lắm. Cả phòng Công Thương chỉ có hai cái máy chữ, tin bài được in ra từ giấy cuộn chuyển phát teletype từ Trung tâm Kỹ thuật, sau đó mới cắt thành từng tin một. Biên tập sửa trên giấy xong thì phải đánh máy lại cho sạch sẽ rồi mới gửi lên cấp Ban. Chúng tôi chẳng qua một lớp văn phòng nào nên ai cũng phải mổ cò từng nhát một. Thế rồi cũng quen và làm tốt công việc hàng ngày của mình.

Các cựu học viên K20 thăm Di tích VNTTX tại Tuyên Quang

Cũng chính vì phương thức sửa bài trên giấy (chứ không phải trên máy vi tính như bây giờ) nên chúng tôi đã khắc phục những lỗi biên tập và học hỏi được nhiều kinh nghiệm biên tập của lớp phóng viên đi trước, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho bản thân khi viết tin. Tôi nhớ mãi lời nhắc nhở của anh Phạm Mạnh: "Một năm có 12 tháng, như vậy chỉ có 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm chứ không thể 7 tháng đầu năm hoặc 8 tháng đầu năm...", hoặc tin kinh tế thì thường có nhiều con số, vậy phóng viên phải biết rút gọn bằng dùng từ "hơn" hoặc "gần" cho dễ đọc, hay con số phải biết nói khi có sự so sánh, không nên để con số "chết"... Những chỉ bảo này có vẻ giản đơn nhưng thật hữu ích. Mưa dầm thấm lâu, ngày ngày được rèn luyện nên những lời dạy dỗ chân tình thấm vào trí óc của chúng tôi tự lúc nào, để đến bây giờ, chúng tôi lại truyền đạt những kinh nghiệm đó cho lớp đàn em mới vào cơ quan.

Thời của chúng tôi, internet không có, đầu báo thì cũng không có nhiều, nếu không nghe hết hội nghị, hội thảo thì khó mà viết thành tin, bài được. Chưa kể phóng viên còn phải tự xông xáo đi cơ sở, đến doanh nghiệp thì mới có sản phẩm thông tin. Những kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế, kể cả thuật ngữ chuyên ngành, cũng phải học từ các anh chị và doanh nghiệp mà ra. Và chúng tôi thực sự có tinh thần cầu thị, không sợ xấu hổ khi thu nhặt và tìm tòi kiến thức. Có lẽ, nhờ nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự ham học hỏi và không ngại khó khăn gian khổ mà hầu hết chúng tôi đều "thành nghề". Những chuyến đi công tác cùng các anh các chị trong Phòng, trong Ban là những trải nghiệm thực tế thật thú vị khiến chúng tôi tiếp cận với nhiều lĩnh vực và các phong cách viết khác nhau, từ đó, tin bài có hơi thở cuộc sống sâu sắc hơn.

Nói về nghề thì dài lắm và kỷ niệm thì còn nhiều vô kể, song đọng lại trong tôi lúc này vẫn là niềm mong muốn được gửi lời cảm ơn đến những nhà báo đi trước. Bởi họ đã dạy tôi rất nhiều, từ nhân cách sống, từ sự yêu thương, đoàn kết và hỗ trợ nhau không chút nề hà trong công việc đến các kỹ năng nghề nghiệp. Xin được gửi đến những anh, những chị giờ đã nghỉ hưu và cả những người đã về cõi vĩnh hằng, lời cảm ơn của đứa em "út ít" trong phòng Công Thương.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2015