Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Chặng đường văn thư..."xe đạp ơi"


(08/06/2015 14:45:20)

Nhà báo lão thành Nguyễn Đức Chính và ông Nguyễn Tiến Phấn - nguyên cán bộ Văn phòng TTXVN, năm nay đều đã ngoại 80 nhưng vẫn dạt dào cảm xúc và rất nhiều kỷ niệm về Thông tấn xã. Nội san xin trân trọng giới thiệu những bài tham gia cuộc thi viết "Thông tấn xã trong tôi" của hai ông, với mong muốn đem tới cho độc giả những hình dung tỉ mỉ đến từng chi tiết về cuộc sống và hoạt động nghiệp vụ, đầy khó khăn nhưng cũng rất sáng tạo của thế hệ cha ông.

Công tác Văn thư của ngành hiện nay đã có nhiều thay đổi

 

Khi mà TTXVN đang chuẩn bị kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, tôi thấy mình may mắn khi có tới hơn 40 năm gắn bó với ngành, làm việc, sinh hoạt tập thể với các đồng nghiệp từ năm 1965 tại Tổ Văn thư thuộc Văn phòng cơ quan.

Tổ Văn thư trước đây biên chế chỉ có bảy người, chị Nguyễn Thị Mai (vợ anh Hoàng Tư Trai) là Tổ trưởng, cùng các anh: Nguyễn Văn Đăng (đã mất), Lê Văn Nguyệt, Nguyễn Nhị, Ngô Đức Thân (đều là thương binh 1/4), Phạm Văn Tó (Tó lùn) và tôi. Có 7 người mà tới 3 thương binh (đều mất một tay) trong khi công việc vận chuyển văn thư rất nhiều, phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe đạp Thống Nhất, việc lại đòi hỏi khẩn trương, chính xác, nhưng Tổ Văn thư vẫn hăng say, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hàng ngày, anh em trong tổ phải dậy từ lúc 5 - 6 giờ sáng, chia nhau ra phố Tràng Tiền nhận khoảng 100 kg báo, gồm ba đầu báo là Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội Mới, để về cơ quan chia vào các ô tủ tại Tổ Văn thư, đảm bảo trước giờ làm việc, các phòng, ban, tòa soạn trong cơ quan đều nhận được báo nghiên cứu. Đến 8-9 giờ, người của Tổ Văn thư lại đạp xe đến Bộ Ngoại giao để nhận 8 bản tin thế giới, chuyển tận tay Ban lãnh đạo cơ quan.

Vào các buổi sáng thứ Hai và thứ Năm hằng tuần, Tổ Văn thư có nhiệm vụ đóng gói các bưu kiện tài liệu, bản tin, nội san... để buổi chiều mang ra Bưu điện thành phố gửi đi các phân xã nước ngoài. Khối lượng các bưu kiện phải đến 100 kg, anh em chia nhau ra vận chuyển. Ngoài ra, tổ còn phải chuyển các phong bì tài liệu "Mật" của Phòng Thư ký biên tập tới 40 địa chỉ.

Công việc của Tổ Văn thư quanh năm suốt tháng diễn ra từ 5 - 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm hàng ngày, liên tục, khẩn trương, chưa kể nhiều nhiệm vụ đột xuất theo chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan như: Đi nhận tin, bài duyệt ở Phủ Thủ tướng và Văn phòng Trung ương Đảng... nhưng anh em luôn vui vẻ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tôi vẫn nhớ như in, cơ quan có Phòng AVI, hàng ngày biên tập được trang quốc tế nào là phải chuyển ngay từ Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt sang Phòng Điện vụ ở 44 Tăng Bạt Hổ để phát và nhận trực tiếp các cuộn tin teletip mang về, chia vào các ô tủ của Ban Thế giới để anh em khai thác, kịp thời cung cấp cho các cơ quan báo đài. Căng sức làm việc ngày đêm, nhưng anh em chỉ được bồi dưỡng mỗi người một chiếc bánh mì không nhân. Vậy mà ai cũng vui vẻ...

Làm việc căng như vậy, nhưng những lúc được nghỉ ngơi hiếm hoi vào buổi tối, được chơi tú lơ khơ với anh Hoàng Tuấn - Tổng biên tập, anh Đặng Kiên - Phụ trách Phòng Miền Nam là những kỷ niệm khó phai mờ. Tôi nhớ, từng được anh Hoàng Tuấn mời hút thuốc lá Điện Biên (bấy giờ phải thuộc diện được cung cấp mới có loại thuốc lá ấy) khi chơi tú lơ khơ. Cử chỉ thể hiện sự hòa đồng, không phân biệt vai vế giữa lãnh đạo và nhân viên, khiến tôi thấy ấm lòng.

Những công việc giao liên thầm lặng kể trên đã trở thành nghề nghiệp của tôi. Sau nhiều năm làm việc, năm 1980, tôi được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng, trực tiếp quản lý toàn bộ các con dấu quốc huy quan trọng của cơ quan, của các tòa soạn báo, phòng, ban... Chị Mai từng dặn dò trước khi tôi nhận nhiệm vụ mới: "Quản lý con dấu là phải giữ gìn, thận trọng như quản lý chính con ngươi của mắt mình". Và tôi đã thực hiện nhiệm vụ một cách rất nghiêm túc, không để xảy ra một sai sót nào.

Qua hơn 40 năm công tác, tôi thấy mình có thể tự hào vì đã luôn tận tụy phục vụ ngành. Tôi đã vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp báo chí.

TTXVN - chặng đường không thể nào quên trong cuộc đời tôi.

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2015