Chủ nhật, ngày 19/05/2024

Truyền thống

Cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh


(08/06/2015 11:38:54)

Năm 1959, Sở Nhiếp ảnh Trung ương trở thành đơn vị trực thuộc VNTTX và được đổi tên thành Phân xã Nhiếp ảnh Hết năm thứ ba Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi và một số sinh viên cùng khóa tốt nghiệp sớm một năm để đi B (chiến trường Miền Nam). Xe ca VNTTX lên tận xã Ký Phú, huyện Đại Từ, nơi trường sơ tán, đón chúng tôi về Hà Nội để biết cơ quan, rồi sau đó đưa vào Cần Hữu, Thanh Oai, Hà Tây học nghiệp vụ báo chí.

 

Sau lớp lý thuyết báo chí và cách viết tin 6 tháng, nhiếp ảnh 3 tháng, tôi và Xuân Lâm được phân công về Tổ ảnh quan sự, Phân xã nhiếp ảnh. còn các anh Bùi Hoàng Chung, Phùng Triệu, Văn Lạn, Duy Nhân, Thái Khải, Xuân Cầu, Trung Dung, Nguyễn Sĩ Mậu, Văn Thưởng, Quang Hợi... đi thường trú các phân xã ngoài Bắc và sau đó một số người đi B và C (chiến trường Lào). Các bạn nữ như Nguyễn Hồng Lựu về phòng Chính trị ngoại giao; Thúy Loan, Nguyễn Thị Nụ về phòng Tư liệu, ảnh báo tại Hà Nội. Đinh Đệ, Đoàn Tử Diễn, Trọng Thanh, Trần Anh Cường... về Báo ảnh Việt Nam. Khi ấy (năm 1967), Mỹ mở rộng và tăng cường chiến tranh phá hoại, nhu cầu thông tin chiến sự tại Miền Bắc trở nên nóng bỏng, VNTTX phải bổ sung lực lượng ở ngoài này, một nửa lớp phóng viên chúng tôi đã kịp thời tiếp sức. Còn một nửa lên đường vào Nam. Lúc đó, chúng tôi đâu biết mình vinh hạnh được bước vào cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh.
Tác phẩm 'Từ Thần Sấm xuống xe trâu', tác giả Văn Bảo

Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, lãnh đạo Phân xã Nhiếp ảnh - đồng chí Hoàng Tư Trai, đồng chí Lê Châu

đã có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên mới. Trước hết, phóng viên tự xem lại các maket ảnh của mình và của các anh chị lớp trước đã qua biên tập xử lý, tìm hiểu vì sao ảnh bị bỏ, vì sao ảnh lại được lưu và phát đăng báo. Ngoài các buổi trao đổi nghiệp vụ hàng tháng, hàng quý, còn có các buổi rút kinh nghiệm ở phòng hoặc tổ và phóng viên kèm cặp lẫn nhau.

Đầu năm 1968, lãnh đạo Phân xã Nhiếp ảnh cửa Lương Nghĩa Dũng và tôi vào tuyến lửa Khu Bốn. Thật là may mắn vì chuyến công tác xa, dài ngày đầu tiên, tôi được Lương Nghĩa Dũng kèm cặp, từ việc hướng dẫn buộc ba lô con cóc, ống kính tele, túi gạo, lương khô trên xe đạp, đến việc chọn đường đi, điểm chụp ảnh, rồi việc xác định chủ đề và phương pháp thể hiện, cũng như lúc vượt qua tọa độ lửa, tìm lối tránh bom từ trường, cách lần bước qua bãi bom bi...Tôi thấy ở Lương Nghĩa Dũng vẻ đĩnh đạc, đầy trách nhiệm của một người thầy, người anh.  Anh luôn chăm lo, giúp tôi vượt qua nhiều thách thức, kể cả vượt qua cái chết, để chụp được nhiều ảnh tốt. Nhớ mãi lần chịu trận B52 đầu tiên tại xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh. Máy bay B52 của Mỹ bắt chợt đến rải bom, sau ba đợt bom rền, kéo dài hàng cây số, tất cả làng xã tan hoang. Tôi ở trong tọa độ bom, Nghĩa Dũng chụp ảnh pháo cao xạ ở vòng ngoài. Lo tôi trúng bom, anh hớt hải chạy về, nhẩy từ miệng hố bom này sang miệng hố bom khác, lớn tiếng tìm gọi. Lúc thấy tôi lành lặn, anh ôm chầm lấy, mừng ra mặt. Nhưng buông tay, anh giục luôn: Đi thôi, chụp khắc phục hậu quả! Chưa hết bàng hoàng, nghe anh nói như ra lệnh, tôi bừng tỉnh, liền rảo bước theo và thầm nể phục anh, nhà báo lính trận, nhanh nhạy, tháo vát, không bỏ lỡ thời cơ ghi hình. Tôi học được ở Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, những phóng viên ảnh quân đội sự xông xáo, dũng cảm lăn xả vào lửa đạn để chụp những hình ảnh tiêu biểu, bất tử của quân dân ta kiên cường chống Mỹ. Mới ra nghề một năm, Vũ Tạo đã chụp được bức ảnh Hiên ngang vào năm 1966 tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Đó là hình ảnh khẩu đội cao xạ 37 ly đánh máy bay tầm thấp, bộ đội khoác nùn rơm, nhấp nhô mũ sắt ngẩng cao đầu bắn trả máy bay Mỹ. Đúng lúc bom nổ sát công sự, hai cột khói bom bốc cao, một đen ngòm, một bạc phếch, kín cả khuôn hình. Đây là bức ảnh hào hùng nhất, dữ dằn nhất, đẹp nhất trong những ảnh pháo cao xạ đánh máy bay Mỹ.

Tác phẩm 'Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn' tác giả Lâm Hồng Long

Nghĩa Dũng có khá nhiều ảnh lửa đạn sáng lòa, dữ dội của pháo cao xạ 75 ly, 100 ly, của tên lửa hạ máy bay ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Nhưng tiêu biểu lại là bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu năm 1968, Trận đánh bất ngờ, cấp tập đến nỗi các chiến sĩ không kịp đội mũ sắt, đầu trần nhẩy ngay vào bệ pháo lao đạn, phát hảo đánh trả thẳng cánh. Ụ pháo mù mịt đất cát, mảnh gỗ, lá cây tung lên vì đạn pháo của địch từ Dốc Miếu, Cồn Tiên và Hạm đội của Mỹ ngoài biển dập vào trận địa.

Còn Hứa Kiểm, người Nùng quê ở Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cũng tung hoành các trận địa pháo, tên lửa, không quân, hải quân, bộ binh... như Nghĩa Dũng, Vũ Tạo. Anh cũng có nhiều chuyến thọc sâu sang Lào và Campuchia. Những tưởng ảnh của anh đã lắng xuống cùng với tuổi hưu trong thời bình, nhưng nó lại bừng sáng lên trong Festival Ảnh báo chí thế giới của Pháp năm 2014 tại thành phố Perpignan. Đó là những bức ảnh mở đường Trường Sơn. Nơi ấy - một trọng điểm B52 ném bom rải thảm - đất đồi, cây cối vụn ra như cám, suốt mấy cây số đèo dốc trơ trụi, trắng trơn tựa sa mạc. Mưa xuống đường lầy thụt không xe nào qua được.

Lâm Hồng Long hay thủ thỉ với tôi: Thư viện cơ quan có tài liệu nhiếp ảnh trong Nội san Thông tấn, có cả tạp chí Nhiếp ảnh Trung Quốc, Liên Xô. Thành biết tiếng Trung thì nên xem Nhiếp ảnh Trung Quốc để tham khảo. Lâm Hồng Long đã chụp được bức ảnh Mẹ con ngày gặp mặt độc nhất vô nhị trong dịp giải phóng Miền Nam năm 1975 và tuyệt phẩm Bác Hồ bắt nhịp Bài ca Kết đoàn - hai bức ảnh đã đem lại cho anh Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Tôi học được ở Lâm Hồng Long sự tinh lọc trong tư duy hình ảnh và phút quyết định bấm máy chính xác.

 

Tác phẩm 'Đấu pháo ở Dốc Miếu', tác giả Lương Nghĩa Dũng
Cùng Tổ ảnh quân sự còn có Văn Bảo, anh vừa làm biên tập, phát ảnh báo, vừa cầm máy. Tôi nể trọng anh bởi tinh thần làm việc nghiêm túc và lòng say mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Ảnh của Văn Bảo thường được cắt cúp chặt chẽ, bố cục chắc khỏe. Anh là người hay tìm tòi ý tứ cho ảnh. Bức ảnh Từ Thần Sấm xuống xe trâu là cái nhìn hóm hỉnh về sự thất bại thảm hại của Không lực Hoa kỳ.

Còn Minh Trường vốn là phóng viên ảnh Văn xã, rất cẩn thận khi nâng máy lên chụp ảnh. Khi địch đánh phá ác liệt, anh được điều động chụp ảnh chiến sự. Bức ảnh Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước chụp ở Miền Tây Quảng Bình vừa hoành tráng, vừa thơ mộng với tia nắng trong sương sớm xòe dải quạt trên vách núi dựng đứng và dải sáng viền trên vai, trên mũ những người lính vượt đèo vào Nam chiến đấu (ảnh được Giải thưởng Nhà nước năm 2007). Ảnh của Minh Trường kết hợp khá khéo léo hình thái nhân vật với bối cảnh và ánh sáng, tạo ra nét đẹp nuột nà theo quy chuẩn nhiếp ảnh cổ điển.

Tác phẩm 'Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước', tác giả Minh Trường

Rồi hàng chục tay máy cự phách khác như: Văn Phú, Hiệp Đồng, Đức Như, Vũ Tín; ít tuổi hơn các trưởng lão  một chút là Văn Lượng, Văn Sắc, Minh Lộc, Vũ Hanh, Bảo Hanh, Kim Hùng, Nguyễn Chính, Trần Chính...và một đội ngũ kiên cường của Nhiếp ảnh TTXGP như Đinh Thúy, Trần Bỉnh Khuol, Dương Thanh Phong, Mười Hiến, Văn Khiêm, Nguyễn Đức Chính.. cùng hơn 20 tay máy trẻ nữa sau khi tốt nghiệp các trường Đại học được đào tạo nhiếp ảnh ở khóa GP10...Mỗi người mỗi vẻ, họ đều là những tay máy thao lược trong chiến tranh và trong hòa bình xây dựng, tạo nên một Ban Ảnh TTX hùng hậu. Hào quang của chiến thắng làm chúng tôi say mê, quên đi cái nguy hiểm của bom đạn, quên đi cái khổ ải của ngày bao cấp thiếu thốn. Trong đầu chúng tôi chỉ có nghiệp vụ nhiếp ảnh, chỉ có uy tín "ẢnhTTXVN", chỉ có danh dự của nhà nhiếp ảnh chân chính... Thật là thời kỳ khác thường, không bao giờ quên và không bao giờ trở lại.

 

Điểm qua ảnh của các thế hệ cầm máy từ khi thành lập Phân xã Nhiếp ảnh năm 1957 đến ngày giải phóng Miền Nam 1975, chúng ta có một tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh là Lâm Hồng Long và 9 tác giả được Giải thưởng Nhà nước là: Văn Bảo, Lương Nghĩa Dũng, Võ An Khánh, Trần Bỉnh Khuol, Dương Thanh Phong, Văn Sắc, Vũ Tạo, Lê Minh Trường, Chu Chí Thành, trên tổng số 26 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh Giải thưởng Nhà nước toàn quốc trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Qua đó cho thấy những đóng góp đáng kể của Ban biên tập Ảnh TTXVN cho nền nhiếp ảnh Việt Nam. Những người được vinh danh chỉ là một phần nhỏ của nhiều tài năng nhiếp ảnh trong Ban, chỉ là một phần nhỏ của những cống hiến hy sinh thầm lặng vĩ đại khác của các thế hệ nhiếp ảnh Thông tấn. 

Chu Chí Thành- Nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Đấu tranh thống nhất” Bản tin quan trọng bậc nhất của VNTTX  (02/04/2015 15:07:38)

Tri ân vị Đại tướng của nhân dân (13/02/2015 16:16:53)

Tình yêu nâng bước các nhà báo chiến trường (13/02/2015 15:45:27)

Xùn giữ Cứ (13/02/2015 15:40:53)

Ấm áp chuyện Tết xưa (13/02/2015 11:03:47)

Tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam: Phát huy truyền thống, toàn ngành tiếp tục vươn lên. (12/02/2015 15:50:18)

Tác phẩm dự thi Cuộc vận động sáng tác ca khúc về TTXVN (07/01/2015 11:26:50)

Các liệt sĩ của C8 (07/01/2015 09:44:56)

Thông tấn quân sự Gắn bó ruột thịt với TTXVN (07/01/2015 09:01:42)

Vinh danh phóng viên ảnh thông tấn tại Pháp (04/12/2014 11:34:16)