Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Phan Đạm Khâm - Người cán bộ cao quý


(03/04/2015 09:27:35)

Sắp đến dịp kỷ niệm 70 năm thành lập TTXVN, tôi thấy mình có lỗi nếu dịp này không viết về bác Phan Đạm Khâm, một kỹ thuật viên buồng tối nhiếp ảnh của cơ quan, người có tinh thần đấu tranh chống Mỹ xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn.

Đang cắm cúi sửa tin, tôi bỗng thấy tiếng động. Đứng trước tôi là một "ông già" tóc pha sương, hai tay đặt trên đầu gậy, chiếc ba lô con cóc trên vai nặng trĩu. Tôi sững sờ, buột miệng reo to: Bác Khâm! Thật không ngờ tôi lại gặp bác tại TTXGP ở trong rừng Tây Ninh năm 1966. Lúc đó bác đã ngoài 50 tuổi. Không phải cơ quan cử đi mà bác đòi đi bằng được.

Sinh năm 1910 tại Huế, bên dòng sông Hương thơ mộng, bác Phan Đạm Khâm là người trầm tính. Năm 13 tuổi đã theo học nghề nhiếp ảnh, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, năm 1948, bác Khâm đã là phóng viên nhiếp ảnh Sở thông tin tuyên truyền Khu 5 cho đến ngày Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền. Được lệnh tập kết ra Bắc, bác lên đường, để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ nơi quê nhà.

Nhận công tác ở Sở nhiếp ảnh Trung ương tháng 8/1955 rồi chuyển sang Phân xã nhiếp ảnh VNTTX, bác Khâm làm việc ở buồng tối và chấm sửa ảnh. Đây là công việc ít người chú ý, bác lại là người kiệm lời nên có thể nói bác Khâm lặng lẽ lao động với một sự tận tụy và cẩn thận hiếm có.

Vào TTXGP, bác được phân về B22 (nhiếp ảnh) và tiếp tục công tác buồng tối. Mỗi khi có việc sang B22, tôi đều ghé vào thăm bác. Rất thân tình, bác rót ly rượu thuốc (bác thường ngâm rượu với vài loại sâm rừng) và đặt vào tay tôi, vui vẻ khi thấy tôi nhâm nhi ly rượu.

Vài năm sau, thấy bác tuổi cao, sức yếu, cơ quan chủ trương đưa bác trở ra Bắc với lý do: Chuyển một số tư liệu ảnh về VNTTX lưu trữ... Nhưng bác không vui: "Tôi vào đây chiến đấu chống Mỹ, bao giờ thắng lợi hoàn toàn mới về. Nếu các đồng chí không dùng nữa thì tôi đeo ba lô, chống gậy ra Huế tiếp tục đấu tranh". Ôi tinh thần cách mạng của bác Khâm mới quý làm sao! Trong lúc một vài cá nhân do ngại khó khăn, gian khổ nại ra các bệnh hiểm nghèo để đòi ra Bắc thì bác Khâm trái lại - nhất định ở lại chiến đấu đến cùng. Và bác đã thực hiện đúng ý nguyện của mình.

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bác Khâm trở lại Phân xã nhiếp ảnh, sống ở khu tập thể Mai Hương của cơ quan. Khi bác nghỉ hưu, ông Đỗ Phượng, khi ấy là Phó Tổng Giám đốc, rất quan tâm, mời bác lên số 8 Trần Hưng Đạo- nơi có người lo cơm nước. Cám ơn chân tình của lãnh đạo cơ quan nhưng bác Khâm vẫn tự lo cuộc sống của mình, thỉnh thoảng lại đi bộ lên Ban biên tập Ảnh gặp gỡ anh em. Cho đến khi "lên đường về với tổ tiên" bác Khâm vẫn để lại một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh cách mạng cho anh chị em nhiếp ảnh TTX hai miền Nam Bắc.

Theo Nội san Thông tấn, số 3/2015