Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Thông tấn xã Việt Nam ngày càng mạnh


(08/06/2015 14:59:16)

Tôi dùng chữ "mạnh" vì nghĩ tới một binh chủng. Quả thật, TTXVN không chỉ là một cơ quan với những người cầm bút ngồi bàn giấy như những công chức mà anh em miền Nam thường gọi đùa là "lính cùi chỏ", mà thực sự là một binh chủng với những chiến binh cả ở hậu phương và ở tiền tuyến.

 

Những chiến binh ấy đã cùng nhân dân cả nước chiến đấu gian khổ suốt 70 năm với ba cuộc chiến tranh chống xâm lược và cuộc đổi mới đầy khó khăn.

Và hiện nay, tuy đất nước thống nhất với hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều, những chiến binh ấy vẫn đang còn cùng cả nước đứng trước vô vàn thử thách. Việc các phóng viên TTXVN xông pha sóng gió cùng chiến sĩ các binh chủng khác bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông nói lên điều đó.

Chúng ta luôn vững vàng, vì cùng với sự lớn mạnh của đất nước, TTXVN ngày càng mạnh.

Còn nhớ những năm kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, điện đài của VNTTX phải dùng máy quay tay ra-gô-nô để hoạt động. Máy thu thanh còn phải dùng điện ắc-quy, thỉnh thoảng trục trặc. Phổ biến chiến thắng lớn Điện Biên Phủ đến một số báo chí và cơ quan trung ương, các đội viên công tác của TTX còn phải chạy bộ.

Tin - ảnh tích hợp, một trong những sản phẩm thông tin mới của TTXVN

Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, tình hình có khá hơn, thêm một số ban nghiệp vụ về tin và ảnh ra đời, thêm nhiều phân xã được thành lập, quan hệ quốc tế mở rộng, máy móc tốt hơn. Trên chiến trường miền Nam, nhiều phóng viên đã có máy thu thanh bán dẫn mang theo người. Một số phóng viên còn có máy ảnh. Bên cạnh phương tiện tác nghiệp, có nười mang cả súng ngắn, hoặc súng máy loại nhẹ.

Với khả năng vũ trang, một số phân xã ở Nam bộ đã chống trả địch quyết liệt, đồng chí Trưởng phân xã Nam Tây Nguyên còn được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay". Nhưng cho đến gần cuối cuộc kháng chiến kéo dài 15 năm, số lớn các điện đài 15 oát trong các chiến khu ở miền Nam vẫn còn phải dựa vào ragono và ắc quy, chỉ miền Bắc mới có được điện lưới.

Trưa ngày toàn thắng 30/4/1975, con đường và vườn hoa trước cổng nhà số 5 Lý Thường Kiệt trở thành địa điểm hấp dẫn nhất ở Hà Nội, lôi cuốn hàng ngàn người đến háo hức nghe tin chiến thắng. Hòa bình lập lại, TTXVN dần dần mở rộng mạng lưới cơ quan thường trú trongngoài nước. Và rồi TTXVN không chỉ có bản tin, báo viết, mà còn có cả truyền hình. Tôi biết có nhiều người đón xem truyền hình Thông tấn, nhất là xem và nghe các bài bình luận thời sự trong nước và quốc tế.

Đầu năm 2015, Nội san Thông tấn liên tục thông tin về "những gương mặt mới" của TTXVN như: Kênh phát thanh Thông tấn, trang tích hợp tin ảnh, tin đồ họa... Tôi rất tâm đắc khi đọc thư chúc Tết Ất Mùi của đồng chí Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi có đoạn khái quát về hoạt động của ngành, xin được trích:

"Các sản phẩm thông tin của ngành, từ thông tin nguồn cung cấp cho các cơ quan báo chí đến thông tin cung cấp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho công chúng, đã phản ảnh một cách chuẩn xác và kịp thời những vấn đề trong nước và thế giới mà dư luận quan tâm cũng như những vấn đề cần tuyên truyền. Bằng tất cả các loại hình và phương tiện thông tin, TTXVN đã kịp thời phản ánh những sự kiện, những vấn đề của một thế giới không bình yên trong năm 2014. Tuyến tin phản hồi, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cũng được tăng cường, khẳng định vai trò của TTXVN như một cơ quan phát ngôn chính thức với dòng thông tin chính thống và ngày càng chiếm vị trí chủ lưu.

Trong năm qua, TTXVN đã chính thức cho ra mắt loại hình thông tin đồ họa và thử nghiệm tin âm thanh, thử nghiệm gắn kết các loại hình thông tin cùng chung chủ đề, trước hết là tin văn bản với ảnh, bước đầu cho kết quả khả quan về hiệu quả thông tin.

Thông tin bằng các ngữ của TTXVN ngày càng trở thành nguồn tin quan trọng được nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước sử dụng, góp phần đắc lực thực hiện chiến lược thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Các đơn vị báo in, truyền hình, báo điện tử và thông tin trên internet tiếp tục có những cải tiến về nội dung, hình thức và phương pháp tiếp cận các đối tượng công chúng, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số và giới trẻ".

Đó là những dòng chữ làm ấm lòng!

Vào dịp gần đây, Ban biên tập tin Trong nước mời những "lính già đầu bạc" đến thăm Tổng xã ở số 5 Lý Thường Kiệt, nay được xây dựng lại khang trang hơn trước. Chúng tôi lặng người trước tấm bia ghi tên các liệt sĩ thông tấn (trong đó hai liệt sĩ Trần Kim Xuyến và Bùi Đình Túy được vinh dự đặt tên phố ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Thắp nén nhang trên bàn thờ các liệt sĩ, tôi thầm nhủ trong nước mắt: "Các đồng chí đã đóng góp xương máu của mình vào sự lớn mạnh của TTX. Với chức năng cung cấp tin tức cho các phương tiện truyền thông đối nội và đối ngoại, các phóng viên TTX thường ra chiến trường và đến các điểm nóng trước các báo khác. Phải chăng gọi các đồng chí là lính xung kích cũng không hổ danh".

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2015