Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Chuyện đào giếng, làm ảnh ở Cứ


(08/06/2015 14:54:51)

Căn cứ các phòng ban của TTXGP, đều có điểm dự bị, cách xa chừng dăm bảy cây số. Thường mỗi năm chuyển cứ một lần. Các căn cứ đều ở trong rừng, xa khu dân cư, xa sông suối.


Căn cứ Nhiếp ảnh Giải phóng đương nhiên phải có buồng tối. Buồng tối cần nước nên chúng tôi làm gần giếng nước. Mà đào giếng nước là một kỳ công. Đêm trước khi đào giếng, tôi bắt chước thày địa lý, lấy ba cái bát ăn cơm úp xuống ba nơi định chọn. Sáng dậy, lật ngửa cái bát lên, bát nào đọng hơi nước thì chỗ đấy có mạch nước ngầm. Dụng cụ là cuốc chim, xẻng và cái ki (giống cái mủng đựng đất). Khoanh một vòng tròn đường kính một mét, cứ thế mà khoét xuống. Gặp rễ cây thì chặt, cắt. Gặp đá thì dùng xà beng rỉa từng mảnh; nhưng nếu gặp đá tảng thì chịu thua, chuyển qua đào chỗ khác. Một người ở dưới đào khoét đất, hai người ở trên thay nhau kéo dây khi cái ki đầy đất, đổ đi và phải sẵn sàng kéo dây xốc nách người bên dưới khi có sự cố. Cứ mười lăm phút lại thay người xuống đào đất. Khi đào sâu xuống hai, ba mét thì phải làm cái tời quay tay (chôn hai nạng cây rừng, làm một xà ngang buộc dây tời bằng dây dù cỡ lớn, đầu một xà ngang đóng tay quay). Khi đào sâu xuống năm, sáu mét thì dễ bị thiếu dưỡng khí, người đào đất mệt lả, không khéo thì ngất ở dưới đấy. Bên trên phải chuẩn bị để có thể tời anh ta lên ngay, rồi dùng một cành lá rậm buộc đầu dây tời, thả xuống kéo lên nhiều lần, giúp không khí đối lưu. Cẩn thận, ngay đầu buổi làm việc, chúng tôi thắp một cây nến, ròng dây xuống, nếu xuống tới đáy mà ngọn nến vẫn cháy là đủ dưỡng khí; bằng không, chúng tôi cũng có cách: Bắn một viên đạn xuống, áp lực làm thay đổi áp suất. Có anh em lại nấu một nồi nước sôi đổ ụp xuống, hơi nước bốc lên làm dưỡng khí đùn xuống.

Chấm sửa ảnh tại Cứ

Vất vả như thế mà có khi đào sâu xuống mươi, mười hai mét vẫn không đụng nước. Nản quá, bực mình, dùng xà beng ráng sức đâm thẳng xuống một hai gang tay, nước phụt lên. Thế là quay tời gấp! Khoảng một giờ sau, nước đã dâng lên. Phải thử nước. Nấu nước pha trà, nước trà màu xanh là an toàn.

Mười năm ở rừng, tôi tham gia đào đến sáu cái giếng. Nước nấu ăn, tắm giặt. Nước để pha thuốc tráng phim, ngâm vỗ ảnh. Lại còn thỏa mãn thú trà đạo. Ở rừng hầu như ai cũng thuộc câu: Nực cười anh lính miền Đông/ Ăn cơm với muối hút ròng ARA (loại thuốc lá thơm của Campuchia)/ Lại thêm cái tật nghiện trà.

Như trên đã nói, đơn vị Nhiếp ảnh phải có buồng tối. Chúng tôi dọn quang một khoảnh đất rừng. Cột kèo bằng gỗ rừng, mái lợp lá trung quân. Còn vách và trần? Chúng tôi mua những tấm thiếc mỏng trong thành, mang ra đóng vào khung cây rừng. Bàn ghế trong buồng tối đều bằng thân cây rừng bện lại. "Chậu" đựng thuốc trông giống cái máng heo, do chúng tôi dùng ván mỏng ghép lại. Trong bưồng tối có góc tráng phim, chỗ đặt máy phóng ảnh, thùng in ảnh và các chậu đựng thuốc, nước. Đủ không gian cho ba người làm thoải mái.

Chỉ có điều, khi máy bay Mỹ đánh bom ngoài Lò Gò (cách Cứ độ sáu, bảy cây số đường chim bay), hơi bom rung động vách thiếc điếc tai. Thế là phải âm buồng tối xuống đất, thay vách thiếc bằng gỗ xẻ, trét kín các kẽ lọt sáng bằng dầu rái.

Buồng tối in ảnh nhỏ làm mẫu makét của phóng viên và vào sổ lưu trữ tư liệu. Thường phóng ảnh triển lãm cỡ 9x12cm cho đối tượng phát hành vào thành phố. Cỡ 12x18cm hoặc 18x24cm tùy theo các đội triển lãm lưu động của tỉnh, huyện, bộ đội hay thanh niên xung phong. Chuyên viên kỹ thuật Nguyễn Ngọc Miên, phụ trách buồng tối, có thể phóng ảnh tới cỡ 30x40cm, 40x60cm.

TTXGP cũng yêu cầu phóng viên phải biết tự tráng phim mình chụp và in lấy ảnh từ phim âm bản. Anh em được thay nhau vào buồng tối thực tập những công việc đó, để rồi khi đi công tác, trong ba lô của mỗi người có thuốc tráng phim và in ảnh, giấy ảnh, hộp carton có dán giấy bóng đỏ dùng khi in ảnh. In bằng đèn dầu (tự chế bằng vỏ đạn đại liên) mà ai cũng có.

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2015