Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Nghĩa tình Thông tấn xã


(07/07/2015 10:43:22)

Tôi đến với nghề báo là tình cờ; nhưng khi bắt tay vào việc lại say mê thích thú, "nghề" thành "nghiệp" lúc nào không hay.

Một tác phẩm của phóng viên Thông tấn Văn Bảo: Sinh viên Sài Gòn tự nguyện giữ trật tự trong ngày đầu giải phóng 30/4/1975

Sau cuộc Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, phong trào cách mạng miền Nam nổi lên khắp nơi. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng (ba tôi bị máy bay Pháp bắn chết), lòng mang nặng căm thù, tôi cùng số anh em bạn bè trong xóm tòng quân đánh giặc. Lúc đó tôi vừa học xong lớp Đệ tứ (tương đương lớp 7 bây giờ), thuộc số có trình độ học vấn khá nhất ở nông thôn, lại giỏi môn Văn, nên tôi nghĩ mình cũng sẽ đóng góp được chút gì cho kháng chiến.

Huyện ủy Cần Giuộc (Long An) chọn tôi vào Ban Tuyên Văn Giáo (Tuyên truyền văn hóa, giáo dục), làm ủy viên giáo dục. Năm 1963, tôi được học lớp Tuyên truyền - Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam (R) ở Tây Ninh. Năm 1964, mãm lớp, tôi và 4 bạn học được ông Trần Bạch Đằng, Phó ban Thường trực Ban Tuyên huấn giữ lại; phân công hai người về Đài phát thanh Giải phóng, ba người, trong đó có tôi, về TTXGP. Thú thật, lúc đó tôi thích về Đài Giải phóng hơn, vì với tôi, TTXGP nghe lạ hoắc, tôi chưa biết gì. Nhưng tôi không dám khiếu nại.

Tại TTXGP, tôi được phân công về Tổ tin trong nước. Anh Khả Minh, Phó Giám đốc kiêm Tổ trưởng tổ này; hai phóng viên già là anh Ba Sinh (Thành Hương) và anh Năm Ngọc (giỏi tốc ký), chủ yếu là biên tập tin từ phân xã các tỉnh điện về để in bản tin phục vụ cho lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên huấn và các tiểu ban của Ban Tuyên huấn Trung ương cục, Bộ chỉ huy các lực lượng võ trang giải phóng miền Nam. Tôi về, làm biên tập trước khi làm phóng viên. Lúc đầu biên tập tin chiến sự, sau biên tập tin đấu tranh chính trị. Lần đầu tiên làm PV, tôi đi đưa tin về Đại hội phụ nữ giải phóng miền Nam (1964). Nhờ vậy được biết chị Phan Thị Quyên (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi), chị Út Tịch, biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, biết chị Lê Thị Riêng...và nhiều nhân vật nổi tiếng. Tin về Đại hội của tôi bị Ban biên tập sửa chữa, cắt bỏ nhiều chỗ trước khi đăng Bản tin. Bài học nghiệp vụ đầu đời này, tôi nhớ mãi. Tôi giữ lại toàn bộ bản nháp có dấu mực đỏ gạch ngang dọc biên tập, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc lại thật kỹ, tìm ra chỗ sai sót, non yếu, nhất là về chính trị, văn phong để rút kinh nghiệm. Từ đó, tôi tự đặt ra phương pháp tu dưỡng, rèn luyện, thận trọng khi đặt bút viết tin. Sau một thời gian, tin tôi viết ít bị gạch xóa, sửa chữa hơn.Đông xuân 1965- 1966, Quân giải phóng khá lớn mạnh, đã thành lập cấp sư đoàn (ba sư đoàn 5,7,9). Tôi được cử đi công tác chiến trường, lại được Ban Giám đốc phân công làm Tổ trưởng tổ công tác 9 người (gồm cả PV tin, ảnh và kỹ thuật điện đài). Tổ chúng tôi đến công tác tại Công trường 5 (bí danh sư đoàn 5) hoạt động tại các tỉnh Bình Thuận (đánh trận Võ Xu - Võ Đắc) và Bà Rịa (đánh trận Tầm Bó) toàn thắng. Trận đánh Võ Xu, khi bộ đội trên đường rút quân chưa về tới căn cứ, 5 giờ 30 phút sáng đài phát thanh Giải phóng đã đưa tin chiến thắng này. Bộ đội ta nghe tin hết sức phấn khởi, thán phục sự nhanh nhạy của Thông tấn xã.

Sau thắng lợi vang dội trận Bàu Bàng (Bến Cát- Thủ Dầu Một), 1969, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh sinh viên ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam sôi động, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam giao cho TTXGP cử một tổ điểm báo Sài Gòn, nhiệm vụ là mỗi ngày mua khoảng 30 tờ báo xuất bản ở Sài Gòn, điểm tin đấu tranh của công nhân, học sinh sinh viên, chuyển bằng điện đài ngay về TTXGP để hỗ trợ các cuộc đấu tranh ở đô thị. Tôi làm Tổ trưởng tổ điểm báo này, lại kiêm PV tin; tổ còn có hai báo vụ, hai người quay ragono và một giao liên. Mỗi buổi chiểu nhận báo về, tôi khẩn trương xem qua, điểm ngay những tin cần thiết, được tờ nào cho điện ngay tờ ấy. Anh em chúng tôi làm việc bất kể giờ giấc. Những tin gây xúc động: Lính Mỹ đã đổ mâm cơm công nhân đang ăn, gẫy cần cẩu tàu hàng ở bến cảng Sài Gòn đề chết công nhân, xe tăng Mỹ cán chết công nhân hãng dệt Vinatexco đấu tranh; tin ba sinh viên Long, Tòng, Kiệt "chống đối" bị đày đi nhà tù Côn Đảo... được Đài Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng, kịp thời động viên, hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh ở đô thị.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, tôi lại được Ban Giám đốc tín nhiệm giao phụ trách một mũi của TTXGP về giải phóng Sài Gòn. Tổ gồm 5 người: Tôi- phóng viên tin; Thiêm- phóng viên ảnh; Tiệp, Mến- báo vụ và Chức- kỹ thuật sửa máy. Chúng tôi khởi hành từ ngày 7/4 tại Xa Mát (Tây Ninh), nhập vào đoàn Ban Tuyên huấn, sau nhập vào đoàn Trung ương cục miền Nam. Đoàn bị kẹt ở lộ Bình Dương - Củ Chi hai tuần lễ do xe tăng địch án ngữ, chặn đường đi. Đến ngày 29/4, sau khi quân giải phóng diệt cứ điểm ác ôn Đồng Dù (Củ Chi), đoàn mới đi tiếp, chiều 30/4/1975 vô Sài Gòn. Tôi được anh Chín Thép, cán bộ Thành đoàn lái xe Vespa chạy một vòng từ Sài gòn vô Chợ Lớn, qua Phú Nhuận, xuống Bình Tân để quan sát tình hình. Trở về tôi viết tin sốt dẻo: "Sài Gòn sau vài giờ giải phóng". Sáng sớm hôm sau, tôi ra tận cảng Sài Gòn phỏng vấn viên Trung úy Hải quân phản chiến, đưa tàu trở lại bến cảng, rồi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, tôi đưa bài "Sài Gòn, ngày 1 tháng 5" (báo Nhân Dân đăng lại với tít "1 tháng 5 Sài Gòn". Tiếp đó, tôi có những tin bài: Cuộc sống hồi sinh, Thanh niên "băng đỏ" điều khiển giao thông, Nhân dân mừng ngày giải phóng...

Tôi đã sống, trưởng thành và gắn bó cùng với cơ quan thông tấn hơn 50 năm qua, tình nghĩa và công ơn vô cùng sâu sắc! Có thể nói, Thông tấn xã là trường đại học đặc biệt đối với tôi. Từ một thanh niên học sinh nông thôn trung thành, ham học hỏi, tôi đã được các thế hệ lãnh đạo Thông tấn xã dạy dỗ, dìu dắt; trải qua những thử thách thật sự ở chiến trường, tôi đã trở thành phóng viên, biên tập viên, rồi cán bộ phụ trách cấp phòng (1974). Nhờ môi trường rèn luyện này tôi đã lập được thành tích, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (1999) - vinh hạnh rất lớn cho cuộc đời làm phóng viên của tôi. Trong cuộc sống riêng, tôi cũng được Thông tấn xã chăm lo, giúp đỡ nhiều mặt.
Nghĩa tình này tôi nhớ mãi suốt đời!

Theo Nội san Thông tấn, số 6/2015