Thứ ba, ngày 23/07/2024

Truyền thống

Sâu lắng những tấm lòng


(04/08/2015 15:08:44)

Một ngày nắng gắt đầu tháng 7 năm 2013, có một vị khách gõ cửa Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn. Đó là bác Phạm Nho Nghĩa, cựu cán bộ ngành năm nay đã gần 90 tuổi. Mồ hôi còn đẫm lưng áo, bác đã với tay, lôi từ trong chiếc túi khoác bên người ra một bọc to. Cả Trung tâm xúm lại.

Những kỷ vật vô giá được trưng bày trang trọng tại Phòng truyền thống của Ngành

 

Khi nhiều lớp nilông được mở ra, là hàng chục phong bì thư, đôi cuốn sổ ghi chép đã úa vàng theo năm tháng cùng một số giấy tờ, tài liệu liên quan đến ngành. Vừa lần giở mấy phong thư, bác vừa chậm rãi kể: "Những kỷ vật này đã gắn bó với tôi và gia đình hơn 50 năm nay. Qua bao thăng trầm cuộc sống, nhà tôi đã nhiều lần chuyển chỗ ở, nhưng tất cả kỷ vật đến nay vẫn vẹn toàn, được gìn giữ như gia tài quý của gia đình".

Nâng niu, trân trọng là thế, nhưng khi nhận được thư của lãnh đạo Ngành kêu gọi cán bộ, nhân viên hiến tặng hiện vật cho phòng truyền thống, hướng tới kỷ niệm "sinh nhật" 70 năm TTXVN, bác đã không mấy đắn đo, ôm túi kỷ vật đến thẳng cơ quan. Trong số kỷ vật bác tự tay trao tặng, tôi nhớ nhất quyển sổ tay ghi chép trong thời gian công tác ở chiến trường Miền Nam và cuốn nhật ký "Vượt Trường Sơn" đã ố vàng nhưng vẫn vẹn nguyên từng trang viết.

Nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Giáp khi lâm trọng bệnh vẫn nói với vợ - bà Nguyễn Ngọc Bích, gọi cán bộ làm công tác truyền thống của Ngành đến tận nhà để "bàn giao" một số kỷ vật chiến trường. Dù tình trạng sức khỏe đã xấu, nói năng khó khăn, nhưng ông vẫn rất "hóm" khi kể về lai lịch của từng kỷ vật. Hôm đó, vợ chồng ông giao cho chúng tôi hai tấm bản đồ Sài Gòn, cuốn sổ tay ghi chép công việc trong giai đoạn ở căn cứ Tây Ninh, một giấy công tác thời chiến, chiếc đồng hồ đeo tay (dùng những năm 1970), quyển tập đóng bìa lưu giữ bản tin Espana 82, quyển tập đóng bìa lưu giữ báo Thể thao & Văn hóa năm đầu tiên phát hành cùng 8 bức ảnh đen trắng về cuộc sống, làm việc ở "Cứ" của cán bộ, phóng viên TTXGP...

Sau khi ông mất, bà Bích lại một lần nữa chủ động liên lạc với chúng tôi để trao thêm một số kỷ vật còn lại, trong đó có chiếc bật lửa - mà ông giữ như "bảo bối", khẩu súng lục sử dụng trong chiến trường và một số tác phẩm báo chí của ông... Bà Bích kể, trước khi qua đời, ông dặn rằng những gì mà ông gìn giữ, gắn bó trong sự nghiệp của một nhà báo thông tấn cần được lưu giữ, bảo quản để giúp cho các thế hệ mai sau hiểu hơn về lớp người đi trước.

 

Nữ nhà báo Dương Thị Duyên, nguyên phóng viên Ban tin Thế giới; ông Vũ Duy Thông, Dương Đức Quảng, nguyên phóng viên Ban tin Trong nước; gia đình nhà báo Trần Ấm, nguyên phóng viên Ban biên tập Ảnh; Bà Phan Thị Tám, vợ Phó Tổng giám đốc Lê Chân; bà Đinh Thị Nga, cán bộ ngành in tại TP. Hồ Chí Minh; ông Trương Đại Chiến, nguyên lái xe báo Việt Nam News, vợ chồng bà Võ Thị Nhuẫn và Ông Phùng Văn Dựng... cùng rất nhiều người khác vì tình cảm yêu mến với Ngành đã "dứt ruột" trao cho Phòng truyền thống những kỷ vật quý giá nhất mà mình đã nâng niu, cất giữ bao năm tháng.

Bà Phương Bích Ngân, vợ liệt sĩ Thẩm Đức Hòa khi trao cho chúng tôi những bức thư của người chồng trẻ gửi cho bà trong những năm tháng vào chiến trường, đã nói trong rưng rưng nước mắt: "Đây là tài sản vô giá của gia đình tôi. Nhờ những bức thư này mà tôi đã vượt qua nỗi đau thương to lớn nhất trong đời khi được tin anh ấy hy sinh. Nay tôi trao lại để Ngành lưu giữ".

Một lần nữa, xin được thưa với tất cả những tấm lòng sâu lắng với ngành, với nghề rằng, những kỷ vật mà các bác, các cô, chú, các gia đình tin tưởng trao tặng đã và mãi mãi là những "tài sản vô giá" của cơ quan. Câu chuyện đằng sau mỗi kỷ vật đó sẽ được lưu truyền qua các thế hệ "dân" Thông tấn hôm nay và mai sau, góp phần bồi đắp lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2015