Thứ năm, ngày 28/03/2024

Thông tấn xã trong tôi

Thông tấn xã Việt Nam - Bảy mươi năm phấn đấu vì nước vì dân


(16/09/2015 10:41:18)

             Tôi đứng lặng trước Bảng vàng tên tuổi

Liệt sĩ của ngành năm kỷ niệm bảy mươi (1)

Những người con đã cống hiến cả đời

Cho Tổ quốc, cho toàn ngành Thông tấn

Để chúng tôi được tự hào kiêu hãnh

Là những người làm Thông tấn hôm nay

Nhắc chúng tôi không được phép dừng tay

Đưa sự nghiệp lên đỉnh cao chói lọi

Như tâm nguyện của biết bao đồng đội

Lúc qua đời chỉ mong đợi vậy thôi

Chắc những ai còn nghĩ được xa xôi

Để ghi nhớ lời các anh nhắc gọi

Để quên đi những nghĩ suy nông nổi

Bớt ham muốn về chức quyền, danh lợi

Bỏ khoe khoang về bản thân tài giỏi

 Để hết mình vì nghĩa tình đồng đội

Để cho lòng thanh thản, hăng say

Để tâm ta không vương vấn mảy may

Đem trí lực xây dựng ngành vững mạnh

Ráng xứng đáng là những người kế cận

Để đưa ngành mãi mãi vượt lên cao...

 

 ***

 

Mới đây thôi, thời chống Pháp năm nào

Chú bác ta đã vượt bao nguy hiểm

Chuyển cơ quan lên chiến khu kháng chiến

Trên đường đi, bác Kim Xuyến qua đời

Giám đốc đầu tiên mới tròn hai sáu tuổi!(2)

Cả cơ quan đã vượt đèo, lội suối

Qua Phú Thọ, Chợ Đồn, Bắc Kạn

Về Chợ Chu, Định Hóa, Sơn Dương (3)

Sống hàng ngày phải khoai sắn thay cơm

Đêm lạnh giá lấy ổ rơm làm ấm

Nhưng ai nấy đều kiên cường phấn đấu

Dấn thân vào cuộc chiến đấu hiểm nguy

Suốt tháng ngày tìm mọi cách chuyển đi

Tin thắng lợi nhân dân đang chờ đợi

Tin đại thắng tại Điện Biên vang dội

Giặc Pháp thua vì chiến tranh tội lỗi

Phải cay đắng đến Geneva nhận tội

Trả lại chủ quyền cho Tổ quốc chúng ta

Sau chín năm theo kháng chiến đi xa

Thông tấn xã lại trở về Hà Nội

Dẫu công việc còn trăm bề bận rộn

Vẫn đáp lời kêu gọi của non sông:

Giải phóng miền Nam! Xây miền Bắc mạnh giầu!

Để chi viện cho miền Nam toàn thắng

Thông tấn xã lại đi đầu sốt sắng

Sẻ của, sẻ người đưa thẳng vào Nam

Bao lớp người lại hăng hái hiên ngang

Qua khu Bốn bom cầy, đạn cuốc

Vượt Trường Sơn vách núi cao dựng ngược

Không vật gì cản được ta tiến bước

Vào chiến trường cùng anh em tuyến trước

Hợp lực nhau lập "Giải phóng xã" trong R

Bác Vũ Linh, một lãnh đạo bấy giờ (4)

Được chính phủ cử vô làm Giám đốc

Và từ đó cho đến ngày thống nhất

Bao bạn trẻ vừa rời trường đại học

Về Thông tấn để học nghề cấp tốc

Lại lao mình vào các nơi nóng bỏng

Của chiến trường đánh Mỹ ở phương Nam

Trong chiến tranh đầy ác liệt, gian nan

Nhiều đồng chí đã hiến dâng cuộc sống

Cho hòa bình cho thống nhất non sông...

 

 ***

 

Đồng nghiệp ơi các bạn có biết không

Năm Ất Mão (5) nhà số 5 sống động

Không đếm được bao nhiêu người ra trận

Nhộn nhịp, hăng say, rầm rập lên đường

Bác Đào Tùng đi thẳng vào chiến trường (6)

Trực tiếp chỉ huy, điều quân khiển tướng

Vào Sài Gòn đúng giữa ngày chính biến

Đuổi Mỹ cút đi, đánh Ngụy đổ nhào

Dương Văn Minh, "Tổng thống Ngụy" buồn sao

Lên Đài đọc lời đầu hàng, bại trận (7)

Dân nổi dậy như triều dâng đầy sóng

Đón quân về giải phóng lại quê hương

Từ miền Trung, nơi cửa ngõ tiền phương

Thông tấn xã cũng tiến quân nhiều hướng (8)

Từ Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên ra biển

Vượt Đèo Ngang, xuống tới tận Quảng Đà

Bác Lê Chân, người lãnh đạo ở nhà (9)

Suốt bao ngày phải tất bật vào ra

Chỉ đạo thu tin, thu hình, báo cáo:

"Tin địch đầu hàng! Tin, giải phóng miền Nam!"

Nhà số 5 hai cánh cổng mở toang

Đón dân chúng tràn vào như thể sóng

Người đứng chật giữa sân mừng chiến thắng

Nhảy múa tưng bừng, ca hát ầm vang

Băng pháo dài cùng lúc cũng nổ ran (10)

Khiến ai nấy đều xốn xang nhớ Bác

Thương bao người đã hy sinh tính mạng

Để nước nhà vang vọng mãi bài ca

Bắc, Trung, Nam phải thống nhất một nhà

Chúng ta con một cha, nhà một nóc

Thịt với xương, tim óc dính liền!... (11)

 

 ***

Bao năm chiến đấu triền miên

Nhưng sau thắng lợi đâu yên mọi bề

Từ thành thị đến thôn quê

Còn bao nỗi khổ làm tê tái lòng

Làng quê bom đạn đầy đồng

Lúa không trồng được, đói lòng nhân dân

Thành phố càng khó bội phần

Cái gì cũng thiếu, cũng cần cho dân

Nhà nước phải cố bội phần

Chạy lo mọi thứ để dân có dùng

Chế độ "bao cấp" hãi hùng

Tệ "quan liêu" cản nhân dân làm giàu

Phố sá thiếu điện thảm sầu

Đêm đến chỉ thấy một mầu tối đen

Bên ngoài thì giặc mon men

Tràn qua biên giới đê hèn đánh ta

Mỹ thù, cấm vận gần xa

Những mong hủy diệt cuộc đời chúng ta

Nhưng nhờ có Đảng nhìn xa

Thực hiện Đổi Mới, dân ta đổi đời

Khuyến khích hết thảy mọi người

Vươn lên sáng tạo gấp mười, gấp trăm

Nông dân có đất phần trăm

Thành phố dân chúng phá băng cản rào

Khắp nơi nở rộ phong trào

Tư duy đổi mới ào ào tiến lên

Phóng viên Thông tấn mọi miền

Lại lên phía trước động viên phong trào

Thông tin chất lượng nâng cao

Ra thêm ấn phẩm đi vào lòng dân

Đáp ứng nguyện vọng quân, dân

Phục vụ Đổi Mới, muôn phần tốt hơn

Nhân dân yêu quý biết ơn

Nhà nước và Đảng tuyên dương anh hùng:

Anh Hùng đánh giặc ngoại xâm (12)

Anh hùng Đổi Mới gieo mầm tương lai

Trải qua một chặng đường dài

Thông tấn đã đạt tới Đài vinh quang

Được tặng Huân chương Sao vàng

Huân chương tên Bác lại càng đẹp sao

Càng nhiều phần thưởng tự hào

Nhắc ta càng phải nâng cao chính mình

Để xứng với Đảng quang vinh

Để đền đáp lại nghĩa tình nhân dân

Để ơn liệt sĩ hy sinh

Giúp cho Thông tấn vươn mình tiến lên

Những ơn này chẳng thể quên

Hào quang càng giúp ta nuôi chí bền

Bảy mươi tuổi vẫn nổi tên

Thông tấn cách mạng gắn liền với dân.

 

Hà Nội tháng 9/2015 

 

Ghi chú:

1. Năm 2015 TTXVN tròn 70 tuổi (15/9/1945 - 15/9/2015).

2. Đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó giám đốc Nha Thông tin, người phụ trách đầu tiên của VNTTX, bị giặc bắn chết tại Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây khi mới 26 tuổi.

3. Tên các địa phương TTXVN đã ở trong kháng chiến chống Pháp.

4. Đồng chí Vũ Linh, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy VNTTX được cử làm Giám đốc TTXGP. Khi đó, đồng chí lấy tên là Bảy Lý.

5. Năm Ất Mão tức năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước

6. Tổng Biên tập Đào Tùng vào thẳng TTXGP, trực tiếp chỉ đạo việc điều động lực lượng của ta vào Sài Gòn đưa tin về sự kiện 30/4/1975.

7. Dương Văn Minh lên Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng hai lần: Lần thứ nhất do đồng chí Phạm Xuân Thệ dẫn đi; lần thứ hai do đồng chí Bùi Văn Tùng dẫn đi và trực tiếp viết tuyên bố đầu hàng cho đọc, trong đó có đoạn ông ta hạ lệnh cho ngụy quân, ngụy quyền hạ vũ khí, đầu hàng hoàn toàn Quân giải phóng, không được chống cự.

8. Khi đó, từ Quảng Trị qua Thừa Thiên-Huế đến tận Quảng Đà và các vùng ở khu 5, khu 6, TTXVN đều có các đoàn phóng viên tin - ảnh xung trận.

9. Phó Tổng giám đốc Lê Chân lúc đó được cử làm quyền Tổng giám đốc chỉ đạo mọi công việc ở Tổng xã. Bên cạnh ông còn có Phó Tổng giám đốc Hoàng Tư Trai, lúc đó làm Bí thư Đảng ủy.

10. Ngày 30/4/1975, VNTTX đốt một băng pháo dài tới hơn chục mét buông từ nóc tầng 5 xuống sân Tổng xã mừng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

 11. Phỏng theo ý thơ của Tố Hữu

 12. Danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hồ Tiến Nghị - Nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN
(Tác phẩm được trao Tặng thưởng đặc biệt Cuộc thi viết "Thông tấn xã trong tôi")
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2015