Thứ năm, ngày 16/05/2024

Truyền thống

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam.


(15/09/2015 11:25:59)

Nếu tính từ khi bắt đầu bước chân vào VNTTX học lớp đào tạo điện báo viên, tháng 8/1968, đến lúc về hưu, trên cương vị là Trưởng Phân xã TP. Hồ Chí Minh, tháng 9/2013, thì đã vừa tròn 45 năm tôi sống và làm việc trong ngành thông tấn. Nếu có một ghi nhận kỷ lục dành cho những người có thâm niên lâu nhất trong ngành, thì tôi là một trong số các ứng viên.

Nhà báo Hà Huy Hiệp tại Hà Nội, trước lúc lên đường đi B, tháng 4/1973

... Từ những năm 60 của thế kỷ trước, bố tôi (ông Hà Huy Hòe - tức Ngô Thi) là cán bộ phụ trách bộ phận kỹ thuật của báo Nhân Dân, vì thế ông có những mối quan hệ khá thân thiết với nhiều cán bộ của TTX, nhất là với bộ phận kỹ thuật. Do vậy, khi 5 anh chị em trong gia đình tôi gặp khó khăn vì phải đi sơ tán nhiều nơi, tôi buộc phải đi làm sớm, thì nơi được lựa chọn đầu tiên chính là VNTTX - vào đúng lúc cơ quan mở một khóa đào tạo quy mô mới.

Thế là, khi mới chỉ vừa tròn 16 tuổi tôi đã tham gia lớp đào tạo điện báo viên (K8), tổ chức tại Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Tôi còn nhớ rất rõ, 32 học viên lớp điện báo viên ở chái đình làng Giang Xá miệt mài mỗi ngày 8 tiếng tập gõ manips "chay", với những tín hiệu morse tạch- tè và tập đánh máy chữ trên những miếng bìa carton, có vẽ các vòng tròn nhỏ như trên bàn phím của máy đánh chữ.

Học xong, tôi được phân công về phòng Kỹ thuật điện báo tại 44 Tăng Bạt Hổ - Hà Nội, sau về làm ở số nhà 5 Lý Thường Kiệt. Vừa làm vừa học bổ túc văn hóa, tôi đã cố gắng để tự rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề và trở thành một trong những điện báo viên teletype "được việc" của tổ telex lúc bấy giờ. Trong thời gian này, chú Cung, cô Hằng, cô Hà... đã tận tình chỉ bảo, giúp tôi nên người.

Tháng 12/1972, tôi được cử đi tăng cường cho TTXGP, trong đợt chi viện lớn nhất của VNTTX cho chiến trường miền Nam. Ngày 17/4/1973, đoàn chúng tôi do đồng chí Phó Tổng biên tập Trần Thanh Xuân dẫn đầu, đã rời Hà Nội lên đường đi B. Khi đoàn xe đến khu vực Làng Ho, Quảng Bình, đang vượt đèo để sang Trường Sơn Tây thì chiếc xe chở chúng tôi gặp nạn, lật ngửa bên vệ đường, cạnh vực sâu hàng chục mét, tôi bị dập gẫy mấy đốt xương bàn chân. Ở giữa rừng, đoàn quyết định tiếp tục lên đường không dừng lại ở binh trạm. Với một chân sưng vù, tôi đã cùng đoàn vượt Trường Sơn vào miền Đông Nam bộ. Sau hơn một tháng rưỡi, ngày 5/6/1973, đoàn chúng tôi đã đặt chân lên căn cứ của TTXGP, thuộc địa phận của rừng đặc dụng Lò gò, Tây Biên, Tây Ninh ngày nay.

Nhà báo Hà Huy Hiệp (ở giữa) chủ trì một cuộc giao ban của phân xã TP. Hồ Chí Minh

Những năm tháng ở Tây Ninh tôi không thể nào quên: Những ngày đội mưa đi hái lá trung quân, chặt cây rừng dựng nhà; những ngày đói lả với những cơn sốt rét rừng dai dẳng... Rồi tôi và Vũ Anh Tuấn, Hoàng Thị Bích đã trở thành ba điện báo viên đầu tiên phát các dòng tin bằng phương tiện truyền chữ tự động hiện đại nhất bấy giờ là teletype từ chiến khu Giải phóng về Tổng xã Hà Nội.

Đến 29/4/1975, tôi lại là điện báo viên teletype duy nhất của TTXGP được lệnh lên đường trong đoàn do Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân đẫn đầu đi tiếp quản Sài Gòn. Chiều 30/4/1975, đoàn đã có mặt tại 116 Hồng Tập Tự, trụ sở của Việt tấn xã của chính quyền Sài Gòn.Trong bộn bề công việc của những ngày đầu giải phóng, các anh chị bên kỹ thuật đã khẩn trương lắp đặt máy móc thiết bị để một thời gian ngắn sau đó, các dòng tin TTXGP lại được tiếp tục truyền đi bằng teletype trên đất Sài Gòn chuyển ra VNTTX Hà Nội.

Hai năm sau, tháng 6/1977, lãnh đạo cơ quan ưu ái tạo cơ hội cho các cán bộ nhân viên từng công tác ở chiến khu, tôi và anh Vũ Anh Tuấn được đi học lớp đào tạo phóng viên khóa 14 - khóa đào tạo quy mô lớn nhất của TTXVN sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chính nhờ khóa học này, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của tôi đã dần hình thành, là nền tảng kiến thức quan trọng để tôi có điều kiện phát triển sau này. Hơn thế nữa, cũng từ lớp học, tôi đã tìm được "một nửa" của đời mình...

Sau 18 tháng học tập, rèn luyện, cuối năm 1978, tôi được phân công về Phòng tin của Bộ phận thường trú TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, sau đơn vị này chuyển thành Phân xã TTXVN tại TP Hồ Chí Minh. Đến giữa năm 1996, tôi được bổ nhiệm vào một chức vụ dường như chưa từng có trong lịch sử ngành thông tấn là "Trợ lý Trưởng Phân xã TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh" (tương đương Phó Trưởng PX). Đến tháng 8/1998, tôi chính thức được bổ nhiệm làm Trưởng Phân xã và liên tục được tái bổ nhiệm cho đến lúc về hưu - tháng 9/2013.

Viết những dòng hồi tưởng này, tôi thấy như những thước phim quay chậm cả cuộc đời công tác của mình. Vâng, 45 năm trưởng thành của một đời người, gắn bó với một cơ quan duy nhất là TTXVN, trong những cương vị công tác khác nhau tôi đã trải qua nhiều nỗi buồn vui, những khúc quanh mà cuộc sống đẩy đưa, những thất bại trong suốt thời gian công tác cả những thành công trong quá trình phấn đấu, rèn luyện. Nhớ lắm những người bạn cùng lớp điện báo viên K8, những người anh, người chị ở phòng điện báo, Cục Kỹ thuật VNTTX. Nhớ nhiều công ơn dìu dắt của các bậc cha chú: Trần Thanh Xuân, Ngô Dương Luận, Lê Quang Nghĩa, Hai Sơn, từ thuở mới đi B hay những tháng năm đầu giải phóng. Nhớ đến công ơn đào tạo của các thầy của K14: Ngọc Nam, Việt Long, Trương Đức Anh... Nhớ về những người bạn, những người đồng nghiệp ở phân xã TP. Hồ Chí Minh.

Nay ở cái tuổi ngoài 60, ngẫm lại tôi vẫn thường tự hỏi: Cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu như tôi không được cử đi B vào đầu năm 1973, nếu như tôi không gặp được những người tốt ở cơ quan thông tấn giúp đỡ, động viên, hỗ trợ trong những lúc khó khăn...? Không chỉ vợ chồng chúng tôi tự hào là những thành viên của TTXVN, những đứa con của chúng tôi, sinh ra và lớn lên tại khu tập thể của TTXVN - chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu và hiện đang sống tại ngôi nhà được xây trên mảnh đất mà TTXVN cấp tại Thảo Điền, quận 2, vẫn thường tự hào khoe với bạn bè: Cha mẹ của chúng đều là những cán bộ của TTXVN. Và, điều có thể khẳng định là: Trong suốt chặng đường đời gắn bó với sự nghiệp của ngành, nếu như tôi lấy làm tự hào rằng mình đã có một vài đóng góp nhỏ nhoi cho ngành thông tấn, thì ở chiều ngược lại, có thể nói rằng, TTXVN đã mang lại cho tôi tất cả. Nếu có điều chi hối tiếc, thì chỉ tiếc rằng lẽ ra trong suốt thời gian phục vụ cho sự nghiệp thông tấn, mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để đáp lại tất cả những gì TTXVN đã dành cho mình, để đền đáp lại công ơn dìu dắt của lớp người đi trước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp trong ngành.

Hà Huy Hiệp - Nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)

Sâu lắng những tấm lòng (04/08/2015 15:08:44)

Người đi tìm đồng đội (04/08/2015 14:51:05)

“Chiến sĩ” Thông tấn xã Việt Nam trên đất Lào  (07/07/2015 10:38:46)

Cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh (08/06/2015 11:38:54)

“Đấu tranh thống nhất” Bản tin quan trọng bậc nhất của VNTTX  (02/04/2015 15:07:38)

Tri ân vị Đại tướng của nhân dân (13/02/2015 16:16:53)

Tình yêu nâng bước các nhà báo chiến trường (13/02/2015 15:45:27)

Xùn giữ Cứ (13/02/2015 15:40:53)

Ấm áp chuyện Tết xưa (13/02/2015 11:03:47)