Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chân dung nhà báo

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn


(08/12/2015 14:49:53)

Được giao làm phim nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống của hãng thông tấn quốc gia là một vinh dự lớn đối với bất kỳ người làm truyền hình nào, kể cả những nhà báo kỳ cựu, bởi bề dày truyền thống hào hùng và những đóng góp to lớn của TTXVN cho đất nước, cho dân tộc và cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngay từ đầu tháng 6/2015, lãnh đạo Trung tâm Truyền hình thông tấn đã dự trù nhân sự sản xuất phim tài liệu cho ngành và yêu cầu kíp làm phim tập hợp tất cả những tư liệu hình ảnh liên quan; đọc kỹ và xem đi xem lại những kịch bản, phim tài liệu về Thông tấn xã, vì đây sẽ là những chất liệu chính để làm phim. Quả là một quá trình về nguồn của kíp làm phim. Lịch sử của TTXVN từ khi thành lập đến nay được tái hiện lại bằng những hình ảnh chân thực, xúc động, hào hùng và sâu lắng, đặc biệt là những phim như: "Một thời để nhớ", "Thông tấn xã Anh hùng", "Những Nhà báo bất tử"... Những bộ phim này cũng đặt cho chúng tôi một áp lực nặng nề: Làm thế nào để phim mới không đơn thuần chỉ là cắt ghép từ những phim tài liệu cũ, phải đem lại cảm xúc mới, một cái nhìn toàn diện về TTXVN cho lớp khán giả mới sinh ra trong thời bình.

Khi đang xây dựng kịch bản, lãnh đạo Trung tâm Truyền hình thông báo, phim sẽ phát sóng trên kênh Truyền hình Việt Nam và các kênh truyền hình địa phương. Hoan hỷ với thông tin đó, chúng tôi đùa vui với nhau: "Trung ương cho chí địa phương, đâu đâu cũng phải phát phim của mình". Đây thực sự là nguồn động viên lớn để chúng tôi cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn giúp khán giả cả nước biết đến truyền thống hào hùng và sự lớn mạnh không ngừng của TTXVN.

Kịch bản được thông qua. Kíp làm phim sắm một cái lễ nhỏ gọi là lễ bấm máy trên Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TTXVN. Trong khói trầm ngan ngát, những tên người giờ đã hóa thành những hình ảnh cụ thể và thân thương. Chúng tôi đã thấy được những gian khổ, khốc liệt mà các ông, các bà, các cô, các bác đã trải qua, thấy được những khát vọng và lý tưởng mà họ hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân mình.

Từ khi thành lập cho đến ngày hôm nay, trải qua 70 năm đồng hành cùng dân tộc, TTXVN đã luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây cũng là ý tưởng để chúng tôi đề xuất đặt tên phim là "TTXVN - 70 năm trung với Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân".

Chỉ đến khi làm phim về ngành, chúng tôi mới tiếp cận với "Trung tâm lưu trữ ảnh quốc gia" (phòng Ảnh tư liệu, Ban biên tập Ảnh), nơi tập hợp hầu như tất cả những tư liệu bằng ảnh của đất nước qua các thời kỳ, trong đó phần lớn ảnh do phóng viên thông tấn - những người chép sử thực hiện. Tuy giống như cuốn album ảnh của mỗi gia đình, nhưng lại rất ít người được xem, giá như công tác tư liệu cơ quan có thêm một chuyên mục giới thiệu về những "mảnh ký ức" này thì hay biết mấy.

Cụ Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, năm nay đã gần 90 tuổi, là bảo tàng sống về TTXVN, không riêng gì các sự kiện mà cả từng con người có đóng góp cho sự nghiệp Thông tấn, cụ đều nắm rõ. Hôm sang xin phỏng vấn cụ, cụ nói: "Tao đang đau răng, nói nó vừa phều phào mà vừa nhanh mệt, để vài bữa nữa, làm răng xong, hỏi gì tao nói hết". Gặp cụ Võ Thế Ái, nhà báo hoạt động trên cung đường vận tải hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong một buổi gặp gỡ do cơ quan tổ chức, chúng tôi xin phỏng vấn và được cụ đồng ý, nhưng thấy cụ mệt và xúc động nhiều nên chúng tôi xin phỏng vấn cụ vào buổi khác. Lúc ấy đã là giữa tháng 8, chúng tôi chỉ còn nửa tháng để hoàn thành bộ phim. Đang lúc phải chạy đua với thời gian thì tôi được "mách" là hãy sang Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ mà lấy tư liệu, bên đấy "cái gì cũng có!"

Cả một kho dữ liệu phỏng vấn hàng terabyte được cắt gọt và sắp xếp rất khoa học, với chú thích đầy đủ từ câu hỏi đến tóm tắt nội dung trả lời, đã được bên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn thực hiện và lưu trữ... Đây quả là một việc làm vô cùng có ý nghĩa đối với ngành và đối với thế hệ cha anh đi trước. Những nhân vật được phỏng vấn và lưu trữ là những bậc lão thành - những ký ức sống của TTXVN, hiện sức khỏe đã hao mòn theo thời gian. Nếu không lưu trữ lại thì chỉ vài năm nữa, e rằng, những ký ức ấy sẽ mãi theo các cụ về với tiền nhân. Chỉ đến lúc này, tôi mới hiểu hết ý nghĩa và việc làm đầy trách nhiệm của lãnh đạo ngành với thế hệ kế cận, hiểu hết những đóng góp thầm lặng nhưng có ý nghĩa lâu dài đối với công tác truyền thống của Trung tâm.

Phim làm xong, để được thông qua ở Hội đồng duyệt phim, quá trình sửa phim cũng dài gần như thế. Các Ban, lãnh đạo Trung tâm Truyền hình, lãnh đạo cơ quan đều tham gia góp ý, nhiều khi chỉ một vài từ, một hình ảnh chưa "nuột", chưa "ngọt" đều phải được thay thế và chỉnh sửa.
Buổi phát sóng trên VTV1, tôi đến một quán cà phê để xem cùng khán giả. Câu chuyện về TTXVN truyền từ bàn nọ sang bàn kia, kéo họ về những năm tháng chiến tranh, những thời kỳ gian khổ của đất nước, người Hà Nội thì nhớ những buổi sáng chờ tin TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt. Và cả những câu chuyện về vai trò của báo chí hôm nay...

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2015