Thứ ba, ngày 14/05/2024

Truyền thống

Chiếc xe đạp của anh Sáu Nghĩa


(03/11/2015 15:33:38)

Xuất hiện ở vị trí trung tâm trong Phòng truyền thống Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (B2) có một hiện vật thu hút sự chú ý của rất nhiều khách tham quan, đó là chiếc xe đạp của ông Lê Quang Nghĩa (1931-2013), tên thân mật - anh Sáu Nghĩa, nguyên cán bộ Thông tấn xã Giải phóng, Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhà báo Thanh Bền (trái) tiếp nhận hiện vật là chiếc xe đạp của nhà báo Sáu Nghĩa

 

Chiếc xe đạp gợi lại bao nhiêu kỷ niệm đẹp của cán bộ lãnh đạo được nhiều người quý mến. Thời kỳ đó chỉ có cán bộ và giao liên mới được cấp xe đạp làm phương tiện đi lại. Nhà báo Văn Khánh, phòng Ảnh tại TP. Hồ Chí Minh (đã nghỉ hưu) nhớ lại, lúc đó khoảng buổi chiều năm 1973, tại cầu Cần Đăng (Tây Ninh), đoàn chúng tôi từ Bắc vào đang ngồi chờ thì anh Sáu Nghĩa đi chiếc xe đạp này ra đón, dẫn chúng tôi về căn cứ, nhìn chiếc xe đạp khiến tôi càng nhớ về anh - một con người hiền lành, vui tính và nhiệt tình trong công việc.

Việc đi tìm và "xin" chiếc xe đạp cũ về làm hiện vật cho Phòng truyền thống B2 cũng là một câu chuyện hết sức tình cờ và thú vị. Anh Lê Quang Nhựt - Phó phòng ảnh TTXVN tại B2 - con trai của ông Sáu Nghĩa - nhớ lại và nói "hình như Ba còn có chiếc xe đạp, một cái radio và đèn pin đang được cất giữ ở nhà thờ dưới quê". Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam Nguyễn Tiến Lễ biết tin vui mừng ra mặt, vì ông biết đó là những kỷ vật rất quan trọng để trưng bày trong Phòng truyền thống.

Mấy hôm sau chúng tôi về tận Tiền Giang, nơi ông Lê Quang Nghĩa yên nghỉ, để xin chiếc xe đạp - kỷ vật mà ông gắn bó gần như cả cuộc đời.

Chú Tám Nhơn, gọi ông Sáu Nghĩa bằng cậu ruột, là người coi nhà thờ nói: Cậu Sáu dặn khi tui mất phải treo chiếc xe này lên trên tường nhà khỏi hư. Tui làm theo lời cậu, thỉnh thoảng mang xuống bơm hơi, lau chùi bụi bặm rồi chạy vài vòng cho khỏi bị hoen gỉ. Cách đây hơn một năm, có một anh hàng xóm, gia cảnh rất nghèo, không có chiếc xe đạp để đi làm ruộng. Tui thắp nhang xin cậu Sáu cho người ta chiếc xe để có phương tiện đi lại. Tui nghĩ cậu chắc cũng sẽ đồng ý. Mấy hôm trước, cháu Nhựt gọi về bảo là lấy lại chiếc xe đạp của Ba mang về trưng bày ở phòng truyền thống TTXVN, tui lo lắm vì đã lỡ cho họ rồi bây giờ đòi lại thấy kỳ quá. Cũng may khi qua gặp người ta, trình bày sự việc, anh hàng xóm đã vui vẻ trả lại. Chứ lúc đó họ làm mất chiếc xe này thì không biết nói làm sao với cậu Sáu và các cháu.

Ông Nghĩa vốn là người rất cẩn thận, chăm chút chiếc xe của mình như con, vậy nên chiếc xe đạp hiện vẫn chạy tốt, hệ thống đèn, ghi đông, gác đờ pu vẫn còn y nguyên, chỉ có vài chi tiết phụ tùng như xích, lốp, thắng phải thay mới do không có đồ nguyên trạng.

Nhà báo Thanh Bền - người đã cùng chúng tôi về quê hương Tiền Giang để xin lại chiếc xe đạp - nhắc đến ông Sáu Nghĩa như một người anh luôn sống chan hòa với anh em đồng nghiệp, tận tình trong công việc và rất điềm tĩnh để giải quyết những tình huống gay cấn nhất. Sau này nghỉ hưu, dù sức khỏe không được tốt nhưng anh Sáu vẫn đạp xe đến các cuộc họp mặt, để có dịp gặp gỡ, thăm hỏi anh em.

Chiếc xe đạp từng gắn bó với ông những năm kháng chiến cho đến khi nghỉ hưu vẫn là người bạn đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường quê Tiền Giang. Giờ đây, chiếc xe có giá trị lịch sử ấy được lưu giữ tại Phòng truyền thống B2 như một minh chứng cho người lãnh đạo hết lòng vì công việc, được bạn bè đồng nghiệp yêu quý. Những tấm gương của lớp người đi trước là động lực để thế hệ sau tiếp bước cùng TTXVN phát triển vững mạnh.

Phòng truyền thống Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam vừa được khánh thánh ngày 12/10/2015, đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật, hiện vật của cán bộ, PV, BTV, kỹ thuật viên VNTTX trong thời kỳ kháng chiến. Có được Phòng truyền thống là nỗ lực rất lớn của Ban giám đốc Cơ quan B2, bởi từ khi hình thành ý tưởng cho đến hoàn thành chỉ trong 3-4 tháng. Giám đốc Nguyễn Tiến Lễ, người khởi xướng công trình, đã lên ý tưởng và trực tiếp liên hệ đến rất nhiều địa chỉ để có được các hiện vật, hình ảnh, tuy chưa đầy đủ nhưng đã phần nào tái hiện một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của TTXGP và TTXVN khu vực phía Nam.

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đời sống ở R (12/10/2015 11:08:36)

Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam. (15/09/2015 11:25:59)

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)

Sâu lắng những tấm lòng (04/08/2015 15:08:44)

Người đi tìm đồng đội (04/08/2015 14:51:05)

“Chiến sĩ” Thông tấn xã Việt Nam trên đất Lào  (07/07/2015 10:38:46)

Cái nôi của nhiều tài năng nhiếp ảnh (08/06/2015 11:38:54)

“Đấu tranh thống nhất” Bản tin quan trọng bậc nhất của VNTTX  (02/04/2015 15:07:38)

Tri ân vị Đại tướng của nhân dân (13/02/2015 16:16:53)