Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng CQTT Bắc Kạn: Đi và khám phá cái mới


(25/02/2016 14:56:41)

 

Nghe “dân trong nước” kháo rằng anh là người “nặng duyên” với vùng cao?
Gọi là “nặng duyên” chắc có lẽ đúng. Bởi, tôi vốn sinh ra ở núi Tản - sông Đà, nơi mà mỗi khi tôi mở mắt ra đã thấy núi, thấy rừng. Hơn nữa tôi tuổi hổ nên có duyên với rừng núi cũng phải thôi. Còn nhớ năm ấy là cuối năm 2005, sau một thời gian làm việc tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn và được học một số lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí, không hiểu sao tự dưng tôi cứ khao khát được đi và được viết thật nhiều. Tuy nhiên, cứ mỗi lần ngỏ ý xin đi làm phóng viên phân xã trong nước là lại bị “sếp trưởng” gạt phắt đi. Tôi còn nhớ mình đã phải viết đến lá đơn thứ ba và nhờ một số người tác động thì mới được các thủ trưởng chấp thuận. Hôm ấy, tôi đang chuẩn bị cho một lớp học của Trung tâm thì Phó Tổng giám đốc Trương Đức Anh gọi sang phòng. Cầm tờ đơn của tôi trên tay, thủ trưởng cười ôn tồn và hỏi: “Bố thấy con ở đó đang ổn định sao lại xin đi? Hay có chuyện gì? Có thì con cứ mạnh dạn nói! (bố và con là cách gọi thân tình mà sếp Trương vẫn thường dùng để nói chuyện với cánh thanh niên trẻ ở Trung tâm). Tôi gãi đầu gãi tai trả lời: Không có chuyện gì đâu bố ạ, tại con thích được đi và viết thôi… Mới lại ở mãi một chỗ con thấy tù túng lắm.
Thủ trưởng Trương lại thủng thẳng hỏi: Thế con thích đi đâu? Lai Châu còn đang thiếu phóng viên đấy con có đi không? Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, vớ được câu hỏi ấy, tôi trả lời vội: Vâng, con đi đâu cũng được, miễn là được đi. Nhìn tôi và cười tủm tỉm, sếp Trương bảo: Vậy về chuẩn bị đi, mai bố ký quyết định luôn. Thế là từ sau cuộc nói chuyện ấy, tôi chính thức ra nhập đội quân phóng viên trong nước, rồi cũng từ đó tôi lang thang hết Tây lại sang Đông Bắc.
 
Trong 10 năm, lang thang qua ba cơ quan thường trú, hết Lai Châu lại sang Cao Bằng và mới đây là Bắc Kạn, tổ chức phân công hay là do anh “thích” thay đổi như vậy?
Nói là thích thì cũng không hẳn vì đã là phóng viên thì phải tuyệt đối chịu sự phân công của tổ chức, đâu cứ thích là được. Còn nếu thích thì tôi thích ở phân xã nào đó “hoành” một tí, nơi mà một tháng có điều kiện viết hàng ngàn điểm và không phải đi hàng trăm cây số chỉ để làm được cái tin, hoặc đi bộ cả ngày rạc cẳng mà lắm khi chẳng viết được cái tin nào. Nói như vậy không phải tôi bì tị gì đâu mà có lẽ như chị nói đó, chắc tại “duyên số” với núi rừng thôi, khéo khi lãnh đạo ngành cho tôi về đồng bằng tôi lại chẳng làm được gì cũng nên.
 
Anh “được” gì khi làm việc ở những địa bàn xa xôi như thế?
Các cụ ta thường nói: “đi một ngày đàng học một sàng khôn” huống chi tôi đi hàng “trăm ngày đàng” lại không học được vài sàng khôn? Nói vui vậy thôi, chứ mỗi một miền đất khó khăn mà tôi từng qua đã cho tôi vô vàn trải nghiệm, lâu dần những trải nghiệm ấy trở thành kỹ năng sống. Có thể nói đến bây giờ tôi hoàn toàn có quyền tự hào rằng cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng có thể vượt qua và luôn xứng đáng là một phóng viên của cơ quan thông tấn quốc gia. Tuy không nổi đình nổi đám nhưng ít nhiều tôi cũng dám dấn thân vào những vùng khó và nếu sau này anh em có viết lịch sử ngành thì tôi cũng là một trong những phóng viên đầu tiên ở phân xã Lai Châu. Nhiều hơn thế nữa là cho dù ở đâu tôi cũng được đồng bào vùng cao và lãnh đạo các địa phương dành cho những tình cảm thật đặc biệt mà không dễ gì phóng viên nào cũng có được.
 
Lang thang nhiều năm, vậy chuyện vợ con, gia đình anh thu xếp ra sao?
Nói về chuyện này thì tôi lại là người có lỗi nhiều lắm. Ngày tôi đi con tôi mới được hai tuổi, suốt từ đó vợ tôi một mình nuôi con! Những lúc khỏe mạnh thì không sao chứ khi trái gió trở giời, con nhỏ ốm đau thì cực lắm. Nhưng được cái, vợ tôi rất yêu tôi và là người giỏi chịu đựng nên cũng vượt qua hết. Ngày 20/10 vừa rồi tôi có làm một bài thơ tặng vợ, còn nhớ khi nghe xong nàng “vui” đến phát khóc: Ai buộc đời em vào đời tôi/ Bao năm phiêu bạt khắp phương trời/ Ở nhà em gánh bao nhiêu khổ/ Mang tiếng có chồng vẫn chia đôi!
Tất nhiên, những khi có điều kiện về với gia đình, tôi cũng cố gắng bù đắp thật nhiều cho vợ con. Từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đưa con đi học… tôi làm tuốt, miễn sao vợ, con tôi vui, nhà cửa ấm áp không khí gia đình. Cho nên tôi chỉ là người chồng, người cha chưa hoàn hảo chứ không… tồi! (cười)
 
Trong những năm hoạt động nghề nghiệp ở các tỉnh phía Bắc của Tổ Quốc, có năm nào anh đón xuân ở đó. Cảm giác thế nào khi ăn tết miền núi; không khí có gì khác với tết thủ đô?
Đón Tết vùng cao thì tôi đượ            c đón hai lần. Năm đầu là xuân 2006 ở Lai Châu và năm 2010, ở Cao Bằng. Cảm giác thì buồn và nhớ nhà vô cùng, nhưng một phần vì nhiệm vụ, một phần cũng vì thích khám phá nên cố vượt qua. Với người vùng cao, nhất là ở những nơi đặc biệt khó khăn, Tết bao giờ cũng vui hơn ở Thủ đô. Đón Tết ở đó tôi có cảm giác cũng giống như cái thời khó khăn ở dưới xuôi vậy! Có lẽ do cuộc sống của đồng bào vùng cao hiện nay còn quá vất vả nên với họ Tết là dịp để trẻ em được mặc áo mới, người lớn được thỏa thích ăn thịt và uống rượu, những cô gái chàng trai được say sưa, tình tứ bên những điệu khèn thâu đêm suốt sáng… Vậy đó, với người vùng cao, Tết vẫn còn tương đối nguyên bản, còn dưới xuôi, nhất là các thành phố lớn, tôi có cảm giác Tết đã bị “nhạt” đi rất nhiều.
 
Năm mới, nói chuyện mới, anh có dự định tiếp tục cuộc hành trình khám phá vùng cao, hay Bắc Kạn là… điểm cuối cuộc “lang thang” của nhà báo Mạnh Hà?
Phải nói thật, tôi là người không thích một cuộc sống quá bằng phẳng, trong thâm tâm tôi luôn muốn đi và khám phá một cái gì đó mới lạ. Nếu bắt tôi phải sống và làm việc trong một môi trường phẳng lặng, công việc cứ đều đều thì tôi cảm thấy rất khó chịu. Nên nếu có điều kiện tôi vẫn tiếp tục đi, chỉ có điều bây giờ tôi muốn làm việc ở một chỗ nào đấy vừa được đi, vừa được dành nhiều thời gian hơn cho vợ, cho con. Tuy tuổi Dần, nhưng tôi cũng nặng tình lắm… Song mong ước đầu năm vậy thôi, chứ tôi luôn tuân theo sự phân công của tổ chức. Với lại, có chuyện này nói nhỏ với chị thôi nhé, ở miền núi lâu, ăn nói xô bồ nên cũng lo nếu được cho về Thủ đô, ngộ nhỡ có lúc “vạ miệng” thì quả là khó đỡ.
 
Chúc anh xuân mới thêm nhiều năng lượng mới!

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Bùi Duy Trinh - Trưởng CQTT Moskva: Lên đường để có thông tin hay (25/02/2016 14:53:04)

Làm phim 70 năm Thông tấn - Chuyến đi về nguồn (08/12/2015 14:49:53)

Góp phần xây dựng đội ngũ hội viên năng động, sáng tạo (07/07/2015 10:12:09)

Nữ Trưởng ban đầu tiên của TTXVN (31/10/2014 10:14:23)

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên (05/09/2014 14:30:28)

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)

Nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng, như tôi được biết  (10/02/2014 16:18:15)

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn (05/11/2013 09:56:21)

Nhớ nhà báo Trần Thanh Xuân (08/07/2013 10:17:24)