Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Truyền thống

35 năm ấy biết bao nhiêu tình


(12/01/2016 10:49:50)

Trong 70 năm hình thành phát triển của TTXVN, tôi được gắn bó 35 năm (1964-1999) với sự nghiệp thông tấn, bằng phân nửa số tuổi của ngành, trong đó có 11 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam và 24 năm sau giải phóng.

Bùi ngùi tiễn đưa bác Khâm cùng một số "cựu binh" trở về Tổng xã VNTTX tại Hà Nội, năm 1974

Tôi đã sống, chiến đấu, công tác ở TTX gần nửa đời người, đã trải qua "một thời đạn bom, một thời hòa bình". Được rèn luyện, thử thách trọn hai hoàn cảnh trái ngược nhau mà đến nay tôi vẫn còn tồn tại và còn say mê cái "nghiệp" viết lách - dù đã nghỉ hưu từ lâu. Đó là nhờ cách mạng dìu dắt, nhờ TTX nuôi dạy, rèn luyện chăm lo cho cả hạnh phúc cá nhân tôi.

Từ một học sinh cấp ba, tôi được cách mạng đào tạo trở thành cán bộ Tuyên - văn - giáo huyện Cần Giuộc (quê tôi), được tỉnh Long An cử đi học trường Báo chí của Trung ương cục miền Nam, được chọn làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Từ đó tôi mới biết TTX là gì, vị thế và tầm ảnh hưởng to lớn đối với xã hội, đặc biệt với cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Từ sứ mệnh cao cả, trách nhiệm lớn lao này của TTX, tôi thấy việc làm của mình có ý nghĩa nên cố gắng học tập, rèn luyện tay nghề để có những sản phẩm tốt vừa để thỏa mãn lòng ham thích, vừa vì uy tín cá nhân, vì danh dự của ngành.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam, TTXGP - bộ phận tiền phương của VNTTX - là một trong 12 Tiểu ban của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, cùng với Đài phát thanh Giải phóng, là hai cơ quan "bề nổi" đứng đầu mũi nhọn tiến công địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng, tố cáo tội ác địch, động viên quân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Xin được kể đôi nét về tình hình lúc đó.

Chiến dịch Đông Xuân 1965-1966, tôi được Giám đốc Võ Nhân Lý (Vũ Linh) giao làm Tổ trưởng tổ tin, ảnh, điện báo gồm 8 người, có phóng viên Thanh Thu là đảng viên.

Lễ khai giảng một lớp học nghiệp vụ báo chí tại Cứ

 

Đến năm 1968, sau đợt Tổng tấn công Mậu Thân, tuy ta có thắng lợi về mặt quân sự, chính trị nhưng phong trào đấu tranh ở nội thành Sài Gòn và các đô thị miền Nam bị địch đàn áp nặng nề, nhất là phong trào công nhân và sinh viên học sinh. Nhiều tổ chức bí mật bị lộ, nhiều cán bộ cốt cán bị địch bắt thủ tiêu, bỏ tù. Thừa lệnh Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, TTXGP quyết định cử Tổ điểm báo Sài Gòn gồm 5 người có phóng viên tin, báo vụ điện đài giao tôi phụ trách đi công tác độc lập ở vùng biên giới tỉnh Tây Ninh giáp Campuchia. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức mạng lưới mua hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn (trên 30 tờ), về điểm tin rồi điện phát nhanh về cơ quan để viết thành tin, hỗ trợ kịp thời phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 tiến về Sài Gòn, TTXGP chuẩn bị nhiều mũi tham gia - kể cả các phóng viên đang công tác tại các địa phương. Tổ chúng tôi có phóng viên tin, ảnh, báo vụ, kỹ thuật sửa chữa điện đài gồm 5 người gọn nhẹ (Trần Thiêm, Sĩ Mến, Tiệp, Chúc và Thanh Bền - Tổ trưởng) được coi là tổ mũi nhọn, xuất quân đầu tiên ngày 7/4/1975 cùng với các tổ phóng viên của Đài phát thanh, báo Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng, các tiểu ban Văn nghệ, Giáo dục... của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam xuống đường, mũi Tây Bắc. Sau 23 ngày đêm vượt bom đạn, vượt hệ thống án ngữ bằng xe tăng địch mở "đường máu" qua lộ, đến chiều 30/4/1975 vào nội thành Sài Gòn. Tôi nhờ người bạn là cán bộ Thành đoàn lái xe đi một vòng Sài Gòn để viết tin nhanh điện về: "Sài Gòn, sau vài giờ giải phóng". Và sáng sớm hôm sau, lại đi một vòng quanh Sài Gòn, Chợ Lớn Gia Định, tôi có bài: "Sài Gòn, 1/5".

Cả ba lần phụ trách tổ công tác độc lập, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và bảo toàn nguyên vẹn lực lượng, đi đến nơi về đến chốn.

Sau mấy ngày đầu tiếp quản, bận rộn nhất là phóng viên tin, ảnh, làm việc bất kể ngày đêm. Địa bàn hoạt động mới, an ninh trật tự chặt chẽ. Phóng viên phải có giấy giới thiệu của Ủy ban Quân quản mới được tác nghiệp. Tôi được phân công phụ trách tổ tin Sài Gòn, vì trước giải phóng tôi là Quyền Trưởng phòng đô thị - tự tập hợp các phóng viên rồi phân công mỗi người một mảng để tung ra các địa bàn. Hàng ngày, cứ 8 giờ sáng tôi phải báo cáo với Ban biên tập về hoạt động của Tổ và kế hoạch trong ngày. Bản thân tổ trưởng cũng nhận một phần việc. Vài tuần sau, khi phóng viên về đủ, Tổ trở thành phân xã Sài Gòn, cũng tiếp tục phương thức hoạt động như vậy.

Năm 1979, Campuchia có biến động, đồng chí Nguyễn Kim Cang (Việt kiều Campuchia giỏi tiếng Khmer), Trưởng phân xã Sông Bé, được điều đi gấp. Tôi được phân công thay vào vị trí đồng chí Cang đúng vào ngày 27 Tết nguyên đán.

Công việc cần làm ngay là tôi và phóng viên Quách Lắm, đi liên hệ xin dãy nhà xây 10 căn của Ty Xây dựng tỉnh còn bỏ trống để làm trụ sở phân xã và nhà riêng cho anh em phân xã, sớm tổ chức cuộc sống cho anh em để thay khu nhà tạm trong sân banh Gò Đậu (Thủ Dầu Một).

Năm 1982, tôi trở về cơ quan, làm phóng viên Tổ chuyên đề, rồi làm Trưởng phòng Quản lý các phân xã địa phương B2. Ở vị trí này, tôi có điều kiện giúp đỡ các phân xã nhiều hơn về các lĩnh vực công tác.

Tôi luôn tâm nguyện, được công tác ở cơ quan thông tấn quốc gia là hạnh phúc lắm rồi. Tôi còn may mắn hơn nhiều so với các đồng đội, đồng nghiệp thân yêu đã ngã xuống, không thấy được ngày độc lập. Đó là ân tình, đồng thời cũng là món nợ mà chúng tôi, những người còn sống, không bao giờ trả hết được! Tình riêng đã hòa quyện vào nghĩa chung của cơ quan thành nghĩa tình TTX, không chỉ 35 năm, mà còn suốt cuộc đời tôi.

Thanh Bền - Nguyên phóng viên TTXGP
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Cầu Người” – Một bức ảnh quý giá  (04/11/2015 15:04:29)

Hoạt động về nguồn tại Tây Ninh (03/11/2015 15:38:35)

Chiếc xe đạp của anh Sáu Nghĩa (03/11/2015 15:33:38)

Đời sống ở R (12/10/2015 11:08:36)

Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam. (15/09/2015 11:25:59)

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)

Sâu lắng những tấm lòng (04/08/2015 15:08:44)

Người đi tìm đồng đội (04/08/2015 14:51:05)

“Chiến sĩ” Thông tấn xã Việt Nam trên đất Lào  (07/07/2015 10:38:46)