Thứ bảy, ngày 04/05/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 40 năm VNTTX và TTXGP thống nhất thành TTXVN: Lịch sử tên gọi" Thông tấn xã Việt Nam"


(25/02/2016 14:20:20)

Khi nắng xuân ấm áp đang dần xua tan giá lạnh của mùa đông, trong căn phòng nhỏ góc phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời điểm ra đời tên gọi "Thông tấn xã Việt Nam" cách đây 40 năm, bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của cơ quan Thông tấn quốc gia.

Từ thống nhất tên gọi Thông tấn xã Việt Nam

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Tổ quốc Việt Nam thống nhất về mặt lãnh thổ, nguyện vọng của nhân dân cả nước là sớm có một nhà nước chung, một cơ quan quyền lực chung. Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (9/1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Khoảng cuối năm 1975 đầu năm 1976, Bộ Chính trị họp ở T78 TP. Hồ Chí Minh đã nhất trí Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sẽ diễn ra sớm và đúng thủ tục. Nhà báo Đỗ Phượng, khi ấy là Phó Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đại diện tại phía Nam, cũng là Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã mạnh dạn đề nghị Trung ương cho phép chỉ có một nguồn tin. Bầu cử Quốc hội thống nhất thì không thể miền Bắc do VNTTX đưa tin, miền Nam lại do TTXGP đưa tin bầu cử. Từ thực tế đó, xin phép được thống nhất hai TTX sớm hơn các ngành khác.

Trước mong muốn rất chính đáng, Bộ Chính trị đã nhất trí cho thống nhất hai TTX, bảo đảm một nguồn tin duy nhất. Tổng Bí thư Lê Duẩn nhanh chóng đưa ra kết luận: TTX là cơ quan báo chí, không phải là cơ quan nhà nước, việc thống nhất trước các ngành không liên quan đến tổ chức nhà nước nên có thể làm ngay. Anh Năm (tức đ/c Trường Chinh), anh Tô (tức đ/c Phạm Văn Đồng) và anh Mười (tức đ/c Phạm Hùng) cùng TTX tính toán cụ thể cách thức thực hiện về tên gọi mới của TTX.

Nguyên Tổng giám đốc Đỗ Phượng trầm ngâm nhớ lại cuộc họp lịch sử cách đây 40 năm: "Tại căn phòng làm việc của Trụ sở cơ quan đại diện VNTTX tại miền Nam, số 155 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) TP. Hồ Chí Minh, các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng trực tiếp cùng TTX bàn cách thực hiện. Chúng tôi thực sự xúc động trước sự thận trọng và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với cơ quan thông tấn.

Mở đầu cuộc làm việc, anh Trường Chinh phân tích: Việc thống nhất hai cơ quan báo chí vốn chỉ có một chức năng thông tin không cần nhiều thủ tục phức tạp, chỉ cần một thông báo của VNTTX và TTXGP. Tuy nhiên, điều làm tôi băn khoăn là thời điểm và cách Bác Hồ đặt tên cho TTX. Ngay cả tên nước chúng ta cũng sẽ thay đổi, nhưng với một việc nhỏ này tại sao cứ phải cân nhắc, là vì ngày 24/8/1945, tôi và anh Cả (phóng viên Nguyễn Lương Bằng) ra một xã ở ngoại thành để đón Bác Hồ về nơi làm việc đã chuẩn bị ở trung tâm thành phố. Tình cờ anh Cả đưa cho Bác xem bản tin do anh Trần Kim Xuyến cùng mấy anh em đồng nghiệp làm ngay trong ngày 23/8. Bác chăm chú đọc rồi nói: Các chú làm nhanh nhưng cần phải có tên nguồn. Rồi Bác cầm bút ghi ngay trên bản tin dòng chữ Hán "Việt Nam Thông tấn xã" và viết tiếp dòng chữ Việt viết tắt là VNTTX. Tiếp đó, Bác viết tên tiếng Pháp là Agence Vietnammian D’Information, viết tắt VNI; tên tiếng Anh là Vietnam News Agency, viết tắt VNA; vậy là đủ bốn ngữ Hán - Việt - Pháp - Anh. Viết xong Bác đưa lại bản tin cho tôi và dặn: Chú Năm xem lại tên gọi này. Nếu được thì giao cho các chú làm tin để từ nay xác định nguồn tin chính thức là VNTTX.

Anh Phạm Hùng biểu thị sự đồng tình với anh Trường Chinh và nói thêm: Đặt tên gì cũng được nhưng đừng đặt là hãng thông tấn. Anh Phạm Văn Đồng theo thói quen không ngồi mà chắp tay sau lưng đi lại trong căn phòng, dáng trầm ngâm suy nghĩ. Đột nhiên anh dừng lại và nói to: Tôi nghĩ ra rồi, ta vẫn giữ nguyên năm từ của Bác, chỉ đảo ngược Việt Nam Thông tấn xã thành Thông tấn xã Việt Nam. Anh Trường Chinh vui vẻ tiếp lời: Hay quá, đảo ngược lại rất phù hợp với ngữ văn tiếng Việt.

Tiễn các anh ra về, tôi chạy ngay đến nhà anh Trần Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập VNTTX, Giám đốc TTXGP và cũng rất may lúc đấy anh Đào Tùng, Tổng biên tập VNTTX vẫn đang ở miền Nam. Ba chúng tôi nhanh chóng thống nhất nội dung bản thông báo phát cho các báo trong nước và quốc tế về việc thống nhất tên gọi "TTXVN".

 

Đến cuộc "hội ngộ" toàn ngành đầu tiên khi nước nhà thống nhất

Việc thống nhất toàn ngành rất quan trọng, đòi hỏi phải nắm thật vững và vận dụng đúng đắn đường lối điều hành thống nhất đất nước của Đảng. Tháng 9/1976, Hội nghị toàn ngành đầu tiên được tổ chức, đánh giá thành tựu mấy chục năm của TTX gắn bó với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, rút ra bài học sâu sắc của những người làm công tác thông tấn trong cả nước, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của ngành Thông tấn nước Việt Nam thống nhất.

Theo nhà báo Đỗ Phượng, đó là cuộc hội ngộ đầu tiên sau thống nhất của hơn 200 anh chị em phóng viên, biên tập viên được chọn lựa từ các cơ sở của TTX ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam và các Phân xã ngoài nước. Anh em tay bắt mặt mừng, khai mạc hội nghị ở An Giang rồi về họp tại Cần Thơ và phiên bế mạc lại diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh. Cho đến giờ, chưa có một cuộc hội nghị ngành nào được tổ chức kỳ công như vậy.  

Tại hội nghị, Ban lãnh đạo cơ quan đặc biệt chú ý bàn về cách đưa tin, làm tin về khí thế toàn dân hưởng ứng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất. Hội nghị cũng quyết định một số nhiệm vụ cấp thiết ngay sau khi thống nhất toàn ngành như: Kiện toàn bộ máy tổ chức của Tổng xã; kiện toàn hệ thống phân xã; mở lớp đào tạo nghiệp vụ khóa 14 cho anh chị em phóng viên từ những vùng mới giải phóng. Đồng thời, ổn định bộ máy thường trú ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ thích hợp; thiết lập cơ sở vật chất kỹ thuật thích ứng làm nền tảng, tái lập mối quan hệ phối hợp và hiệp đồng công tác thông suốt trong toàn hệ thống...

Đây cũng là thời điểm mà TTXVN bước sang thời kỳ đổi mới về cơ sở vật chất kỹ thuật, thay mới các máy teletype thu, tăng cường hệ thống antennes, củng cố cơ sở phát sóng ở Tổng xã, hoàn chỉnh cơ sở thu phát telephoto...

Ngày 12/5/1977 khi Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành TTXVN trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đồng thời cũng quyết định thay đổi chức danh trong Ban lãnh đạo TTXVN: Tổng biên tập thành Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập; Phó Tổng biên tập thành Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Tổng biên tập.

40 năm đã qua kể từ ngày thống nhất, đến nay, TTXVN đã mang trên mình nhiều trọng trách, hoàn thành sứ mệnh là cơ quan báo chí đa phương tiện thực hiện chức năng cơ quan thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước, tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Thân Thương (ghi)

Theo lời kể của nguyên Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

35 năm ấy biết bao nhiêu tình (12/01/2016 10:49:50)

“Cầu Người” – Một bức ảnh quý giá  (04/11/2015 15:04:29)

Hoạt động về nguồn tại Tây Ninh (03/11/2015 15:38:35)

Chiếc xe đạp của anh Sáu Nghĩa (03/11/2015 15:33:38)

Đời sống ở R (12/10/2015 11:08:36)

Các điện báo viên đồng hành cùng phóng viên chiến trường khu V (16/09/2015 14:36:30)

Cả cuộc đời tôi gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam. (15/09/2015 11:25:59)

Thông tấn xã Việt Nam trưởng thành cùng đất nước 70 năm: Truyền thống - Điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.  (15/09/2015 10:33:47)

Sâu lắng những tấm lòng (04/08/2015 15:08:44)

Người đi tìm đồng đội (04/08/2015 14:51:05)