Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

“Biển học vô bờ”


(12/01/2016 14:24:24)

Tôi mượn câu nói này của các bậc tiền nhân làm nhan đề cho bài viết vì chính đây cũng là phương châm làm việc xuyên suốt trong những năm tháng làm báo của tôi tại TTXVN.

Nhà báo Phạm Vỵ (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp thăm quan phòng Truyền thống cơ quan

Tốt nghiệp Đại học Ngoại giao khóa III, 1962 - 1966, khoảng gần chục anh chị em chúng tôi về nhận công tác tại cơ quan, riêng tôi được phân công về tổ Á - Phi, do anh Ngô Trọng Bân làm Tổ trưởng, của Phòng tin Thế giới mà Trưởng phòng là anh Nguyễn Thế Đức. TTXVN lúc đó còn là cơ quan hai cấp: Phòng rồi Bộ biên tập, chứ chưa có cấp Ban như hiện nay.

Năm ấy tôi vừa tròn 30, còn tuổi nghề chỉ là con số "0". Nhưng được cái tôi vốn rất mê nghề làm báo. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và sau này là trong quân ngũ, tôi đã từng nhiều lần cặm cụi trên những tờ báo tường được đơn vị phân công phụ trách.

Ở tổ Á - Phi, tôi được trao nhiệm vụ làm tin nhanh, tin tham khảo, tin phổ biến có liên quan đến một số nước Bắc Phi. Nguồn tin lúc đó chủ yếu lấy từ các cuộn tin thu được từ các hãng Reuters, AP, UPI và AFP, do Phòng Điện vụ (sau đó đổi thành Cục Kỹ thuật và nay là Trung tâm Kỹ thuật thông tấn) cung cấp, rồi mang về xé ra phát cho mỗi người một mảng theo khu vực mình phụ trách. Phương tiện làm việc chỉ là những cây bút sắt, chỉ có một máy chữ duy nhất dành cho Tổ trưởng.

Ở "cái thuở ban đầu" này, ngày ngày tôi chỉ loay hoay với những câu hỏi chọn tin nào đây, lấy đoạn nào đây, dịch hoặc biên tập ra sao cho phù hợp với yêu cầu của từng bản tin. Tôi còn nhớ có những trang tin làm ra, mực xanh thì ít, mực đỏ thì nhiều, có nghĩa là trang tin được sửa chữa chằng chịt. Cũng có cái hay là khi đó tin bài đều viết tay, chữa cũng bằng tay, nên sau mỗi lần Tổ trưởng duyệt xong, tôi đều đọc đi đọc lại nhiều lần, rút kinh nghiệm để tránh lặp lại những sai sót cũ trong những tin sau.

Niềm vui của tôi chỉ là được thấy những trang tin như vậy ngày càng ít màu mực đỏ hơn. Và nhờ có thêm sự tận tình hướng dẫn và động viên của Tổ và Phòng, nên mơ ước này của tôi cũng dần dần trở thành sự thật.

Biên tập viên Phòng Phôni- Ban biên tập tin Thế giới đang tác nghiệp

Làm việc được 5 năm ở Phòng tin Thế giới, đến tháng 10/1971, tôi được cử sang làm Trưởng phân xã TTXVN tại Cộng hòa Ả Rập Ai Cập, bắt đầu một môi trường công tác mới. Cũng vẫn như những ngày còn ở trong nước, sau mỗi lần gửi tin về, khi nhận được những ấn phẩm từ nhà gửi sang, tôi đều xem lại kỹ càng để rút ra những bài học thực tế. Và trong những nhiệm kỳ công tác sau, ở Trung Đông và ở Hoa Kỳ, tôi vẫn duy trì thói quen tự học hỏi theo cách đó.

Từ Ai Cập về, tôi được cử làm Trưởng tiểu ban Tài liệu Tham khảo đặc biệt, thuộc Ban BTT Thế giới. Lúc này TTXVN đã là cơ quan ba cấp (Phòng, Ban, Bộ biên tập), nên trên tôi còn có cấp Trưởng ban. Đó là các đồng chí Nguyễn Công Đắc, Phạm Quế Lâm, Dương Thị Duyên - thay nhau qua từng thời kỳ. Làm công tác hiệu đính, nhất là hiệu đính những bài bình luận phân tích, đối với tôi, lúc đầu cũng không phải là dễ. Mỗi khi gặp những tình huống khó khăn tôi lại tìm đến để học hỏi những "cánh chim tiếng Anh đầu đàn" của ngành, như các anh Trần Văn Chương, Phạm Thịnh, Nguyễn Công Khuyến... Cho đến khi tôi được trao nhiệm vụ làm Trưởng ban BTT Thế giới thói quen đọc lại kỹ càng những trang tin đã được cấp trên duyệt vẫn được tôi duy trì thực hiện.

Đến nay, tuy đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn tiếp tục làm việc với báo Việt Nam News, với danh nghĩa cộng tác viên, tham gia "hiệu đính tin - bài" trong những trang tin quốc tế. Với nhiệm vụ này, tôi vẫn giữ nề nếp cũ, bắt đầu một ngày làm việc mới bằng việc đọc lại để biết những tin bài mình sửa hôm trước, và được Ban biên tập xem lại lần cuối, đã được sử dụng ra sao trên mặt báo.

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ tin học. Trong khoảng 20 năm qua, TTXVN cũng đã từng bước vi tính hóa toàn bộ quá trình sản xuất tin. Phóng viên, biên tập viên nay không còn cái cảnh làm việc bằng những cây bút sắt và những trang giấy như trước nữa. Tất cả các khâu xem tin, chọn tin, làm tin đến khâu chuyển tin, duyệt tin... đều được thực hiện qua màn hình máy vi tính, vừa nhanh chóng, tiện lợi, chuẩn xác. Tuy nhiên, người làm tin nay không còn có cơ hội để xem lại những trang tin bằng giấy mình làm ra đã được sửa chữa như thế nào, nên nghĩ rằng làm tin xong, "đẩy" sang máy của người duyệt là xong nhiệm vụ.

Từ câu chuyện bản thân trong suốt 50 năm làm việc trong ngành Thông tấn (35 năm trong biên chế và 15 năm theo chế độ hợp đồng), tôi nghiệm ra rằng câu châm ngôn "Biển học vô bờ - chuyên cần là bến" thật nhiều ý nghĩa. Mong rằng thế hệ nhà báo trẻ của TTXVN hôm nay luôn thấu hiểu và thực hiện sự học theo cách thức của mỗi người.

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Con đường đến với Thông tấn xã Giải phóng (08/12/2015 15:09:37)

Cơ quan thông tấn tại Rạch Giá - Đau thương và anh dũng (04/11/2015 10:03:42)

55 năm TTXGP anh hùng (03/11/2015 15:19:29)

“Thông tấn xã trong tôi” là những điều gần gũi, giản dị  (12/10/2015 10:50:48)

Thông tấn xã Việt Nam - Bảy mươi năm phấn đấu vì nước vì dân (16/09/2015 10:41:18)

Tổng kết, trao giải hai cuộc thi viết và sáng tác ca khúc về TTXVN (16/09/2015 10:38:56)

Hết mình vì sự nghiệp chung (04/08/2015 15:55:03)

Tự hào đứng trong đội ngũ TTXVN (04/08/2015 15:49:03)

Chúng tôi đã học làm báo như thế... (04/08/2015 15:44:15)

Nghĩa tình Thông tấn xã (07/07/2015 10:43:22)