Thứ hai, ngày 29/04/2024

Truyền thống

Nhớ những cái Tết xa nhà...


(25/02/2016 15:43:00)

Năm nay được vui Tết với gia đình ở trong nước, nhớ lại những cái Tết làm phóng viên thường trú xa nhà, tôi không khỏi bồi hồi. Mười cái Tết tại hai châu lục Á-Âu đã để lại trong tôi những niềm vui, nỗi buồn và tình cảm cộng đồng đáng quý.

Phóng viên Minh Lý (bìa phải) phỏng vấn Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Shrimati Preeti Saran và Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành

Năm 2003, tôi được lãnh đạo cơ quan giao trọng trách đi mở Cơ quan thường trú (lúc đó gọi là phân xã) tại Vương quốc Anh. Đặt chân tới thủ đô London vào ngày giáp Tết, lúc thời tiết ở xứ sở "sương mù" còn lạnh buốt, tuyết phủ trắn xóa mặt đường, cây cối trơ trụi, chúng tôi cảm thấy buồn tê tái.Cơ quan thường trú London lúc đó chưa có trụ sở, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thuê cho chúng tôi một phòng trọ ở trung tâm thành phố, đối diện với Hyde Park. Từ ban công nhìn xuống công viên mênh mông tuyết trắng, nước mắt tôi cứ tuôn trào khi nghĩ đến không khí Tết đang náo nức trong nước.

            Thật là cảm động khi đêm 30 Tết, ông Nguyễn Đức Hòa, Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh, đích thân mang đến phòng trọ cho hai mẹ con tôi và phóng viên Trần Ngọc Quang (nay là Phó Trưởng ban BTT Đối ngoại) một cặp bánh chưng, giò và rượu vang. Ông Hòa nói rằng do anh em sang Pháp lấy bánh chưng về muộn nên giờ mới đưa quà và đến mùng 6 Tết, Đại sứ quán tổ chức Tết cộng đồng. Mấy ngày Tết, các gia đình bên Đại sứ quán đi các nước châu Âu chơi. Không đi thăm hỏi, chúc Tết được ai, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu, làm quen địa bàn, rồi viết bài cảm nhận đầu tiên về London gửi về Tổng xã. Cái Tết đầu tiên của tôi tại Vương quốc Anh đã qua đi như vậy và tiếp đó là những nỗi lo công việc của người phóng viên lần đầu thực hiện trọng trách thường trú tại một địa bàn rộng lớn và xa lạ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đón Tết Ất Mùi 2015

Ba cái Tết tiếp theo tại Vương quốc Anh trôi qua nhẹ nhàng hơn, vì lúc đó chúng tôi đã thiết lập được các mối quan hệ công tác với các cơ quan báo chí Anh, với Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, cũng như các mối quan hệ thân tình với bà con Việt kiều. Cứ đến Tết, chúng tôi lại đi tác nghiệp, đưa hình ảnh vui Tết của cộng đồng người Việt tại Anh về nước. Giáp Tết, chúng tôi còn đến các cửa hàng của bà con người Việt ở khu Đông London để mua hàng tết; tặng bà con lịch năm mới của cơ quan. Một số gia đình mời chúng tôi đến ăn Tết, với đủ các món truyền thống tự chế biến như bánh chưng, giò, nem, măng... Sống nơi đất khách, không có truyền thống đón Tết Nguyên đán như ở Vương quốc Anh, mà được thưởng thức những món ăn như vậy thật ấm lòng.

Những năm công tác ở Ấn Độ, một miền đất của châu Á nhưng không mang bản sắc văn hóa Á Đông, đôi khi chúng tôi cảm thấy hụt hẫng mỗi khi Tết đến, Xuân về. Đất nước "sông Hằng" lễ hội quanh năm, nên với dân địa phương hầu như ngày nào cũng là Tết. Tuy nhiên, Diwali (hay còn gọi là lễ hội ánh sáng) vào ngày 30/9 âm lịch hàng năm được coi là Tết to nhất của người dân xứ Ấn, với sự tham gia của hầu hết các đạo giáo. Diwali rất giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam, nên vào dịp đó, những người Việt tại đây cũng quen phong tục chuẩn bị và đón Tết như dân địa phương. Vào dịp Tết Diwali, chúng tôi dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua quà tặng đối tác, đốt pháo, tổ chức ăn uống sum họp gia đình, bạn bè và chúc tụng nhau "Happy Diwali" như ở ta "Chúc mừng năm mới"vậy.

Thời gian từ Diwali đến Tết Nguyên đán rất nhanh. Đó cũng là thời gian để chúng tôi cùng Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán gấp rút hoàn thành các kế hoạch của năm; chuẩn bị báo cáo tổng kết, viết bài tổng hợp về tình hình địa bàn cho các ấn phẩm của cơ quan, và cả chuẩn bị... Tết cho cơ quan thường trú.

Theo thông lệ, khoảng một tuần trước Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức gói bánh chưng và giò. Một nhóm được phân công đi mua "lợn sạch" ở trang trại để gói bánh, giã giò. Nhóm được phân công luộc bánh chưng và giò phải thức thâu đêm bên bếp lửa nhóm bằng củi ở khuôn viên Đại sứ quán. Không khí hôm đó vui như hội, với sự tham gia tích cực của Đại sứ, cùng toàn thể cán bộ nhân viên các cơ quan và phu nhân, phu quân. Riêng chúng tôi là phóng viên, được liệt vào diện "ưu tiên công việc". Nhưng nếu hôm đó không phải đi tác nghiệp, chúng tôi cùng chung tay chuẩn bị Tết với Đại sứ quán.

Tết cộng đồng thường tổ chức vào giáp Tết, trong không khí vui tươi, nhưng trang nghiêm, cùng mùi hương trầm dìu dịu trong tiết trời se lạnh của miền đất Ấn. Cán bộ nhân viên Đại sứ quán các nước trong khối ASEAN và bạn bè Ấn Độ cùng đến vui Tết tại Đại sứ quán trong tiếng ca rộn ràng và điệu múa sạp vui nhộn. Đón Tết trong không khí ấm cúng, với đầy đủ món ăn truyền thống, cành đào, cành mai (mặc dù phải đơm thêm hoa giấy tự cắt), nên dẫu xa quê cũng thấy ấm lòng.

Sau Tết cộng đồng, vào đêm giao thừa, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ còn tổ chức gặp mặt, "bắt thăm trúng thưởng", "thi giọng hát hay", mừng tuổi các cháu...Sáng mùng một Tết, Đại sứ xuất hành tới chúc Tết từng gia đình, rồi các đoàn cùng nhau đi chúc Tết, lên chùa cầu an...

Tuy nhiên cũng có năm, cánh phóng viên chúng tôi không được ăn Tết. Các nước sở tại không đón Tết Nguyên đán, nên các cơ quan của họ vẫn làm việc, các sự kiện vẫn diễn ra bình thường. Mỗi khi có sự kiện, chúng tôi sẵn sàng vác máy quay, máy ảnh lên đường tác nghiệp, bất chấp đêm giao thừa hay ngày mùng một Tết. Chúng tôi rất vui khi ảnh, hình và tin gửi về được đăng, phát kịp thời dù đang trong những ngày đón tết.

Một mùa xuân mới đang đến với quê hương. Nhớ về những mùa xuân đã qua nơi xứ người, chúng tôi cành trân trọng những kỷ niệm đẹp của một thời làm phóng viên thời chiến, nhưng cũng không ít khó khăn phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao, góp cho dòng chảy thông tin luôn liền mạch.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016