Thứ hai, ngày 29/04/2024

Truyền thống

30 năm kết nghĩa tuổi trẻ TTXVN - Sư đoàn 304: Giữ mãi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng


(11/05/2016 15:23:50)

Ngày 30/4/1986, tại Lạng Giang, Hà Bắc (nay là Bắc Giang), Đoàn thanh niên TTXVN và Đoàn thanh niên Sư đoàn 304 đã tổ chức lễ kết nghĩa, để từ đó thân lại càng thân, thắm thiết hơn mối quan hệ thủy chung, son sắt, nghĩa tình. Nội san Thông tấn xin giới thiệu hồi ức của cựu Bí thư Đoàn thanh niên TTXVN Nguyễn Thị Tố Loan về sự kiện đáng nhớ này.

Lễ kết nghĩa Đoàn thanh niên sư đoàn 304 và Đoàn thanh niên TTXVN, ngày 30/4/1986

Ba mươi năm đã qua, nhớ về những hoạt động kết nghĩa của tuổi trẻ hai cơ quan TTXVN và Sư đoàn 304, trong tôi lại trào dâng những cảm xúc đặc biệt. "Vạn sự khởi đầu nan", khó khăn nhiều, nhưng được sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo hai đơn vị, cộng với lòng nhiệt tình, chung sức chung lòng của tập thể Ban chấp hành, sự hưởng ứng tích cực của các đoàn viên thanh niên, chúng tôi đã góp phần làm cho mối quan hệ kết nghĩa của tuổi trẻ hai đơn vị đơm hoa kết trái, thông qua nhiều hoạt động và việc làm mang tính giáo dục truyền thống.

Lớp cán bộ, đoàn viên chúng tôi thuở ấy, cho dù ở các vị trí và môi trường công tác khác nhau, song ký ức mỗi người đều không thể nào quên không khí náo nức, vui như hội, với rất nhiều hoạt động diễn ra trong ngày 30/4/1986 và trong hai năm kết nghĩa đầu tiên. Đó là những cuộc thi tìm hiểu truyền thống của TTXVN và Sư đoàn 304, những buổi cùng nhau xây Ao cá Bác Hồ, trồng cây lưu niệm, quyên góp sách để xây dựng tủ sách nghĩa tình ở tất cả các trung đoàn, rồi các chuyến đi dã ngoại thăm ải Chi Lăng, hành quân đến các trung đoàn biểu diễn văn nghệ...

 

Những hoạt động giao lưu giữa Đoàn thanh niên hai đơn vị diễn ra thường xuyên và sôi nổi suốt ba mươi năm qua
Nơi xa nhất chúng tôi đặt chân đến là địa điểm đóng quân của Trung đoàn 9 gần Hữu Lũng, Lạng Sơn. Hành trang chúng tôi mang theo đến các trung đoàn tất thảy là "của nhà trồng được": Từ bộ nhạc cụ do một đơn vị trong cơ quan tài trợ, nhạc công là các cán bộ đoàn như các anh Ngô Hà Thái, Nguyễn Hoài Dương (nay đã là những cán bộ chủ chốt của TTXVN), cùng hơn 20 diễn viên nam nữ, với một chương trình phong phú gồm đủ các thể loại ca nhạc, kịch. Khi màn đêm buông xuống, những tà áo dài thướt tha muôn màu hòa cùng màu xanh áo lính. Tay nắm tay, chúng tôi cùng cất lên tiếng hát ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước. Chỉ là nghiệp dư, nhưng đến đâu chúng tôi cũng đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ và bà con địa phương. Sau mỗi đêm diễn, chúng tôi lại trở về Sư đoàn bộ để ngày hôm sau lại đến với trung đoàn khác.

Buổi biểu diễn tại Sư đoàn bộ ở Lạng Giang, Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên. Đó là một buổi tối cuối hè đầu thu năm 1986. Từ sân khấu nhìn xuống, cả một sân bóng rộng là thế mà gần như không còn khoảng trống nào. Tất cả, từ Sư đoàn trưởng lúc đó là anh Nguyễn Văn Rinh (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), anh Đổng Quốc Sự - Sư đoàn phó, anh Nguyễn Văn Hoán - Chủ nhiệm chính trị... cho đến các chiến sĩ và bà con dân làng, đều ngồi thành từng hàng ngay ngắn, với những cặp mắt ánh lên sự chờ đón và niềm động viên khích lệ. Điều đó đã giúp các diễn viên nghiệp dư thông tấn thấy tự tin hơn và có lẽ vì thế mà giọng hát cũng hay hơn.

Chúng tôi cũng nhớ mãi bữa cơm đầu tiên sau lễ kết nghĩa. Thời ấy, cuộc sống của người dân ở Thủ đô vô cùng khó khăn, cuộc sống của những người lính càng khó khăn gấp nhiều lần. Anh em bộ đội phải ăn cơm độn, thức ăn đạm bạc. Nhưng bữa cơm hôm đó không thấy có độn và mâm nào cũng có thịt, có canh. Lúc đầu chúng tôi nghĩ rằng, hôm nay là ngày đặc biệt nên tất cả đều được ăn tươi như nhau. Chỉ đến khi nhìn thấy trong bát cơm của mình có lẫn miếng sắn nhỏ, tôi vội chạy sang ngó nồi cơm của bộ đội, thì mới vỡ lẽ anh em đã ăn hộ phần sắn độn trong cơm để nhường cơm trắng cho khách. Thức ăn của anh em ngoài một chút thịt, chỉ có nồi canh lễnh loãng. Vậy mà các chiến sĩ ăn rất ngon lành, lại còn sợ khách ăn không ngon miệng nên cứ động viên. Không để các anh kịp phản ứng, chúng tôi đã bê nồi cơm trắng sang trộn chung với nồi cơm sắn của bộ đội và sẻ chia thức ăn cùng nhau.

Kỷ niệm khó quên khác là trận đấu giao hữu bóng đá tại nơi đóng quân của Sư đoàn. Trận đó đội thanh niên TTXVN thắng, nên nét mặt các cầu thủ lẫn cổ động viên thông tấn đều rạng rỡ. Đội thanh niên Sư đoàn ai nấy đều buồn. Hỏi ra mới biết vì đá thua nên các chiến sĩ không được thưởng ngày nghỉ để về thăm bố mẹ, mà "lâu lắm rồi chưa được về nên nhớ nhà lắm". Nghe các chiến sĩ nói vậy tôi thấy cay cay nơi sống mũi và cứ thầm nghĩ, giá như...

Ba mươi năm qua, lớp lớp cán bộ, đoàn viên thanh niên TTXVN và Sư đoàn 304 luôn nhận được sự chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi của hai đơn vị trong các hoạt động. Những đoàn viên thanh niên - dù là chiến sĩ hay phóng viên, biên tập viên, công nhân viên - thông qua nhiều hoạt động chung hữu ích đã làm cho mối quan hệ kết nghĩa ngày thêm thắm thiết, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của TTXVN và Sư đoàn 304 anh hùng.

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2016