Thứ hai, ngày 29/04/2024

Truyền thống

“Quãng thời gian đẹp nhất của đời mình”


(11/05/2016 15:28:21)

Anh Sáu Nghĩa (tức Lê Quang Nghĩa, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, nay là Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam) là người bạn chí cốt cùng tôi sát cánh tại Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) những năm dài chống Mỹ.

Ông Sáu Nghĩa (tức Lê Quang Nghĩa, áo trắng đứng giữa) cùng tổ công tác đặc biệt lặn lội tận rừng sâu tỉnh Kampong Cham (Campuchia) để quy tập hài cốt liệt sĩ của TTXVN

Biết bao kỷ niệm vui buồn với anh Sáu những ngày ở "R", hết căn cứ Suối Cây, sau Phum Cháy (Phum Thlok Trach) đến căn cứ Sáu Cầu (tỉnh Svay Rieng), Ka-đôn (tỉnh Kampong Cham) trên đất bạn Campuchia vẫn còn in đậm trong tôi.

Theo anh Sáu tự bạch: Cuối thập niên 1940 của thế kỷ trước, anh là lính thông tin của Ban liên lạc Quân khu 8 (miền Trung Nam Bộ), từng tham gia các chiến dịch Đồng Tháp Mười, Cao Lãnh 1, Cao Lãnh 2 tại đồng bằng sông Cửu Long chống thực dân Pháp.

Là cán bộ vô tuyến điện giỏi, anh được cấp trên điều động về Phân liên khu miền Đông Nam Bộ, một địa bàn rừng núi hoang vu thiếu thốn đủ thứ, từ cái ăn đến cái mặc, nhưng lại dư thừa thú dữ, muỗi mòng cùng bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét. Tại nơi đầy khó khăn, nguy hiểm này, đầu năm 1952, anh đã cùng đồng nghiệp lắp đặt điện đài, góp phần xây dựng huyện đội căn cứ Dương Minh Châu.

Năm 1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới; phần lớn cán bộ, bộ đội miền Nam được lệnh tập kết ra Bắc. Trong khi mọi người phấn khởi chuẩn bị lên đường thì anh Sáu và một số ít đồng đội được lệnh bí mật ở lại. Đây thực sự là một nhiệm vụ đầy thách thức đối với mỗi cán bộ "nằm vùng" của ta.

Sau vài năm củng cố chính quyền tay sai, Ngô Đình Diệm đã ra Luật 10/59 kéo lê máy chém khắp miền Nam đàn áp những người kháng chiến cũ với phương châm "giết nhầm còn hơn bỏ sót". Trong lúc địch ngày đêm ruồng bố tìm diệt "Việt cộng", anh Sáu và các đồng chí ở lại phải lẩn trốn, bám đất, bám dân, giả dạng dân thường, móc nối cơ sở để nhận máy móc thiết bị thông tin, sau đó trở về căn cứ bí mật, dựng chòi ven sông Sài Gòn, lên máy giữ đều các phiên liên lạc và nhận tin của Việt Nam Thông tấn xã cung cấp cho cán bộ lãnh đạo và ra bản tin.

Khi địch tăng cường càn quét, anh và đồng nghiệp phải đào hầm chôn giấu máy móc, thiết bị và bám cơ sở tại vùng đồn điền cao su Dầu Tiếng. Bằng căn cước giả, khi bí mật lúc công khai, anh theo cán bộ lãnh đạo trở vào Sài Gòn tiếp tục nhận tin Thông tấn xã giữa ban ngày, một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm.

Năm 1970, anh Sáu chuyển sang công tác tại Ban tuyên huấn xứ ủy cùng với anh Ba Đỗ (tức Đỗ Văn Ba) ở căn cứ Dương Minh Châu. Hai anh là những thành viên đầu tiên của TTXGP. Thời gian này, cơ quan rất thiếu máy móc thiết bị. Anh Sáu đã cùng đồng nghiệp tận dụng máy cũ hỏng, tìm mua phụ tùng thay thế, sửa chữa thành máy phát điện, phát sóng, điều hành hàng chục điện đài, mở rộng mạng lưới thông tin ra toàn miền với quyết tâm: Giữ vững làn sóng điện không bao giờ tắt!

Trong những lần địch càn quét, cơ quan phải di dời căn cứ, anh Sáu bình tĩnh động viên cán bộ, nhân viên B8 khắc phục khó khăn vận chuyển hàng chục tấn sắt thép, nguyên vật liệu trên vai vượt lộ, băng sông từ Tây sang Đông Bắc và ngược lại với gần nửa tháng hành quân. Đến căn cứ mới, mọi người lại ráng sức đào hầm hào, lắp đặt máy móc và tiếp tục phát tin cho Đài Giải phóng đặt tại miền Bắc (đài A) và giữ đều các phiên liên lạc với các khu, tỉnh ở miền Nam để thu thập tin tức.

Tổ kỹ thuật sửa chữa máy thu phát tin

Giữa năm 1965, cơ quan phân công anh Sáu cùng anh Hai Luận (cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về) phụ trách B8/1, B8/2 (Phòng kỹ thuật điện vụ). Hai anh đã sát cánh hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao. Năm 1972, ta mở chiến dịch đánh mạnh vào ba tuyến phòng ngự của địch là Quảng Trị, đường 13 và Tây Nguyên, Phòng đã cử nhiều tổ điện đài đi theo các phóng viên đến các sư đoàn quân Giải phóng (sư đoàn 5,7,9) chiến đấu trên đường 13 và đồng bằng sông Cửu Long kịp thời đưa tin chiến thắng.

Phong trào cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh, công tác thông tin của cơ quan ngày càng tăng nhưng rất thiếu nhân lực. Anh Sáu đã tìm cách móc nối với các tỉnh miền Trung Nam Bộ, đưa các cháu thiếu niên lên cơ quan đào tạo thành những điện báo viên và công nhân máy nổ.

Năm 1973, cơ quan phân công anh Sáu sang Kratié (Campuchia) nhận hàng viện trợ từ miền Bắc gửi vào. Anh đã chỉ huy một số anh em thuê ghe đò chở hàng chục tấn máy móc, phương tiện trên sông Mê Kông trong đêm tối, dưới bom đạn của máy bay Mỹ, về căn cứ an toàn.

Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước thống nhất, anh Sáu được cơ quan cử làm Giám đốc cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ kỷ niệm 55 năm thành lập TTXVN và 40 năm thành lập TTXGP tổ chức tại Hà Nội, anh Sáu Nghĩa đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành và hồi tưởng về một "quãng thời gian đẹp nhất của đời mình là đã cống hiến cho TTXGP, cho TTXVN và chính trong những năm tháng ấy, chúng ta đã sống với nhau thật sôi nổi, thật trong sáng và chân thành".

Hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, dù tuổi đã cao, năm 2002, anh Sáu cùng hai điện báo viên cũ của B8 đã không ngại khó khăn, nguy hiểm trở về rừng sâu Ka-đôn (tỉnh Kampong Cham), lặn lội tìm được đủ 5 hài cốt liệt sĩ sau 31 năm nằm lại đất bạn, đưa về an táng tại quê nhà.

Là một cán bộ trung kiên với quyết tâm "giữ làn sóng điện TTXGP không bao giờ tắt", anh Sáu đã vượt qua mọi thử thách cam go, làm tròn nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển cơ quan thông tấn quốc gia.

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2016