Truyền thống
Những nhà báo quân phục xanh của TTXVN
(12/10/2016 10:18:24)
Những ngày tháng 9, tôi cùng đoàn phóng viên TTXVN về xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định gặp gỡ nhà báo Hứa Kiểm, phóng viên phòng Thông tấn quân sự (TTQS), TTXVN nhân dịp ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật. Thật bất ngờ, tại đây, tôi lại được gặp nhà báo Hồng Thụ, nhà báo Nguyễn Dĩnh, những đồng đội, đồng nghiệp của ông, những phóng viên chiến trường, những nhà báo lão thành TTQS. Qua câu chuyện, tôi được hiểu thêm rất nhiều điều về một đơn vị và những con người khoác trên mình bộ quân phục màu xanh nhưng lại là phóng viên của TTXVN.
Nhà báo Nguyễn Dĩnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, nguyên Trưởng phòng TTQS giai đoạn 1994 - 2002, cho biết, phòng TTQS thuộc biên chế Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt nam. Ngay từ năm 1960, đã có một bộ phận phóng viên của quân đội được cử sang TTXVN tác nghiệp, làm việc ngay tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, với bộ phận phóng viên tin và phóng viên ảnh. Đến năm 1962, phòng TTQS chính thức được thành lập. Rất nhiều tin tức, hình ảnh về xây dựng quân đội, quốc phòng, hoạt động quân sự, diễn biến trên các chiến trường… từ năm 1960 đến năm 1975 được TTXVN chính thức phát ra là của phóng viên phòng TTQS. Đây cũng là tiếng nói, là phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng để chuyển đến các cơ quan báo chí khác ngoài quân đội.
Sau khi chính thức thành lập, phòng TTQS phát triển ngày càng mạnh mẽ, nhất là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Cao điểm năm 1969, phòng có tới 29 người với ba tổ công tác: Tổ tin miền Bắc, tổ tin miền Nam và tổ Ảnh.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, phóng viên TTQS luôn sát cánh cùng phóng viên TTXVN trên khắp các chiến trường, cập nhật tin tức về chiến sự cho độc giả trong và ngoài nước. Nhiều phóng viên TTQS như: Lương Nghĩa Dũng, Thẩm Đức Hòa, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Hoàng Thiểm, Ngọc Đản, Nguyễn Dĩnh… đã có mặt ở những chiến trường ác liệt, từ các trận địa pháo phòng không chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, tuyến lửa đường 5 (Hải Phòng), Nam Ngạn - Hàm Rồng (Thanh Hóa) đến miền đất lửa Quảng Bình, Quảng Trị… Những địa bàn ác liệt nhất, gian khổ nhất đều in dấu chân của phóng viên TTQS.
Nhà báo Hứa Kiểm với tác phẩm “Đường 20 - Quyết thắng” |
Nhà báo Hứa Kiểm, nguyên phóng viên ảnh TTQS, người vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm nay kể, ông từng là phóng viên chiến trường tại cung Đường 20 ác liệt với cụm trọng điểm liên hoàn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích) ở miền Tây Quảng Bình thời chiến tranh chống Mỹ. Cụm trọng điểm liên hoàn này bị bom đạn cày nát, cây cối cháy trụi, ngổn ngang, rừng già biến thành đồi trọc… Hầu như không ngày nào máy bay Mỹ không rải bom hòng ngăn chặn tuyến đường huyết mạch của miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Nói về sự gắn bó máu thịt giữa phóng viên TTQS với TTXVN, nhà báo Nguyễn Dĩnh cho biết: Chúng tôi tuy là do quân đội cử sang, ăn lương của quân đội nhưng lại làm việc tại TTXVN, tin tức phát qua các bản tin của TTXVN. Khi làm việc, chúng tôi nhận sự chỉ đạo từ hai nơi, giống như chúng tôi vẫn nói với nhau: Bọn mình có hai người cha, đó là Tổng cục Chính trị và TTXVN.Hằng ngày, các đồng chí lãnh đạo của TTXVN vẫn thường xuyên chỉ đạo, biên tập từng dòng tin, từng bức ảnh do các phóng viên TTQS từ chiến trường gửi về. Tất cả các phương tiện nghiệp vụ lúc đó cho phóng viên TTQS đi chiến trường đều do TTXVN trang bị. Anh em phóng viên đi chụp về sau khi in tráng, viết chú thích xong, phim và ảnh mẫu đều được lưu tại TTXVN.
Nhà báo Hứa Kiểm và nhà báo Hồng Thụ còn bật mí, lớp phóng viên TTQS thời đó như Lương Nghĩa Dũng, Thẩm Đức Hòa, Vũ Tạo… và các ông đều do TTXVN đào tạo. Có thể nói, phòng TTQS cùng các phóng viên của TTXVN là một bộ phận không thể tách rời của TTXVN. Tin, ảnh trên khắp các chiến trường được truyền kịp thời về Tổng xã và đều được vinh dự ghi nguồn: VNTTX trước đây, ngày nay là TTXVN. Đến giờ, những cái tên như: TTXVN - Hứa Kiểm, TTXVN - Hồng Thụ, TTXVN - Nguyễn Dĩnh… vẫn là những dấu ấn, những kỷ niệm không thể quên trong suốt sự nghiệp cầm bút, cầm máy của những phóng viên - chiến sỹ ấy.
Đánh giặc bằng thông tin
Trong suốt giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, có một số sự kiện chỉ có phóng viên TTQS mới có thể tiếp cận. Nhưng sau đó, các tin và ảnh về những sự kiện này đều được phát qua các bản tin của TTXVN, chứ TTQS không cung cấp trực tiếp cho các báo.
Nhớ lại kỷ niệm làm tin “độc”, đánh địch bằng thông tin, nhà báo Nguyễn Dĩnh kể: Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, đồng chí Văn Tiến Dũng- lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng- được cử vào miền Nam trực tiếp chỉ huy cuộc tổng tiến công Mùa xuân 1975. Khi đồng chí đã vào chiến trường, để đảm bảo yếu tố bí mật, phóng viên TTQS vẫn đưa tin liên quan đến các hoạt động của đồng chí Văn Tiến Dũng ở Hà Nội. Chính những dòng tin ấy đã đánh lừa được kẻ địch, góp phần làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975.
Trước đó, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi ta tiêu diệt được Lữ đoàn Dù 3 của ngụy do Đại tá Nguyễn Văn Thọ làm Lữ đoàn trưởng, mặc dù ta đã bắt được Đại tá Thọ, nhưng TTQS được chỉ đạo không vội đưa thông tin này mà chỉ đưa tin tiêu diệt Lữ đoàn Dù 3. Do đó, chính quyền Sài Gòn vội vã điều một Lữ đoàn Thiết giáp lên để cứu Đại tá Thọ. Dự báo trước tình huống này, quân ta đã chủ động mai phục, tiếp tục tiêu diệt và bắt gọn cả Lữ đoàn Thiết giáp này của địch.
Bên cạnh đó, phóng viên TTQS còn được tin tưởng giao nhiệm vụ đưa tin một số sự kiện trọng đại của đất nước, một trong số đó là việc chuẩn bị xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo Hồng Thụ - một trong ba phóng viên được cử làm nhiệm vụ viết tư liệu quốc gia về việc xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể: Năm 1973, Nhà nước có chủ trương xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là vấn đề cơ mật. Tổng Cục Chính trị quyết định cử ba phóng viên của tổ phóng viên TTQS sang Phủ Chủ tịch để lấy thông tin và viết tư liệu về việc xây Lăng. Suốt từ năm 1973 cho đến năm 1975, khi Lăng hoàn thành, nhóm phóng viên được dự các cuộc họp quan trọng bàn về thiết kế, quá trình vận chuyển nguyên vật liệu và được chứng kiến tấm lòng thơm thảo của nhân dân hai miền Nam - Bắc đối với Bác.
“Anh em chúng tôi đều đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn. Hằng tuần, phòng TTQS vẫn tham dự giao ban tại trụ sở của TTXVN và nếp này còn được giữ cho đến tận bây giờ. Lúc nào chúng tôi cũng nghĩ, mình là phóng viên của TTXVN, là một thành viên của gia đình TTXVN”, nhà báo Nguyễn Dĩnh xúc động tâm sự.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phòng TTQS có hai nhà báo hy sinh là: Lương Nghĩa Dũng và Thẩm Đức Hòa. Trong thành tích chung của TTXVN, phòng TTQS cũng vinh dự có ba nhà báo - phóng viên chiến trường được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật gồm: Nhà báo Lương Nghĩa Dũng - Giải thưởng Nhà nước năm 2006, Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016; nhà báo Vũ Tạo - Giải thưởng Nhà nước năm 2006; nhà báo Hứa Kiểm - Giải thưởng Nhà nước năm 2016.
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Mẹ (03/10/2016 12:32:08)
Hành trình đi tìm đồng đội (03/10/2016 11:57:41)
“Quãng thời gian đẹp nhất của đời mình” (11/05/2016 15:28:21)
30 năm kết nghĩa tuổi trẻ TTXVN - Sư đoàn 304: Giữ mãi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng (11/05/2016 15:23:50)
Sâu đậm ân tình T6 (08/04/2016 09:03:13)
“Vẻ đẹp phụ nữ” của Đặng Kim Dung (07/04/2016 10:24:13)
Thơ (07/04/2016 10:15:29)
Thơ (26/02/2016 14:22:33)
Năm Thân đến thăm các "đảo khỉ" nổi tiếng của Việt Nam (26/02/2016 14:17:25)
Ăn Tết ta ở một gia đình Czech - Việt (25/02/2016 15:46:33)